Các phong cách đọc sách

Để lĩnh hội được những tri thức cần thiết, đạt được mục đích đọc sách, bạn cần phải đi sâu nghiên cứu cuốn sách. Công việc này đòi hỏi bạn phải có kĩ thuật đọc. Kĩ thuật đọc là năng lực chiếm lĩnh tri thức và trình độ kĩ năng đọc của bạn. Kĩ thuật đọc phụ thuộc vào mục đích đọc, thể hiện ra bằng cách đọc.

Hôm nay mình sẽ giới thiệu một số cấp độ đọc sách và bạn có thể tham khảo và lựa chọn theo mục đích đọc của bản thân.

  1. Đọc lướt qua – Skimming reading

Bạn sử dụng cách đọc lướt nhằm khái quát những khái niệm ban đầu và nội dung của cuốn sách. Chỉ bằng cách đọc lướt là bạn đã có thể nắm được điều cốt yếu nhất như ý chính, sự việc chính…

Đọc lướt hiệu quả nhất khi:

– Xem trước một đoạn để quyết định xem bạn có cần đọc chi tiết đoạn đó hay không?

– Cần làm rõ thêm, khẳng định thêm; hoặc tìm những cách diễn đạt khác nhau cho một vấn đề nhất định.

Sử dụng lướt qua khi bạn đang cố gắng quyết định xem một cuốn sách trong thư viện hoặc hiệu sách có phù hợp với bạn hay không.

  1. Đọc quét – Scanning reading

Bạn sử dụng cách đọc quét khi tìm kiếm mục tiêu cụ thể đã có từ trước: bạn di chuyển nhanh mắt qua trang để tìm các từ hoặc cụm từ cụ thể có liên quan đến mục tiêu bạn đang thực hiện.

Đọc quét hiệu quả nhất ở các đoạn:

– Phần giới thiệu hoặc lời nói đầu của một cuốn sách

– Đoạn đầu tiên hoặc cuối cùng của các chương

– Chương kết luận của một cuốn sách.

  1. Đọc có trọng điểm (hay đọc từng phần) – Intensive reading

Là cách đọc từng đoạn, từng phần đã được lựa chọn từ trước nhằm tập trung sức lực và thời gian cho những nội dung cần thiết, cho một công việc đã được chuẩn bị.

Nhằm trích xuất thông tin một cách chính xác nhất, chi tiết nhất và đầy đủ nhất.

  1. Đọc toàn bộ nhưng không nghiền ngẫm kĩ – Extensive reading

Cách đọc này nhằm khái quát toàn bộ cuốn sách chứ không đi sâu vào những nội dung cụ thể. Khi đọc không bỏ qua trang nào cũng không dừng lại suy ngẫm ở nội dung nào mà chỉ nắm xem, điều đó đã được bàn tới, và bàn ở mức độ nào. Với các cuốn sách ta chưa biết xu hướng, tư tưởng, giá trị… cũng có thể đọc theo cách này.

  1. Đọc nghiền ngẫm nội dung cuốn sách – Detailed Reading

Đây là cách đọc quan trọng nhất, cần thiết nhất trong tự học để lĩnh hội đầy đủ nội dung cuốn sách. Từng nội dung, từng vấn đề được xem xét tìm hiểu cặn kẽ, có đối chiếu với kiến thức, kinh nghiệm và những cuốn sách khác về những vấn đề đã được đề cập trong dó. Những nội dung tư tưởng của cuốn sách được người đọc đánh giá, phê phán và hiểu đầy đủ, sâu sắc.

  1. Đọc thụ động – Passive reading

Cũng với cách đọc toàn bộ hay đọc lướt, nhưng người đọc hoàn toàn theo sự dẫn dắt của tác giả, chấp nhận hoàn toàn, lấy đó làm những tín điều; nhìn nhận và xem xét vấn đề bằng con mắt của tác giả.

  1. Đọc chủ động – Active Reading

Là cách đọc mà khi xem xét những tư tưởng cuốn sách đề cập, người đọc luôn đối chiếu, đánh giá nó. Mọi sự chấp nhận hay phản đối đều được người đọc dựa trên cơ sở sự đánh giá, đối chiếu với kiến thức, kinh nghiệm; được nhận thức theo thế giới quan, tình cảm của mình. Từ những nhận thức đó mà rút ra những kết luận cần thiết cho bản thân người đọc.

  1. Đọc nông – Shallow reading

Chỉ khai thác nội dung, tư tưởng cuốn sách ở trình độ chấp nhận hoặc có phê phán chung chung mà chưa thể hiện được sự nghiền ngẫm cuốn sách một cách thấu đáo. Khi đọc những cuốn sách giải trí thì cách đọc này là phù hợp, đỡ tốn công sức.

  1. Đọc sâu – Deep reading

Là cách đọc đòi hỏi phải nghiền ngẫm sâu sắc nội dung cuốn sách để hiểu cặn kẽ, lĩnh hội có phê phán những tư tưởng mà cuốn sách đề cập. Đây cũng là cách đọc quan trọng được sử dụng trong tự học.

Mỗi cách đọc sách trên đây có thể đáp ứng cho những mục đích đọc và loại sách khác nhau. Với các loại sách khoa học và kĩ thuật, đọc với mục đích học tập, nghiên cứu phải đọc một cách chủ động, nghiền ngẫm sâu sắc, đi sâu vào nội dung từng vấn đề trong sách. Như vậy, càng thấy rõ, bạn cần có mục đích đọc sách rõ ràng trước khi bắt tay vào đọc.

Đọc sách khoa học nhằm mục đích học tập, nghiên cứu, bạn không chỉ đọc một lần, mà có khi phải đọc nhiều lần mới đạt được mục đích đã đề ra. Vì vậy, người ta còn chia việc đọc ra thành đọc lần đầu và đọc đi sâu.

Đọc lần đầu chỉ giúp bạn có những cơ sở định hướng cho các lần đọc đi sâu đạt kết quả. Chính từ kết quả đọc lần đầu, bạn có thể thấy được nội dung quan trọng và cần thiết với mình, lần đọc sau bạn chỉ cần chú tâm vào đó. Mỗi lần như vậy lại khám phá sâu thêm nội dung cuốn sách, xác định điều cần tìm hiểu cho lần đọc đi sâu sau, thu hẹp dần phạm vi đọc. Cứ như vậy cho tới khi bạn thấu hiểu cuốn sách, hoàn thành mục đích đọc thì việc đọc đó mới dừng lại.

V.I. Lenin đã khuyên chúng ta: “Sau lần đọc đầu tiên phải ghi lại những chỗ chưa hiểu hoặc chưa rõ ràng để trở lại đọc lần thứ hai, lần thứ ba, thứ tư…”

Nếu thấy hay và có ích, mọi người hãy chia sẻ cho bạn bè và những người xung quanh cùng biết nhé.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.