Tập bài giảng Tri Đạo
Ta không thể đạt được sự hiền minh bằng cách đọc sách và ngồi
trong lớp học. Nhưng chí ít chúng ta có thể học về sự hiền minh, và tìm hiểu cách
thức để trở nên sáng suốt hơn, đạo đức hơn. Đó cũng là nội dung chủ đạo của Tri
Đạo – con đường của tri thức và hiền minh. Tài liệu mà bạn đang có trong tay,
cùng với bài giảng trực tiếp của giảng viên (với các nội dung không hoàn toàn
trùng khớp với nội dung trong tài liệu này), cùng với sự tìm tòi riêng của chính
bạn, sẽ là những nền tảng để mở ra con đường sáng tạo và thực hành tri thức, để
đi đến sự hiền minh, ở các cấp độ bản thể luận khác nhau: cá nhân, đội nhóm, tổ
chức, cộng đồng.
Tài liệu này tập hợp một số bài đọc chọn lọc để dùng trong suốt khóa học diễn
ra, gồm ba bài chính và ba bài phụ. Bài 1 sẽ là một chương rất quy phạm, có thể
bắt gặp trong nhiều tài liệu nhập môn triết học về tri thức – nó sẽ cung cấp
khung khái niệm sơ khởi nhưng cần thiết để hiểu về tri thức. Bài 2 đi vào trọng
tâm tri thức luận ứng dụng đặc sắc của Nonaka – hứa hẹn mang lại nhiều ứng
dụng cụ thể trong phân tích thực tiễn và kiến tạo thay đổi tích cực. Ở Bài 3, chúng
ta sẽ cùng Peter Drucker tìm hiểu các vấn đề hết sức cơ bản của người lao động
tri thức – cùng với các bài phụ họa sẽ tìm hiểu lại một lần nữa vấn đề lao động tri
thức và cách thức để chúng ta có được năng suất trong thời đại của công nghệ số
và trí tuệ nhân tạo hiện nay. Các bài phụ được ghi với tiêu đề Phụ lục, nhằm bổ
cứu thông tin cho bài chính. Bạn có thể đọc ba bài này theo trình tự bất kì tùy
thích; chẳng hạn, nếu bạn thấy Bài 1 hơi khô khan, bạn có thể đọc kĩ Bài 2 hấp
dẫn hơn trước khi quay trở lại với các khái niệm triết học cơ bản ở Bài 1; hoặc có
thể vào thẳng Bài 3 để khảo sát vấn đề trực tiếp liên hệ tới mình trước khi trở lại
hai bài có tính lí luận trừu tượng kia.
Mong bạn nghiên cứu tài liệu trong sự kiên nhẫn, với tinh thần chọn lọc, phản
biện và khai phóng.
Dương Trọng Tấn.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.