Khi bạn nghi ngờ sức mạnh của mình, là lúc chính bạn đã tiếp thêm sức mạnh cho sự nghi ngờ đó

“Khi bạn nghi ngờ sức mạnh của mình, là lúc chính bạn đã tiếp thêm sức mạnh cho sự nghi ngờ đó” ~ Honore de Balzac

Thời gian gần đây, sau một thời gian dài miệt mài sáng tạo với “nàng thơ” của mình, tôi bắt đầu cảm thấy chán nản với công việc viết lách. Lúc đó, tôi bắt đầu thấy mất hứng, giống như cái cảm giác của một người ở lại công viên giải trí sau khi mọi phấn khích đã qua đi.

Đối với tôi, sáng tạo và hoàn tất những dự án giống như một chuyến phiêu lưu hoang dã – thú vị và mãnh liệt. Nhưng sau đó, cảm giác hụt hẫng lại bắt đầu ùa về, chiếm lấy tôi.

Tôi lại quẩn quanh trong những suy nghĩ tiêu cực, tự hỏi về khả năng của chính mình.

Liệu mình có thể sáng tạo ra cái gì mới không? Và nếu như mọi người không thích những tác phẩm của mình thì sao?

Như bạn biết đấy, sau khi đốt cháy hết năng lượng vào công việc sáng tạo, chúng ta sẽ cần một khoảng thời gian nghỉ ngơi. Và nếu cứ mãi nghỉ ngơi, sự nhiệt huyết, sáng tạo sẽ “thui chột” dần đi. Kinh nghiệm cho thấy, nếu cứ bỏ mặc bản thân mình như vậy, tôi sẽ dễ dàng bế tắc và mất đi cảm hứng sáng tạo hơn.

Khoảng thời gian nghỉ ngơi dường như khiến cho mọi việc bị ngưng trệ, nhưng sự thật là chúng ta vẫn cần phải nghỉ ngơi.

Khi rơi vào tình trạng ấy, tôi thường trở nên nhạy cảm và dễ dàng bị tổn thương. Tôi chỉ có thể ngồi im, không làm gì và trượt dài trong sự thất vọng vì mọi việc không tiến triển như tôi mong muốn. Hoặc, tôi có thể sử dụng điều này như một động lực, điểm khởi đầu cho những nỗ lực sáng tạo khác.

Nhưng việc nghi ngờ bản thân lúc nào cũng có ảnh hưởng rất lớn lên cả Thân thể, Tâm cảm và Lí trí của chúng ta. Chẳng hạn, mỗi khi rơi vào tâm trạng này, tôi đều cảm thấy mình không xứng đáng để có được những điều tốt đẹp.

Một lần nọ, sau khi thức trắng đêm để viết bài, tôi hí hửng gửi nó cho một tạp chí cũng khá thân quen, kết quả bài viết ấy của tôi bị từ chối vì một lí do lãng xẹt nào đó mà đến giờ tôi cũng chẳng nhớ rõ. Tôi chỉ nhớ, khi ấy mình rơi vào tâm trạng cực kì chán chường. “Thôi bỏ đi”, “Mày viết thế ai đọc được?!” – Một giọng nói từ bên trong tôi gào lên – giận dỗi như một đứa trẻ không đạt được thứ mình muốn.

Nhưng sau đó, một giọng nói khác thẳm sâu trong tôi lại bền bỉ, kiên trì phản kháng lại “Có sao đâu, chuyện nhỏ mà”, “Hãy viết cái gì khác đi và gửi cho chỗ khác!”.

Đấy là “nàng thơ” của tôi, động lực đã giúp tôi viết bài viết đầu tiên.

Đã bao nhiêu lần tôi cảm thấy nhụt chí và muốn bỏ cuộc, “nàng thơ” của tôi lại ở đó, dõng dạc nhắc nhở tôi, hãy dừng than vãn, bắt đầu viết và sáng tạo lại nào.

 “Nàng thơ” cũng nhắc tôi phải tận dụng những trải nghiệm đã từng làm mình làm mình nhụt chí, chán nản hay phấn kích để tiếp lửa cho các bài viết về sau.

Vì vậy, hãy…

“Hãy tự tin lên, hãy tận dụng những gì mình có để sáng tạo!”

Một thái độ đúng đắn có thể mang thành công đến với bạn, tất cả chỉ tùy thuộc vào bạn thôi.

Vì vậy, tôi có thể tin chính mình, lắng nghe giọng nói thẳm sâu trong mình, tiếp tục cố gắng, hoặc đầu hàng và tiếp tục tự ti.

Nó đơn giản chỉ là một lựa chọn như biết bao lựa chọn khác trong cuộc sống: Hoặc là tự tin vào chính mình, hoặc cứ than vãn và nghi ngờ bản thân.

Và tôi biết tôi không hề cô đơn trong cuộc đấu trí này. Đó là một cuộc đấu tranh để tạo ra những điều sáng tạo, mới mẻ, thích hợp và có tầm nhìn.

Thật dễ dàng bị choáng ngợp bởi biển cả tác phẩm sáng tạo ngoài kia. Và có thể rất khó khăn để vượt qua mà không tự so sánh bản thân mình với thành công của những người khác.

Do đó, dập tắt những tiếng nói nghi ngờ bản thân là cả một kỳ công. Dưới đây là một vài điều có thể giúp bạn lấy lại sự tự tin: 

  1. Giữ vững lập trường

Nếu như bạn bị mất tự tin do những kinh nghiệm trong quá khứ hoặc nhận xét của người khác, thì bây giờ, vấn đề chính là tập trung vào những điều tích cực.

Đôi khi, đơn giản chỉ cần đi ra ngoài và hòa mình vào thiên nhiên. Với một số người, thiền định có thể sẽ có ích. Tôi thích vừa đi vừa nghĩ trong khung cảnh thiên nhiên, nơi tôi có thể để ý chi tiết cảnh vật xung quanh mà không cần phán xét gì.

  1. Cân bằng những tiêu cực

Nếu như bạn nhận thấy những giọng nói chỉ trích (của bản thân hoặc người khác) quá lớn, hãy nhấn chìm chúng xuống, hoặc ít nhất, cân bằng chúng bằng những lời khen ngợi chính mình.

Điều này có thể khó khăn khi bạn đang thực sự sợ hãi và khó tìm thấy các từ ngữ động viên mình. Lúc này, việc viết ra 5 đến 10 ưu điểm của bản thân vào một cuốn sổ tay nhỏ sẽ giúp ích bạn rất nhiều.

Và bất cứ khi nào cảm thấy mình chưa đủ tốt, hãy mở sổ ra và đọc to những ưu điểm đó để khích lệ bản thân.

  1. Nghỉ ngơi

Nếu bạn cảm thấy bị áp đảo bởi mọi thứ diễn ra không tốt như mình mong đợi, hãy tạm dừng dự án đó và tập trung vào thứ khác. Đôi khi chuyển dự tập trung của mình ra khỏi vấn đề đang bị mắc kẹt sẽ giúp bạn có cái nhìn mới khi quay lại bắt tay vào vệc đó.

Hãy thư giãn bằng cách vẽ nghuệch ngoạc, hoặc nghe bản nhạc ưa thích và đung đưa theo nhịp điệu.

  1. Chăm sóc bản thân

Rất dễ dàng để mất tự tin khi chúng ta quên chăm sóc bản thân.

Hãy chắc chắn rằng bạn có đủ thời gian tránh xa công việc và thư giãn. Hãy ăn uống lành mạnh, đầy đủ, ngủ đủ giấc.

Hãy làm một cuốn sổ nhật ký biết ơn, sau đó, mỗi ngày chọn một đến ba điều mà bạn thấy biết ơn, ghi những điều ấy vào một bức ảnh lấy từ tạp chí hoặc trên mạng và dán vào sổ. 

  1. Kết nối với mọi người

Tự yêu thương bản thân là điều hết sức quan trọng, nhưng một điều khác không kém phần quan trọng là bạn phải nhận được sự hỗ trợ từ những người khác. Sự hỗ trợ này có thể từ bạn bè, gia đình hoặc chuyên gia trị liệu hoặc huấn luyện viên chuyên nghiệp, có được sự giúp đỡ từ người khác có thể tạo nên sự khác biệt rất lớn.

Đôi khi chỉ cần đảm bảo rằng bạn không phải là người duy nhất bị mắc kẹt, hoặc có phải tự nghi ngờ bản thân có thể giúp bạn thoát khỏi suy nghĩ “Tại sao lại là mình”.

Còn bạn, điều gì sẽ giúp bạn vượt qua sự nghi ngờ khả năng của bản thân?

– OOPSY – Cộng đồng dành cho những người đam mê tâm lí học và tâm lí trị liệu –  

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.