Một cô em gái sinh năm 90 vừa khóc vừa kể với tôi rằng em ấy đang bị chính đồng nghiệp của mình làm cho rất mệt mỏi.
Câu chuyện đại khái như sau:
Mấy người chị ở công ty, ngoài việc để ý “quá thể” đến công việc hàng ngày của em ấy ra thì lại còn thích xen vào chuyện riêng tư, chuyện gia đình, đánh giá trang phục, cách trang điểm hàng ngày, tự coi mình như một “giáo sư hướng dẫn” của em ấy.
Điều quan trọng là giọng nói lại có phần rất khó chịu.
Em ấy mua một chiếc váy mới, chị A ở công ty: “Ồ, váy mới trông đẹp nhỉ, nhưng màu này không nhìn hơi tối da đấy.”
Em ấy xin nghỉ ốm hai ngày, chị B: “Ồ, phải chú ý đến cơ thể chứ. Ốm có hai hôm mà trông em gầy thế, cơ mà cái bụng trông khá to đấy nhỉ”.
Em ấy thiết lập chế độ unfollow một vài người trong công ty, chị C: “Em làm vậy sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ đồng nghiệp! Mọi người đều nói rằng em xa cách đấy.”
Em ấy cảm thấy rất là phiền, muốn chuyển bộ phận hoặc nghỉ việc, hầu như lúc nào cũng trong trạng thái mệt mỏi, buồn rầu.
Tôi hỏi em ấy: Công ty có bắt buộc phải sử dụng Facebook cho công việc không?
Em ấy nói: Không, công việc chỉ cần dùng Zalo hoặc email.
Tôi: Vậy thì tốt rồi, unfriend luôn thôi em.
Cô ấy: Như vậy không tốt … dù sao đó cũng là đồng nghiệp, em còn phải gặp mọi người mỗi ngày.
Có gì mà không tốt?
Ai quy định rằng đồng nghiệp phải là bạn Facebook?
Ai quy định rằng đồng nghiệp thì phải nghe những lời nói như vậy mỗi ngày?
Unfriend Facebook, sau đó ngoài giao tiếp trong công việc thì không cần phải để ý đến.
Mới đầu, hãy trả lời một cách lịch sự: Đó là việc của tôi.
Sau đó học cách nói bá đạo lên rằng: Liên quan gì đến chị.
Cô em đó của tôi chớp mắt ngập ngừng.
Tôi biết, tính cách của em ấy là vậy, rất để ý đến mối quan hệ với mọi người xung quanh, sợ làm phật lòng người khác. Quan trọng là, nhiều khi quá để ý tới các mối quan hệ đồng nghĩa với việc phải trả một cái giá khá đắt về mặt cảm xúc của bản thân.
Quá sợ khiến người khác phật lòng, bạn phải chịu đựng sự tủi thân.
Bạn muốn lựa chọn ra sao?
Tâm lý học phân tâm học có một câu nói rằng: thái độ của người này với người khác thường là bị đối phương “dụ dỗ”.
Nói cách khác, A đối xử với B ra sao, nó không phụ thuộc vào A, mà phụ thuộc vào B. Đó là do B “dụ dỗ” A đối xử với B như vậy. Sự “dụ dỗ” này không phải ý thức, mà là tiềm thức.
Cô em này của tôi luôn bao dung, không muốn làm mất lòng người chị trong công ty kia, không muốn làm xáo trộn mối quan hệ, vì vậy mấy người chị kia cũng được đà lấn tới, bởi vì họ nhận được tín hiệu là: Như vậy cũng được. Điều mà người em này của tôi cần nhất bây giờ là thiết lập ranh giới của riêng mình.
Ranh giới, chính là bức tường.
Bức tường, có nghĩa là khu vực lãnh thổ riêng tư của bạn, người khác không thể vào hoặc rời đi theo ý muốn và không cũng không có quyền làm xáo trộn đồ đạc trong đó.
Bản thân tôi mặc dù miệng lưỡi khá sắc sảo, nhưng tôi không phải là người thích tranh luận với người khác.
Tôi không thích đối mặt với xung đột, cũng không thích tính toán chi li.
Đặc biệt là sau mở tài khoản mạng xã hội ở chế độ “public”, tôi luôn tự nhủ: Vì đây là một nền tảng công cộng, nên cần phải chấp nhận nhiều người khác nhau và nhiều ý kiến khác nhau.
Khoảng hai năm trước, có một độc giả nam vào bình luận một bài đăng của tôi. Mỗi lần tôi đăng một bài viết về quan điểm độc lập của phụ nữ, anh ta chắc chắn sẽ bình luận:“Viết về phụ nữ lúc nào cũng mạnh mẽ như vậy, có bản lĩnh thì cả đời này đừng tìm đàn ông nữa!”
Mỗi lần đều là những nhận xét tương tự, không mang tính xây dựng hay đổi mới.
Ban đầu tôi cũng đáp trả gay gắt, nhưng sau đó tôi đã thêm anh ta vào danh sách đen. Sau đó, tôi ngẫm nghĩ về bản thân mình, tại sao không chặn anh ta ngay từ đầu? Rồi tôi ngẫm lại về vấn đề của bản thân.
Tôi đã quá quan tâm đến ý kiến của người khác, không muốn người khác nghĩ rằng tôi là một người hẹp hòi và không thể lắng nghe những lời chỉ trích.
Tôi luôn tự nhủ rằng không thể yêu cầu người khác luôn khen ngợi mình, phải cởi mở và bạn phải biết chấp nhận sự phê bình và đổ lỗi.
Trong tiềm thức của mình, tôi muốn sử dụng những điều này để chứng minh rằng tôi là một người cởi mở và bao dung.
Nhưng trong quá trình đó, tôi đã phải trả giá bằng cách hy sinh cảm xúc của mình.
Giống như có những người suốt ngày nói những lời khó nghe, nếu bạn không hài lòng, họ sẽ cho rằng bạn nhỏ mọn.
Giống như có những người cố tình ăn không nói có về bạn, nếu bạn không vui, họ sẽ lại nói bạn quá tính toán, không biết khoan dung.
Sau này tôi mới hiểu ra rằng, bất luận bạn là vai gì trong mắt người khác thì bạn trước tiên vẫn là chính mình.
Tất cả chúng ta đều có thể chấp nhận những ý kiến khác nhau, sẵn sàng lắng nghe ý kiến và sửa chữa, nhưng điều này chỉ có thể dựa trên tiền đề của sự tôn trọng lẫn nhau.
Cùng là bày tỏ quan điểm, một số người hòa nhã phát biểu, một số lại dùng lời lẽ công kích, đây là sự khác biệt.
Cùng là đưa ra ý kiến, một số người chân thành, một số mở mồm ra là khiến người khác tổn thương, đây là sự khác biệt.
Ngay cả khi tâm sự, có những người coi bạn là một người bạn tốt, nhưng cũng có những người chỉ coi bạn như một cái thùng rác để họ trút ra, đây là sự khác biệt.
Những người thực sự tôn trọng bạn, những người đối xử chân thành với bạn, sẽ không đáp trả bạn bằng cách hạ thấp hay đàn áp.
Bạn không cần phải ép mình trở thành một người khoan dung.
Cũng chẳng cần phải cảm ơn những người làm tổn thương bạn.
Bất kể bạn là ai, tất cả những ý kiến của các bạn đều khiến tôi có thể học hỏi, có thể trưởng thành, có thể để tôi suy ngẫm về những quan điểm ở một góc nhìn khác, những tiếng nói khác nhau, bao gồm cả những chỉ trích và khen ngời, tôi đều tiếp nhận.
Một số rất sắc sảo, nhưng vẫn đầy sự tôn trọng.
Một số trực tiếp, nhưng rất thật.
Một số rất nghiêm khắc, nhưng bạn có thể cảm thấy được sự chân thành và thiện ý.
Đây mới là những “tiếng nói khác nhau” có giá trị.
Có người trên mạng viết rằng: con người tôi trước giờ không thù dai, thường thì có thù là tôi phải trả luôn.
Tôi đã rất buồn cười khi đọc nó lần đầu tiên, nhưng nghĩ lại thì đạo lý chính là như vậy.
Đối với những người cố tình khiến bạn buồn phiền, hãy trực tiếp thể hiện thái độ giận dữ với họ.
Những người tìm đến bạn, xem bạn như cái thùng rác để trút ra, trực tiếp đuổi họ về.
Không phải tất cả mọi lời nói đều được gọi là “giao tiếp”.
Thiện chí và ác ý, có thể tạm thời được ngụy trang, nhưng ai ngu ngốc hơn ai, rồi thời gian sẽ chứng minh tất cả.
Đừng bắt mình phải làm một thánh nhân, chặn ngay những người cần cho vào danh sách đen chính là sự từ bi đối với chính mình.
– Theo Như Quỳnh –