Tầm nhìn và tư duy cho tương lai làm nên sự khác biệt giữa người giàu và người nghèo

01.

Tháng trước, một blogger nổi tiếng trên mạng hiện đang sống ở Nhật Bản đã tải lên một video dài. Trong đó, cô đã đến Azabu Juban, khu vực giàu có của Nhật Bản và Shoumachi, một khu ổ chuột nghèo khó hơn cũng của quốc gia này, để so sánh khoảng cách giàu nghèo đang tồn tại.

Đầu tiên, tại Azabu Juban, nhà cửa đặc biệt sang trọng, chủ yếu là những căn hộ riêng biệt hoặc biệt thự đắt tiền, tập trung nhiều người nước ngoài sinh sống. Các bà mẹ có thể nhàn nhã dùng xe đẩy để đưa con đi khắp mọi nơi trong khu vực.

Đây là nơi tập trung rất nhiều tổ chức, các đại sứ quán của nhiều quốc gia phát triển, cũng như sở hữu thư viện lớn nhất Nhật Bản. Hầu hết các trường học ở đây là các trường quốc tế với học phí đáng sợ. Hoạt động giải trí khi rảnh rỗi của giới thượng lưu sống trong khu vực thường là đi đánh tennis hoặc chơi bóng đá.

Sau đó, cô lại đến khu ổ chuột Shoumachi và cảm nhận cảnh quan nơi này có phần u ám hơn hẳn. Có rất ít trẻ em hay thiếu niên ra đường, thứ xuất hiện nhiều nhất trên phố lại chính là người già và rác thải.

Những căn nhà trợ cấp do chính phủ dựng lên có mặt ở khắp mọi nơi. Những phòng này thường không có phòng tắm riêng mà chỉ có một địa điểm công cộng có thu phí nằm ở tầng một.

Tại đây, hoạt động giải trí thường xuyên nhất của mọi người thường là ăn nhậu, chơi bời, hoặc thậm chí là tụ tập đánh bạc, chơi mạt chược lén lút. Người làm bố làm mẹ rất ít quan tâm tới việc nuôi dạy con cái. Do đó, tố chất của những đứa trẻ sống ở đây không cao. Có những cậu thiếu niên lang thang ở ven đường thậm chí còn cợt nhả, buông lời khiếm nhã với nữ blogger.

Sau lần trải nghiệm này, cô ấy đã nhận ra sự khác biệt rất lớn và đưa ra nhận xét rằng: “Muốn bồi dưỡng được một nhân tài, yếu tố gia đình thực sự đóng vai trò quan trọng. Những người sinh ra và trưởng thành trong môi trường không tốt thường khó có thể đạt được tầm nhìn và tư duy rộng lớn như những người ở trong môi trường có đủ điều kiện đàng hoàng.”

02.

Nhà văn Cách Thập Tam của Trung Quốc từng viết về cuộc sống khi còn ở Thượng Hải.

Có lần, một người bạn đã kể với bà rằng: “Bây giờ tôi mắng con cũng không nỡ mắng, đánh con cũng không dám đánh luôn.”

Vì sao lại như vậy? Vì con trai của người bạn đó mỗi sáng đều được uống sữa nhập khẩu, mỗi tối lại ăn cá tuyết đại dương, mỗi ngày học gia sư với giáo viên nước ngoài, lại học thêm đàn piano… Mỗi chi phí bỏ ra đều là một con số không hề nhỏ với gia đình trung lưu như họ. Vào các kỳ nghỉ, họ còn phải cho con tham gia trại hè quốc tế để được tiếp xúc với những đứa trẻ ưu tú khác.

Vậy nên, cứ mỗi câu mắng chửi của họ lại trở thành một sự phủ nhận về khoản đầu tư khổng lồ đã bỏ ra cho giáo dục. Mỗi lần đòn roi lại giống như họ đang tự gây thiệt hại cho chi phí đầu tư của chính mình.

Qua đó, nhà văn Cách Thập Tam nhận định rằng, để nuôi dưỡng được một người thành công, những bậc cha mẹ giàu có cũng luôn làm việc chăm chỉ để con mình không bị tụt lùi ngay từ vạch xuất phát.

Một khảo sát từng được đưa ra để nghiên cứu về tình trạng giáo dục của cha mẹ dành cho con cái của mình trong khu vực một quận giàu có ở Bắc Kinh. Người ta thống kê được rằng, một đứa trẻ 3 tuổi ở đây đã nằm lòng 8.000 từ vựng tiếng Anh. Con số này ngang bằng với một đứa trẻ được sinh ra ngay tại New York.

Nhà nghiên cứu này chia sẻ: “Có một bé gái 4 tuổi có đam mê về hạt nhân nguyên tử, sở thích mỗi cuối tuần là đến thăm phòng thí nghiệm tại Đại học Thanh Hoa. Lại có một cậu bé trai 6 tuổi thích đọc tạp chí khoa học How It Works dày cộp bằng tiếng Anh với một đống thuật ngữ chuyên ngành.”

Và tất cả những điều này đều có một phần nguyên nhân đến từ nền tảng, hoàn cảnh và gia thế của những đứa trẻ này. Các bậc phụ huynh sống ở đây chủ yếu đều là những nhân vật tinh anh xuất sắc của xã hội, người thì là giáo sư đại học, người thì là chủ doanh nghiệp nổi tiếng… Do đó, những đứa trẻ cũng được tôi luyện trong một môi trường tri thức ngay từ khi còn nhỏ. Việc đọc nhiều hiểu nhiều chỉ là một tiêu chuẩn khởi đầu cho quá trình học tập của chúng trong tương lai mà thôi.

Sau những thông tin này, chúng ta dễ dàng nhận ra rằng, khoảng cách về tài nguyên giáo dục giữa người giàu và người nghèo là không hề nhỏ.

03.

Trong một bộ phim tài liệu “Cái nhìn công bằng”, đạo diễn đã ghi lại hành trình trưởng thành của những sinh viên hàng đầu tại Bắc Kinh và những đứa trẻ nghèo khó ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc.

Trong đó, Lâm Thâm là một đứa trẻ sinh ra trong nghèo khó, phải bỏ học ở nhà để cày ruộng, chăn nuôi gia sức. Hoạt động giải trí duy nhất của cậu là đạp chiếc xe cũ nát trong sân nhà. Tuy cậu luôn ước mơ được đi làm nhưng người cha chỉ bắt cậu họ sửa xe tại một nhà máy ở thị trấn.

Người cha cho rằng, học tập chỉ tốn thời gian với tiền bạc, lại mất đi một trợ thủ kiếm tiền nên bỏ ngoài tai những mong ước của con trai. Người đàn ông này có thể nằm trên giường cả ngày sau khi say bét nhè, và cảm thấy con trai mình cũng chỉ có thể sống cuộc đời khốn khó như vậy mà thôi.

Điều đáng sợ của nghèo khó là họ không chỉ thiếu thốn vật chất, tiền bạc, mà còn là cách nghĩ. Nhận thức của họ quá hạn hẹp và không có tầm nhìn dài hạn cho tương lai. Tất cả những gì họ nhìn thấy là cái lợi vụn vặt trước mắt.

Để thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt ở hiện tại, người nghèo thường không có bất cứ mong muốn hay ý định nào suy xét tới nhu cầu phát triển công việc trong tương lai. Vì thế, họ mới không ngừng rơi vào vòng tuần hoàn ác tính của cái nghèo, đã nghèo lại càng nghèo hơn.

Họ quên mất rằng, chúng ta không thể chọn gia đình của riêng mình, nhưng chúng ta có thể chọn kiểu người mà mình sẽ trở thành trong tương lai. Cuộc sống là một cuộc đua marathon. Điểm xuất phát rất quan trọng, nhưng cách bứt tốc và về đích mới là nhân tố quyết định kết quả cuối cùng. Chỉ cần tìm ra ý nghĩa của cuộc sống, không ngừng nỗ lực, chúng ta có thể vượt qua mọi rào cản ban đầu để đạt tới thành công.

– Theo Phương Thuý – 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.