Các cách đọc sách hiệu quả nhất

Trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngày nay. Mọi người luôn có cảm giác bận rộn, nhịp sống hối hả. Mọi thứ xung quanh chúng ta đều chuyển động với tốc độ rất nhanh, đặc biệt là thời gian. Do đó, ai ai cũng cảm thấy thiếu thời gian, khó dành ra cho mình một khoảng không trống để đọc sách.

Trong khi đó, những người thành công và giàu có đều là những người thích đọc sách.

Hôm nay, mình xin giới thiệu với các bạn một số cách đọc sách hiệu quả . Hy vọng sẽ hỗ trợ được bạn trong quá trình đọc sách và nâng cao số sách bạn đọc được mỗi năm.

  1. Cách đọc sách đúng cách
  2. Làm thế nào để đọc sách hiệu quả
  3. Ghi nhớ thông tin trong sách
  4. Đưa các nội dung trong sách vào hành động

1. Cách đọc sách đúng cách

Thời gian thì không thay đổi. Nếu chúng ta tăng tốc độ đọc thì chúng ta sẽ đọc được nhiều sách hơn, nhiều kiến thức hơn, nhiều thông tin hơn.

Đọc đúng cách là đọc bằng mắt (không nên đọc nhẩm, đọc thầm, đọc lùi, đọc từng chữ một, đọc bằng môi, tầm mắt hẹp) và nên có vật dẫn đường (ngón tay, thanh mảnh, bút chì…) để tăng tốc độ đọc và khả năng tiếp thu thông tin

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phòng làm việc của Người tại căn cứ địa Việt Bắc (1951)

2. Làm thế nào để đọc sách hiệu quả

Các bạn phải luôn ghi nhớ 3 nguyên tắc

Nguyên tắc 1: Đọc để làm gì?

Khi chúng ta xác định được mục đích của việc đọc thì chúng ta luôn tự ý thức đi tìm những kiến thức hữu ích cho mình và sẽ dễ dàng có thu hoạch hơn.

Nguyên tắc 2: Nguyên lý 20-80

Một quyển sách thì thường có 20% tổng số từ chứa đựng những thông tin quan trọng. Còn 80% tổng số từ còn lại chúng ta có thể bỏ qua.

Như vậy, chúng ta cần phải xác định được 20% tổng số từ quan trọng bằng cách thông qua lời nói đầu, mục lục, lời cuối sách…để chủ động nắm được cốt lõi, thông tin quan trọng.

Nắm vững 20% nội dung sách.

Nguyên tắc 3: Có ý thức vận chuyển

Tức là khi bạn đọc được thông tin gì đó hay, hữu ích. Bạn nên kể lại hoặc giải thích với người khác hoặc là bạn hãy viết ra. Làm như vậy không chỉ giúp bạn nhớ lâu mà còn là một cách để mình hiểu sâu sắc vấn đề được đề cập đến trong quyển sách hơn.

Ví dụ mình hay chia sẻ nội dung tóm tắt quyển sách hay với bạn bè hoặc người thân mà có chung sở thích đọc sách hoặc thấy thông tin đó là hữu ích khi bạn bè gặp khó khăn. Qua trao đổi thì mình sẽ càng hiểu sâu sắc hơn vấn đề hoặc có khi giải thích xong mình lại “vỡ” ra “chân lý” mới mà trước đó mình chưa khám phá ra.

3. Ghi nhớ thông tin trong sách

Chúng ta cần có cách ghi nhớ để tăng khả năng tập trung, tạo hứng thú, có cái nhìn tổng thể toàn bộ nộidung…

Có rất nhiều cách khác nhau để ghi nhớ thông tin trong sách. Ví dụ như:

– Ghi chú theo phương pháp truyền thống

+ Gạch đầu dòng từng ý chính

+ Một phần viết nội dung, phần lề viết ghi chú

+ Đánh dấu bút màu vào chỗ bạn muốn ghi nhớ hoặc nội dung quan trọng

+ Ghi chú ở bên cạnh nội dung bạn cần lưu ý

– Mindmap – bản đồ tư duy

Bản đồ tư duy được hiểu là một cách mở ra sức mạnh tư duy, tạo ra những đột phá trong suy nghĩ. Anthony “Tony” Peter Buzan một tác gia, nhà tâm lý và là cha đẻ của phương pháp tư duy Mind map (Sơ đồ tư duy – Giản đồ ý). Ông đã nghiên cứu chuyên sâu về bộ não, trí nhớ; tìm ra qui luật khi xây dựng bản đồ gồm nhiều nhánh, giúp bộ não ghi chép các sự kiện một cách hệ thống. Bộ não sinh ra là để ghi nhớ thì mình cần phải tập luyện nó (giống như tay chân nếu không vận động lâu ngày sẽ bị teo đi vậy).

Bản đồ tư duy có rất nhiều ứng dụng. Không những giúp ghi nhớ thông tin, tóm tắt nội dung, nâng cao cách ghi chép, nó còn giúp người tư duy tìm ra phương pháp hữu hiệu nhất để giải quyết vấn đề cách tối ưu.

Để vẽ bản đồ tư duy, chúng ta chỉ cần giấy trắng và màu (càng nhiều màu càng tốt).

Thành phần của bản đồ tư duy là mục tiêu ở trung tâm tấm bản đồ, sau đó là nhánh chính đậm thể hiện các ý chính, sau đó mỗi ý chính lại có nhiều nhánh nhỏ để bổ sung ý cho nhánh chính. Bút màu, từ khóa, hình ảnh để diễn đạt nội dung. Đặc biệt từ khóa càng ngắn gọn càng tốt vì nó kích thích não bạn liên tưởng, gợi nhớ và cần thay đổi kích thước và màu sắc cho những từ khóa chính để tăng sự tập chung. Nhánh thì vẽ nhánh cong tốt hơn vì chúng hấp dẫn hơn với mắt và dễ ghi nhớ hơn đối với não.

– Sketch note – diễn họa thông tin bằng hình ảnh

Sketchnote hay ghi chép bằng hình ảnh hoặc nhiều bạn còn gọi là “vẽ bậy có mục đích”. Thuật ngữ này ra đời lần đầu tiên vào năm 2009 bởi nhà thiết kế đồ hoạ nổi tiếng Mike Rohde. Theo đó, chúng ta sẽ sử dụng những hình ảnh đơn giản để ghi chép và truyền tải các ý tưởng trong học tập, công việc và cuộc sống một cách nhanh chóng, dễ hiểu và dễ nhớ. Ngoài ra, nó còn giúp phát triển khả năng sáng tạo, khả năng nhìn nhận và giải quyết vấn đề.

Thành phần chính là: Tiêu đề, chữ, biểu đồ/hình ảnh, mũi tên, biểu tượng và hộp chứa thông tin.

Học ngoại ngữ có từ điển, thì khi dùng Sketch note cũng sẽ có sổ tay các hình ảnh, biểu tượng để sử dụng.

Bạn chỉ cần tờ giấy trắng, bút và màu (nếu cần) và bạn sẽ thể hiện mọi thông tin bằng hình ảnh.

4. Đưa các nội dung trong sách vào hành động

Đọc được rất nhiều sách nhưng bạn không thực hành thì kiến thức vẫn không thể phát huy tác dụng. Vì vậy hãy biến những nội dung thành hành động và kiên trì thực hiện nó đến cùng.

Nếu thấy hay và có ích, mọi người hãy chia sẻ cho bạn bè và những người xung quanh cùng biết nhé.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.