Làm Thế Nào Để Tiếp Cận Một Người Khi Bạn Quá Nhút Nhát Và Không Biết Phải Nói Gì?

Những bí mật cuộc sống không chỉ ở đâu đó quanh ta, mà còn ở rất nhiều nơi quanh ta. Đi từ tán tỉnh đến đi-Thiền và vật lí trị liệu, tôi đã tìm ra được một điều gì đó để chia sẻ và hoàn thiện những gì mình cần có đây rồi.

.

.

.

1. Ta có thể đi quanh cả thế gian trong 3 vòng

Trước hết, tôi rất muốn mỉm cười khi hình dung ra khuôn mặt của bạn lúc đọc đề mục này: “Ta có thể đi quanh cả thế gian trong 3 vòng.” Thế nghĩa là sao? Có phải là ý nói đi 3 vòng quanh thế gian không?

Năm tôi học lớp 7, trong lớp có một cô bạn tuy không xinh đẹp nổi bật, nhưng học giỏi nổi bật. Nhờ học giỏi, dáng vẻ lại có chút khả ái (đáng yêu ấy mà), nên bỗng nhiên cô ấy thành ra rất nổi bật. Có lần tôi ngồi viết tên nàng ra giấy, thằng bạn ngồi bên cạnh nhìn tôi cười khinh miệt: “Mơ cao quá đấy.” Ngày ấy tôi cũng biết thế, nên im lặng cười trừ, lại còn xấu hổ, giấu tờ giấy đi, không cho ai thấy nữa.

Có một dạo tôi hay quay xuống nhìn cô ấy trong giờ học, cả lớp ai cũng biết, ai cũng cười chê. Cô ấy đau khổ vì xấu hổ, được ai thích thì vui chứ “được” tôi thích thì buồn quá. Ái chà, thế thì tôi cứ ngắm thôi, đằng nào cũng bị cười chê mà. Cho đến một ngày nọ, tôi nghĩ ra một trò, có lẽ từ vô thức chăng, là hễ giờ ra chơi tôi lại đi một vòng quanh thật rộng quanh cô ấy. Cô ấy ngồi ở bàn giữa của tổ 1, tôi cứ thế đi quanh tổ 1, đi lên đầu lại vòng ra sau, lại đi lên đầu, lại vòng ra sau, cứ thế, đủ 3 lần mới thôi. Mọi người thấy thế đều chỉ trỏ, có người cười hô hố. Năm đó có một cô bạn nhan sắc kém nhất lớp thích tôi. Hồi đó còn trẻ dại quá, tôi chỉ biết thích người mình thích, ghét người thích mình. Cô bé kém sắc kia thấy tôi đi ba vòng, lòng đau như cắt, nằm gục xuống bàn, nhìn xa xăm ra cửa sổ.

Thế mà cái trò đi 3 vòng đó có một tác dụng kỳ diệu khủng-khiếp. Cô nàng khả ái nhìn tôi, mỉm cười. Đó là lần đầu tiên nàng mỉm cười với tôi suốt từ lúc tôi công khai thích nàng. Sau đó tôi nhận được một mảnh giấy nhỏ nhăn nheo, “Mình là bạn nhé!” Khốn nạn, nhưng vào lúc ấy một mảnh giấy đó là tất cả thần chú ở đời. Trái tim con người đôi lúc kỳ diệu thế đấy, chỉ cần một sự kết nối, mọi danh xưng đều vô nghĩa.

2. Đi vòng quanh ấy có một ý nghĩa, một sức mạnh dị thường

Chuyện sẽ chỉ là một kỷ niệm suông tan đi như bọt sóng nếu vào năm thứ nhất đại học, tôi không lặp lại cùng một hành động đó với một cô gái khác. Người mà tôi theo đuổi năm đó có đôi mắt sắc bén, làn da sáng rỡ, cao hơn tôi một cái đầu và đẹp như một nữ thần. Cô ấy trả lại tôi mọi quà tặng và khước từ mọi cuộc viếng thăm. Cho đến một hôm khi cô ấy ngồi ghế đá, tôi đã cố đi vòng quanh cái ghế đá ấy ba lần. Phép lạ lại đến một lần nữa. Cô ấy mỉm cười. Dĩ nhiên là cái mỉm cười của thanh xuân tuyệt vời.

Bản năng của một người bán hàng siêu việt và một nhà dự án bẩm sinh đã thúc đẩy tôi có một dị cảm rằng việc đi vòng quanh ấy có một ý nghĩa, một sức mạnh dị thường. Tôi đã ghi chép lại việc đi vòng quanh này theo công thức sau:

  1. Đi từ phía trước mặt người ta, cố để người ta thấy mình. Làm sao cho ánh mắt họ nhìn vào mình.
  2. Đi từ trái vòng sang phải, tức là đi vòng quanh theo chiều kim đồng hồ.
  3. Đi không chậm, không nhanh, họ luôn biết mình đang đi vòng quanh họ.

Tôi đã thử cách này với một số người nữa, gần như là thí nghiệm. Những người cùng làm thí nghiệm này đều ghi nhận cùng một trạng thái là: Họ thấy tim họ đập nhanh hơn và có một chút gì đó như là cảm tình xuất hiện lập tức. Tôi chỉ có thể lí giải tạm thế này, vào những ngày ấy:

  1. Ánh mắt nhìn nhau là dấu hiệu mở đầu một giao tiếp, một hành động kết nối.
  2. Đi từ trái qua phải theo chiều kim đồng hồ sẽ làm trái tim mình máy động và cảm ứng với trái tim họ. Nói theo kiểu cơ học là đi sang phía phải của họ (tức là phía trái của mình) thì bên trái của họ sẽ rung lên, trái tim ấy.
  3. Việc đi vòng ra sau và xuất hiện lại ở trước làm lưng, đầu, tóc, da và mắt đều gợi lên một sự liên kết, do đó họ rơi vào một trạng thái giống như rung động.
  4. Bản thân hành động đi 3 vòng rất kỳ dị và dễ thương.

Miễn là bạn không quá đáng ghét và không trùm đầu, đội mũ, xăm trổ, thì việc đi vòng quanh từ trái qua phải theo chiều kim đồng hồ thật sự dễ thương, không khiến người ta xem bạn là “sát nhân hàng loạt.”

3. Cuộc sống thật sự quá kỳ diệu

Đó là một phát hiện vô cùng đáng tự hào. Những điều thường được nói đến trong tình yêu như “lượn lờ ve vãn,” “xoay quanh một người,” “quấn quýt lấy nhau,” “đi đường vòng qua nhà người thương”… hình như đều ẩn chứa đúng một điều gì tương tự. Tôi, vì thế, đã ôm ấp một ý niệm rằng ngoài việc yêu đương, “đi vòng quanh” hẳn ẩn chứa một bí mật lớn hơn nữa.

Và quả đúng là thế. Đó là ngày tôi được biết đến một trong những công đức rất lớn của Phật tử là “công đức nhiễu tháp Phật.” Trong Kinh Tiểu Bộ (kinh Phật nguyên thủy), Cuốn 10, Chương 8, Phần IV, truyện Bà-la-môn Jūjaka và vợ có kể về một vị Bà-la-môn là Jūjaka. Trong Kinh này, Jūjaka là người rất thương vợ, để chứng tỏ sự yêu thương đó, trước khi ông rời khỏi nhà, ông đã đi quanh ngôi nhà ba lần rồi mới ra đi. Hành động đi quanh ngôi nhà để tỏ lòng yêu thương tột bậc này được gọi là Pradaksina, nghĩa là đi vòng quanh một vật gì đó. Quá kỳ diệu, tôi đã vô cùng xúc động khi đọc đến điều đó.

Việc đi vòng quanh một vật quan trọng để tỏ lòng yêu thương, thành kính… đó hóa ra lại là một nét văn hóa Ấn Độ từ xưa, thuộc về tín ngưỡng Hindu và được Phật giáo chấp nhận. Xưa kia có ba vật thiêng thường được người dân Ấn đi vòng quanh: Ngọn lửa (biểu tượng của Hỏa thần Ani), cây húng quế thánh (biểu tượng của Thần Vishnu) và cây Bồ Đề (biểu tượng của tất thảy Sự sống, Vua của mọi loài cây, và sau này là thể hiện của cảnh Đức Phật thành Đạo dưới cội Bồ Đề). Tuyệt vời. Sự sống, sự thuần khiết và sự khai ngộ – Hóa ra đi vòng quanh một vật từ trái qua phải (tức là từ phải-qua trái của vật được đi vòng quanh) lại có một ý nghĩa quá đỗi hệ trọng như vậy!

Tôi đã thức trắng một đêm.

Cuộc sống thật sự quá kỳ diệu.

4. Cảm nhận sự thống nhất của thân thể mình với vạn vật xung quanh

Tìm hiểu kỹ những tài liệu về đi-vòng-quanh hay đi nhiễu, cũng như tự thử và nghiệm, tôi nhận ra rằng việc đi-vòng-quanh một vật (dù là cây cối, con người hay sỏi đá) theo chiều kim đồng hồ giúp Thân với vật đó có một sự kết nối rất khó lí giải. Việc đi càng chậm rãi, càng im ắng, càng tập trung thì càng đạt được nhiều kết quả.

Kết luận ấy thật sự làm tôi băn khoăn. Cho đến khi tôi trao đổi điều đó với một anh chàng luống tuổi, chưa vợ, đôi mắt rực sáng và có giọng nói như chuông ngân. Anh ta bảo, sau nhiều năm tập Thiền, chính anh nhận ra việc đi-nhiễu theo lối Thiền-hành (đi Thiền) giúp anh cảm nhận được một mối liên kết rất đặc biệt với sự vật. Anh bảo: “Như em thấy đấy, khi mình gặp một sự việc nan giải, mình sẽ chắp tay sau lưng, đi lại vòng quanh, thậm chí đi lại thành vòng tròn, vô thức sẽ đi như vậy. Nhưng càng sốt ruột, ta càng dễ đi hình tròn theo hướng ngược chiều kim đồng hồ. Trong khi càng cố yên lắng, tĩnh trí, ta sẽ đi thuận chiều kim đồng hồ. Tác dụng của đi thuận chiều kim đồng hồ là tâm-trí thanh-tĩnh (trong sạch) hơn. Nhưng mình có thể đạt đến kết quả cao hơn thế nếu đi trong trạng thái Thân-Tâm đều Thiền. Tức là đi trong tư thế Thiền và Tâm cũng Thiền, thuận theo chiều kim đồng hồ.”

Tôi nhìn anh ta vừa băn khoăn vừa vô cùng hào hứng. Rồi hỏi: 

– Thưa anh, nếu nguyên tắc Thân-Tâm cùng đặt vào trạng thái thanh-tịnh, tập-trung như thế, sao cho trong và ngoài đều thống nhất, thì thay vì đi vòng quanh tháp Phật để lấy thêm công đức, liệu có thể đi quanh một cảnh tượng, một vật gì đó là biểu tượng của sự bình yên, tĩnh trí và sáng suốt không?

– Em hỏi hay lắm. Đó là câu hỏi của người cầu Đạo. Khi Thiền, thật ra phải quán đủ Thân-ThọTâm-Pháp (Thân là thể xác, Thọ là cảm nhận, Pháp là bản thân sự việc tốt lành mà ta thực hiện để thay đổi mình). Nhưng bản thân Thiền là Pháp, và tự Thọ là Tâm. Chỉ còn thiếu một vật thống nhất Thiền với Tâm để đạt đến Nhất-Tâm. Xưa nay việc Thiền đều cố quán tưởng lòng ta như mặt hồ mùa thu. Nếu em đi-Thiền quanh một hồ nước thực, cảm nhận sự thống nhất của thân thể mình với vạn vật xung quanh, thấy lòng mình như hồ nước, bước chân mình như gió thổi, tinh thần như hư không, thì tự nhiên em đã đạt đến một trạng thái rất tốt-lành.

Điều anh nói có một sức mạnh ghê gớm làm tôi tê dại từng sợi tóc, như có một luồng điện chạy qua.

5. Đi từ tán tỉnh đến đi-Thiền và vật lí trị liệu, tôi đã tìm ra được một điều gì đó để chia sẻ và hoàn thiện những gì mình cần có đây rồi

Tôi đã mời một người bạn gần 100 cân và một cô bé nhỏ thó chỉ xấp xỉ 40 cân tham gia đi-vòng-quanh-một hồ-nước với tôi 3 vòng mỗi ngày trong trạng thái lưng thẳng, ngực thu, lưỡi để hàm trên, mắt nhắm hờ vô định, hai tay không kẹp sát vào nách. Chúng tôi đã tập đều đặn, chăm chỉ suốt 1 tháng (ôi chỉ 1 tháng, có người sáng và chiều đi bộ tập thể dục hàng năm trời đấy!).

Kết quả thật sự kinh ngạc. Anh bạn béo ịch kia dáng đi trở nên nhẹ nhàng, đi nhanh mà vẫn từ tốn, và tự nhiên cả cái mỉm cười cũng làm người khác có cảm tình. Đến mức, cuối cùng thì anh ta cũng đã có người yêu sau đó. Cô bé xinh xắn yêu vẻ nhẹ nhõm trong tinh thần và cái chắc chắn của vóc dáng. Đó là một lựa chọn thông minh.

Điều này nữa mà kể ra sẽ nghe thật rất-đời. Cô bạn bé nhỏ nhẹ cân kia hóa ra vốn bị thoát vị đĩa đệm. Chính những bước đi kia trong thời gian đó đã giúp cô có lại dáng đi nhẹ nhàng, dần điều hòa với cơ thể. Sau khi chúng tôi chấm dứt thời gian thử-đi, cô vẫn tự đi tiếp. Một năm sau, khi gặp lại, cô ấy đã nắm lấy tay tôi, nói rằng mình đã hết bị thoát vị đĩa đệm, cảm giác như tái sinh. Cô bảo: “Và hơn nữa bạn ạ, từ bé tớ vốn tự ti mình không xinh đẹp lại nhỏ thó, lúc nào cũng không được ai chú ý. Nhưng đến giờ, tớ có một cảm giác rất kỳ lạ, là tớ tự tin một cách đương nhiên vào cơ thể mình. Tớ thấy mình bình an và có thể tập trung vào những việc cần làm. Mọi người đối xử với tớ cũng rất khác. Họ nói tớ có một vẻ gì đó rất tĩnh lặng và yên ổn! Cảm ơn cậu!”

Tôi rất xúc động, nắm tay cô ấy bảo: “Tớ rất mừng. Bạn đã chấp nhận làm một việc kỳ quặc cùng tớ. Cảm ơn đã tin tưởng tớ!”

Cô ấy phì cười bảo: “Tớ không thử một cách liều lĩnh đâu. Nguyên lí giữ thân trong quá trình đi của bạn rất khớp với người phải trị liệu vật lí. Tớ từng đi trị liệu vật lí rồi. Gần đúng hệt như tư thế đó. Những quy tắc đi của bạn chi tiết hơn và giải thích rất rõ, vì thế tớ đã dám thử.”

Ái chà, ra vậy. Những bí mật cuộc sống không chỉ ở đâu đó quanh ta, mà còn ở rất nhiều nơi quanh ta. Đi từ tán tỉnh đến đi-Thiền và vật lí trị liệu, tôi đã tìm ra được một điều gì đó để chia sẻ và hoàn thiện những gì mình cần có đây rồi.

Đó là bài luyện đi 3 vòng quanh hồ mỗi ngày trong 1 tháng trong tư thế: lưng thẳng, ngực thu, lưỡi để hàm trên!

– Trích sách Thần thái uy nghi, dẫu quỳ vẫn oai – OOPSY 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.