Vết nứt nhân cách đầu tiên: Ám ảnh

VẾT NỨT NHÂN CÁCH ĐẦU TIÊN: ÁM ẢNH

Khi nào viên ngọc tâm hồn của chúng ta bị chà xước?

.

Chúng ta hãy đi lại logic của sáu chứng tâm thần phổ biến nhất trong chúng ta. Và tôi chắc là tất cả mọi người đều thấy có một phần của mình ở trong tất cả những điều này

Ám ảnh tức là gì? Có một điều gì đấy chúng ta không thể quên nổi, chẳng hạn sự lừa dối của người yêu là một sự ám ảnh. Một chấn thương nào đấy khiến chúng ta không thể dứt nổi. Chẳng hạn đơn giản, một khát vọng làm giàu là một chấn thương, bởi vì chúng ta bắt đầu tự ti và chúng ta bắt đầu chối bỏ hoàn cảnh xã hội hay địa vị xã hội, tức là tài sản của chính mình. Hay chẳng hạn như một ám ảnh rằng mình không thể qua lớp, rằng mọi người sẽ coi thường mình. Mọi người thấy mình xấu hoặc xinh, mọi người thấy mình tốt hoặc xấu. Hoặc là khi ngồi giữa một đám con gái, chúng ta mong muốn làm sao để các cô gái nhìn mình. Hay là chúng ta xuất hiện trước các chàng trai, làm sao để chúng ta duyên dáng nhất có thể để mọi người đánh giá tốt về mình. Chúng ta hồi hộp sau khi quay trở về từ một hội thảo, quay trở về từ một bữa tiệc, “Không biết mấy bạn đấy đánh giá về mình thế nào nhỉ?” – chúng ta rất hồi hộp. Tất cả những trạng thái đấy đều là trạng thái Ám ảnh

Cuộc sống này khiến chúng ta không yên ổn nữa. Về căn bản chúng ta ở trong trạng thái tổn thương, lúc nào cũng sẵn sàng làm một điều gì đấy để người ta đánh giá tốt hơn về mình. Chúng ta gần như có thể làm mọi giá để xóa bỏ sự ám ảnh này. Trông vậy nhưng sự ám ảnh có một sức hút kinh khủng với nhân cách chúng ta. Đó là những vết nứt nhân cách đầu tiên

Giả sử, bằng một phương pháp rất siêu hình, nhân cách giống như một khối cầu trọn vẹn, thì ám ảnh là những cú gõ đầu tiên, nó làm xước bề mặt nhân cách của chúng ta, nó làm xước bề mặt tâm hồn của chúng ta. Chúng ta thấy những vết xước này chi chít đúng không? Bởi vì trong đời sống, chúng ta có vô số sự ám ảnh được kiến tạo lần lượt thông qua ba nấc

Thứ nhất là thời ấu thơ. Thời ấu thơ bố mẹ gây ra rất nhiều ám ảnh, chẳng hạn, “Mày học ngu thế này thì đi hót rác con ạ” – chúng ta vẫn gặp những câu như vậy. Hay là kiểu như “Cái thằng nhà bên cạnh, nó học tốt như thế, còn mày ngu thế này…” Những nỗi ám ảnh này, chúng ta không ý thức được

Bởi vì tâm lý không phải là của chúng ta. Chúng ta chỉ có gì? Chúng ta chỉ có năng lực tư duy và năng lực cảm xúc. Còn lại tâm lý là thứ được cài đặt trong suốt cuộc đời chúng ta sống. Đây là một nghịch lý mà có thể bạn rất khó chấp nhận. Nhưng tâm lý không phải cái thật là mình. Tâm lý là thứ chúng ta được cài đặt suốt từ thời ấu thơ, sang thời thanh thiếu niên, sang thời thanh xuân, sang thời trưởng thành. Tức là gì? Từ lúc đi học, chúng ta bắt đầu chấp nhận các thiết chế mới, các thiết chế này ghi vào đầu chúng ta, ấn định vào trong chúng ta một cấu trúc cảm xúc về tâm lý. Và chúng ta bị nó hãm lại, bị nó ghi đè lên, bị nó lập trình sẵn là chúng ta sẽ phải làm gì, sẽ phải cảm thấy thế nào khi những sự kiện tương ứng xảy ra. Chúng ta buộc phải học cách quen với những thể chế, quen với những khung của quy chế và chỉ tiêu. Và dù chúng ta muốn hay không, chúng ta buộc phải chấp nhận

Ám ảnh được kiến tạo trong suốt thời từ thời ấu thơ sang nấc thứ hai là thời thanh thiếu niên, và thậm chí nấc thứ ba là suốt cả thời thanh xuân, khi chúng ta mới đi làm. Mỗi lần chúng ta va đập với một môi trường mới, chúng ta luôn luôn tổn thương. Cái cảm giác nóng mặt khi chúng ta bước vào một đám đông lạ, bạn có không? Cảm giác chúng ta ngại ngùng khi gặp những con người sấn sổ, hay tất cả những cảm giác dạng như vậy, đấy là những trạng thái gì? Đấy là những trạng thái mà viên ngọc tâm hồn của chúng ta bị chà xước

Có một bạn hỏi tôi về trạng thái Ám ảnh rằng, “Ám ảnh có thể hiểu theo một nghĩa nữa, nó có một trường hợp tích cực. Tức là khi mình quá bị ám ảnh bởi một cái gì đấy thì gần như mình sẽ theo đuổi nó cả đời, có thể là muốn hiện thực hóa giấc mơ của mình. Đây cũng là một mặt tích cực phải không?”

Thực ra đây là trường hợp về một khát vọng, một lý tưởng, nó lại là một chuyện khác. Nhưng tất nhiên nó có tác hại của nó. Những người từng theo đuổi lý tưởng thời trẻ và sau đấy rời bỏ lý tưởng đấy, họ có một trạng thái căm thù những gì họ đã rời bỏ

Có thể không phải do ai làm hại họ, nhưng họ căm thù vô cùng và họ tìm mọi cách để nói xấu lý tưởng đấy. Nó giống như một người ra khỏi một tổ chức mà không ai trong tổ chức ấy kéo người đấy lại – cảm giác bị từ chối về mặt nhân tính, bằng mọi giá họ sẽ nói xấu tổ chức đấy. Những người ra khỏi công ty mà công ty không có động lực nào để kéo lại, không mời mọc, không nói chuyện ngon ngọt, thì ra ngoài họ sẽ nói, “Công ty đấy làm ăn nát cực kỳ, mà cái triết lý đấy sẽ không bao giờ thành công cả!” Chúng ta có động lực đấy mà!

Ý tôi nói là, khát vọng và lý tưởng là một trường hợp siêu tâm lý, nó thuộc về lĩnh vực tinh thần, nó không nằm ở trong phổ Ám ảnh

– Trích sách TỰ VỆ CẢM XÚC 4.0 – Tác giả Bát Nhã –

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.