Sách là kho tàng kiến thức của nhân loại. Nó cung cấp cho chúng ta tri thức, trí tuệ và ai đọc sách thì cũng toát lên vẻ đẹp rạng ngời của sự thông minh. Mặc dù biết đọc sách có vô vàn lợi ích nhưng không phải ai cũng đọc sách. Một trong những lý do làm mọi người không đọc sách là do tốc độ đọc sách. Đọc chậm thì thấy một quyển sách sao mà lâu thế, đọc đến giữa có khi không nhớ nội dung đoạn đầu do không có sự kết nối nội dung…
Hôm nay, mình sẽ gợi ý cho bạn 10 cách tăng tốc độ đọc sách.
- Chấm dứt việc độc thoại bên trong đầu bạn
Khi đọc, một số người có xu hướng phát âm các từ – dù bằng cách đọc thầm hoặc cảm giác như âm thanh của từ đó phát ra trong đầu. Cách đọc này này được biết đến với cái tên là nhẩm từ và là một trong những vấn đề lớn tác động đến tốc độ đọc của bạn.
Dù rằng việc đọc to từng từ là một cách rất hiệu quả trong việc dạy trẻ em tập đọc, nhưng đối với việc tăng tốc độ đọc thì không. Việc nhẩm từ chỉ giúp bạn đạt được tốc độ bạn phát âm ra từ đó, mà sự thật thì tốc độ đó chưa thực sự nhanh.
Bằng cách loại bỏ thói quen nhẩm từ, bạn có thể đọc nhanh gấp hai hay ba lần so với trước kia. Bạn có thể hạn chế thói quen nhẩm từ bằng cách hoạt động miệng như nhai kẹo cao su, ngâm nga gì đó hoặc làm bất cứ hoạt động nào khiến miệng của bạn bận rộn mà quên đi việc đọc ra tiếng.
- Đọc theo từng cụm từ.
Điều gì quyết định tốc độ đọc sách của bạn? Và làm thế nào để chúng ta có thể tăng tốc độ đọc? Câu trả lời nằm ở cách mắt chúng ta di chuyển. Nhiều người luôn phải di chuyển mắt liên tục từ bên nọ sang bên kia khi đọc 1 trang sách. Mỗi lần mắt dừng lại thì làm cho tốc độ đọc của chúng ta chậm hơn. Giờ thì, chúng ta hãy lấy bút chì và vẽ nhẹ hai đường thẳng đứng song song dọc theo trang của bạn, tách văn bản thành ba phần. Bắt đầu ở phía trên cùng bên trái của trang và che tất cả mọi thứ bên dưới dòng đó bằng tay hoặc một mảnh giấy. Làm như vậy chúng ta đã giảm số lần và thời gian dừng của mắt khi chúng ta đọc sách. Và đây là một trong những bí quyết để tăng tốc độ đọc sách của bạn.
- Không đọc lại các từ trên 1 trang
Lặp lại là việc đọc đi đọc lại một câu hai đến ba lần bất kể bạn cố ý làm việc đó hay không. Rõ ràng việc này không những khiến bạn mất thời gian mà cũng không giúp bạn hiểu thêm về tài liệu bạn đang đọc.
Một số người đọc lại vì họ quên mất mình đã đọc đến đâu, vì vậy họ quay lại đoạn đầu hoặc phần đầu trang để tìm lại xem mình đã đọc đến đoạn nào. Bạn có thể tránh được điều này bằng cách sử dụng bút nhớ, dùng tay, bút viết hoặc giấy nhớ để đánh dấu trong quá trình đọc.
Những người khác đọc lại vì họ cảm thấy mình chưa nắm bắt được ý nghĩa của đoạn văn sau lần đọc đầu tiên. Để không gặp phải tình huống này, bạn cần đảm bảo rằng mình hoàn toàn tập trung từ lần đọc đầu tiên – bạn nên coi việc đọc như một hoạt động chủ động thay vì bị động – vì thế hãy tập trung ngay từ đầu để tránh việc phải đọc lại.
Ngoài ra, bạn cũng cần xác định xem thông tin nào thực sự cần phải đọc lại – nếu bạn đã nắm được ý chính của một câu hoặc một đoạn văn (dù bạn không hiểu được ý nghĩa của từng từ) thì việc đọc lại chẳng khác nào lãng phí thời gian của bạn
- Sử dụng tầm nhìn ngoại vi
Tầm mắt là số từ mà mắt bạn có thể nhìn thấy trong mỗi lần nhìn hoặc dừng lại. Đa số mọi người có tầm mắt rộng khoảng 3-4 từ một cách tự nhiên không cần rèn luyện nhưng do chúng ta chưa biết cách sử dụng tầm nhìn ngoại vi cho mắt nên chúng ta hay đọc từng từ một. Nếu chúng ta hay đọc sách, chúng ta có thể rèn luyện để tầm mắt 6-7 từ. Hoặc bạn còn có thể sử dụng tầm nhìn ngoại vi cho phép bạn đọc cả câu mà không cần đổi hướng nhìn. Do vậy sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian đọc sách. Do đó, tốc độ đọc của bạn sẽ tăng lên một cách đáng kể.
- Sử dụng đồng hồ hẹn giờ
Chúng ta cần sử dụng đồng hồ hẹn giờ để kiểm tra sự tiến bộ của bạn một cách thường xuyên và liên tục. Hãy cài đặt một khoảng thời gian xác định và đếm xem bạn đọc được bao nhiêu từ một phút. Bạn càng tập luyện nhiều thì số từ bạn đọc được mỗi phút càng tăng lên.
Cố gắng để thành quả luyện tập của bạn ổn định và có sự tiến bộ nhé.
- Đặt mục tiêu
Nhiều người thích phong cách tự do: tự do sáng tạo, tự do làm việc, đọc theo cảm hứng…bảo miễn sao hiệu quả. Nhưng thực tế vẫn luôn cần thời hạn, mục tiêu rõ ràng đã được vạch ra từ trước. Có mục tiêu chúng ta mới có động lực để phấn đấu, có thước đo cho sự cố gắng của chúng ta.
Đọc sách cũng vậy, bạn phải đặt ra mục tiêu là mỗi ngày đọc bao nhiêu phút, hoàn thành bao nhiêu trang thì từ đó bạn mới lên kế hoạch cho hợp lý để đạt được mục tiêu đã đặt ra. Ví dụ hôm nay, bạn thấy sắp hết thời gian mà hiệu quả chưa đạt được như mục tiêu thì bạn sẽ phải có ý thức đẩy nhanh tốc độ đọc của mình lên để hoàn thành kế hoạch.
“Việc hôm nay chớ để ngày mai”, đọc sách cũng vậy các bạn nhé. Mục tiêu chúng ta là đặt ra hàng ngày, thì trong ngày phải hoàn thành.
- Đọc nhiều hơn nữa
Chúng ta hay có câu “có công mài sắt có ngày nên kim” và trong thành ngữ tiếng Anh cũng có câu với ý nghĩa tương tự “Practice makes perfect”. Với việc đọc sách chúng ta cũng cần sự kiên trì, quyết tâm và chăm chỉ.
Các kỹ năng để tăng tốc độ đọc sách không phải có được trong một khoảng thời gian ngắn. Vì thế, chúng ta cần thực hành các kỹ năng đó mỗi ngày cho tới khi việc vận dụng các kỹ năng ấy trở thành phản xạ tự nhiên của chúng ta. Chỉ với 15 đến 20 phút mỗi ngày có thể tạo nên một sự khác biệt đáng kể trong tốc độ đọc của bạn. Bạn hãy thử và cảm nhận sự khác biệt nhé.
- Sử dụng bút đánh dấu Marker
Khi đọc sách, bạn cần lướt qua những từ không chính yếu và đánh dấu những từ khóa quan trọng. Vì vậy sử dụng bút đánh dấu Marker là một cách tăng tốc độ của bạn đáng kể. Nó còn giúp bạn ghi nhớ thông tin quan trọng tốt hơn. Bởi vì chúng ta vừa kết hợp mắt nhìn, tay đánh dấu và khi đánh dấu là ta đã thay đổi hình ảnh trang sách, nó càng kích thích cho não của bạn. Từ đó tạo nên hiệu quả rất tốt cho quá trình đọc và ghi nhớ nội dung. Lúc cần tìm kiếm thông tin, bạn cũng nhanh chóng tìm ra được những từ khóa cần thiết cho mình.
- Luyện tập cải thiện vốn từ vựng của bạn
Khi chúng ta có vốn từ vựng nhiều, thì khi đọc, chúng ta sẽ bỏ qua những phần thông tin mà bạn đã biết, vì khi đó việc đọc những phần thông tin này chỉ có tác dụng thêm thắt phần nào vào những gì sẵn có.
Khi bạn có vốn từ vựng phong phú, bạn có thể xác định được các phần đáng đọc trong toàn văn bản bằng cách đọc lướt để tìm các từ khóa hoặc đọc câu đầu của mỗi đoạn văn. Hai cách này có thể mang đến cho bạn cái nhìn tổng thể về nội dung trong văn bản và giúp bạn xác định xem có nên đầu tư thời gian vào đó không.
- Lướt qua các ý chính trước
Trước khi chúng ta đọc sách, chúng ta xem trước nội dung quyển sách thông qua mục lục, lời giới thiệu, tóm tắt ở cuối chương…thì chúng ta sẽ có được cảm nhận ban đầu về nội dung tài liệu và bạn cũng có thể xác định được việc có nhất thiết phải đọc toàn bộ nội dung được viết ra hay không.
Hy vọng một vài gợi ý mình nêu ở trên sẽ giúp các bạn tăng tốc độ đọc sách để từ đó có hứng thú đọc sách hơn và sẽ duy trì thói quen đọc sách hàng ngày.
Nếu thấy hay và có ích, mọi người hãy chia sẻ cho bạn bè và những người xung quanh cùng biết nhé.