* Nội dung:
Quyển sách “Tư duy nhanh và chậm” là công trình nghiên cứu khoa học đã đạt giải nobel của tác giả và một người bạn. Nó cho thấy khi con người tư duy luôn có hai hệ thống là hệ thống 1 và hệ thống 2, trong đó mỗi hệ thống đại diện cho một quá trình là tư duy nhanh và tư duy chậm. Hệ thống 1 ảnh hưởng tới chúng ta nhiều hơn so với trải nghiệm của chúng ta và đó là tác nhân bí ẩn của rất nhiều lựa chọn và phỏng đoán mà bạn đã đưa ra. Cuốn sách này dành phần lớn thời gian để nghiên cứu về cách thức hoạt động của hệ thống 1 và sự ảnh hưởng qua lại giữa nó với hệ thống 2.
Khi đối mặt với một vấn đề, dù chỉ là đi một nước cờ hay quyết định đầu tư vào cổ phiếu, thì bộ máy tư duy trực giác vẫn chạy hết tốc lực của nó. Nếu một người có những kinh nghiệm phù hợp, anh ta sẽ nhận định được tình hình và có khả năng đưa ra các giải pháp trực giác chuẩn xác rất cao. Đó chính xác là những gì diễn ra, khi một kỳ thủ nhìn vào một bàn cờ rối rắm: những nước cờ lập tức xâm chiếm lấy anh ta. Khi câu hỏi đặt ra khó hơn và một giải pháp khả thi không xuất hiện, trực giác lúc này vẫn còn là một ý tưởng mơ hồ. Câu trả lời có thể xuất hiện nhanh chóng trong đầu nhưng đó không phải là câu trả lời cho câu hỏi gốc. Đây chính là điểm cốt yếu của suy nghiệm trực giác: khi đối mặt với một câu hỏi khó, thay vì trả lời trực tiếp, chúng ta lại thường trả lời vào câu hỏi dễ hơn và thường chúng ta không nhận ra sự hoán đổi này.
Đôi khi bạn không thể tìm ra một giải pháp trực giác nào, ngay cả giải pháp của chuyên gia lẫn đáp án suy nghiệm đều không xuất hiện. Trong những trường hợp này, chúng ta sẽ nhận thấy bản thân tư duy của chúng ta sẽ chuyển qua một dạng thức tư duy chậm rãi hơn, chính xác hơn và đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn. Đó chính là cách tư duy chậm mà tác giả đề cập ở tiêu đề của cuốn sách này. Tư duy nhanh lại bao gồm hai dạng thức là tư duy trực giác của các chuyên gia và suy nghiệm trực giác đơn thuần, cũng như toàn bộ hoạt động trí não tự động đưa nhận thức vào bộ nhớ, những hoạt động đó cho phép bạn nhận thức rằng có một chiếc đèn trên mặt bàn hay nhớ ra tên thủ đô của nước Nga.
Cuốn sách có 5 phần. Phần một giới thiệu những yếu tố cơ bản của cách tiếp cận hai hệ thống khi đưa ra các phỏng đoán và các lựa chọn. Phần hai cập nhật những nghiên cứu về những phán đoán suy nghiệm và khám phá một vấn đề cơ bản: tại sao con người lại khó khăn khi tư duy dựa trên những hiện thực thống kê? Những khó khăn của việc tư duy dựa trên hiện thực thống kê là chủ đề chính của phần ba, trong đó mô tả những giới hạn của đầu óc ta như: niềm tin thái quá vào những gì chúng ta tin là mình hiểu biết và hiển nhiên đó chính là sự bất lực của chúng ta trong việc nhận ra sự “vô tri” của chính mình ở cấp độ cao nhất của quá trình nhận thức và sự thiếu chắc chắn của thế giới mà chúng ta đang sống. Phần bốn tập trung thảo luận các nguyên tắc của ngành Kinh tế học về bản chất của việc ra quyết định, với giả định các nhân tố kinh tế học là lý trí. Phần năm mô tả các nghiên cứu mới đây của tác giả về sự khác biệt giữa hai cái tôi, một cái tôi kinh nghiệm và một cái tôi ghi nhớ, cả hai có những mối quan tâm riêng. Chương kết luận phát hiện ra các ứng dụng của ba nỗ lực khác nhau trong cuốn sách để lý giải giữa cái tôi kinh nghiệm và cái tôi ghi nhớ, giữa khái niệm về nhân tố trong ngành Kinh tế học cổ điển và Kinh tế học hành vi (có sự vay mượn từ ngành Tâm lý học) và giữa Hệ thống tự động 1 và hệ thống nỗ lực 2.
Hy vọng quyển sách sẽ mang đến cho bạn nhiều điều mới mẻ, thú vị và hữu ích.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.