Về Nhà Đi

“Về nhà đi, phố chẳng như long mẹ

Lối quanh co ngõ ngách nhỏ chật dài

Ánh trăng khóc trong đèn vàng cám dỗ

Người với người như lá rớt qua vai…”

“VỀ NHÀ ĐI” – tập thơ và tản văn của Lương Đình Khoa  phác họa chân dung của mỗi con người trên hành trình “tôi đi tìm tôi” giữa bộn bề Vui – Buồn – Được – Mất của cuộc đời – từ năm tháng sôi nổi cùng tình yêu đôi lứa, đến khi những đứa trẻ chào đời, rồi đến lúc làm cha làm mẹ… Dù đời thăng trầm, vạn vật đổi thay – có một nơi vẫn được gọi là Nhà vẫn luôn đón đợi, gọi bạn trở về – về với những thương yêu giản dị, gần gụi nhất mà bạn vẫn còn may mắn giữ được trong tay.

Dù bạn là ai, đang ở độ tuổi nào  – từ những cô cậu học trò đến các bạn sinh viên, những người ra trường đi làm, các bậc trung niên… đều có thể tìm thấy những mảnh ký ức tương đồng qua mỗi phần được sắp xếp theo từng bước phát triển của tình yêu và nhận thức trên hành trình trưởng thành của mỗi con người trong tập sách này: Từ “Thế giới của mẹ và cha” diệu kỳ khai sinh ra “Thế giới của con”. Trong chính  nội tại “Thế giới của con” cũng là một quá trình vận động – đi  “Trong veo mắt biếc thiên thần”, hồn nhiên như sương sớm ngọt lành cho đến “Một thời áo trắng mơ màng như mây” và khi hướng mình theo những ước mơ chốn “Thị thành lạc ánh trăng gầy”, chông chênh  giữa cô đơn – yêu thương – trưởng thành.

Trong những xúc cảm đi “lạc” nơi phố đó, trong cái chông chênh của xúc cảm ấy, có một miền thật đẹp mà bất kỳ ai cũng sẽ đi qua: “Thế giới đẹp vì có em và có anh”.

Em và Anh là một phần của thế giới. Em và Anh đến với nhau cũng để trưởng thành. Sự trưởng thành là khi biết hòa giữa cái Tôi và cái Ta, cái riêng và cái chung. Bởi thế nên “Nơi chúng mình yêu nhau” là một bản nhạc đàn với thật nhiều thanh âm trầm bổng, trong đục khác nhau để càng về cuối tập sách, con người ta càng  biết giác ngộ đến những giá trị đích thực của Chân – Thiện – Mỹ, tìm được lối đi thoát khỏi những muộn phiền mà an nhiên dang tay ôm lấy cuộc sống. Và khi đó, Niềm An Vui cũng là một mái nhà bìn an cho mỗi tâm hồn cư trú và trở về – như một cái đích trong cuộc đời.

Khi con người ta trải qua đủ hỉ nộ ái ố, ngấm mưa gió nắng đời người, cần tự biết học cách cân bằng, lắng lại trong tâm, trở về với niềm an vui trong tâm hồn, học cách “nắm mà như buông” trên những vô thường nhân gian.

“Ừ thì như chiếc lá

Xanh cho trọn ngày xanh

Mặc thời gian hối hả

Và tiếng đời lanh canh”

“VỀ NHÀ ĐI”– tiếng gọi yêu thương gửi tới cuộc đời và lòng người – bởi  cha mẹ và mái nhà, quê hương và những điều nhân nghĩa luôn là gốc rễ để từng “nhánh cây người” trổ bông làm đẹp cuộc đời.

Tập sách này là món quà của yêu thương dành trao gửi đến những yêu thương, là một ngọn lửa góp phần khơi nguồn cho từng bước chân, từng tâm hồn trở về với tâm hướng đạo sâu nặng nghĩa cội nguồn, biết nhận ra mình cần giữ và trân trọng những gì đang có trên tay trước khi chúng sẽ mất đi, tan biến theo ngọn gió vô thường.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.