Tiết kiệm tiền không phải là điều dễ dàng, nhất là khi trong bạn luôn có một sự thôi thúc là phải tiêu tiền. Bạn phải liên tục vật lộn chiến đấu với ý chí của mình.
Tôi từng đọc được một bài tự thuật của một cô gái trên mạng xã hội:
Cô lớn lên ở một tỉnh lẻ. Ngay từ nhỏ, cô đã hiểu được tầm quan trọng và luôn ý thức việc tiết kiệm tiền.
Tốt nghiệp ra trường, cô lại càng tiết kiệm hơn. Sáng chỉ ăn qua loa lấy lệ, tối thì ăn mỳ tự nấu, thêm chút hành hoa cô chủ trọ cho. Lâu lâu mới thưởng cho mình ăn một bữa thịnh soạn.
Tuy nhiên, sau khi được tăng lương, cô không còn kiểm soát được bản thân mình nữa.
Một tuần bảy ngày thì có đến bốn ngày cô vào thành phố ăn uống tụ tập với bạn bè. Tháng nào cũng tiêu hết 2 đến 3 triệu tiền ăn. Kế hoạch mua nhà bị đổ bể, cô phải tiết kiệm lại từ đầu.
Sau khi tỉnh ngộ ra mình đã tiêu xài hoang phí thế nào, cô đã tăng ca liên tục trong vòng 2 tháng. Cô cẩn trọng suy nghĩ khi tiêu tiền. Cộng thêm dịch bệnh bùng phát, cô cũng ít ra ngoài hơn. Cuối cùng, số dư trong tài khoản đã dần dần tăng lên.
Không ai từ khi sinh ra đã là người tiết kiệm, mà là cuộc sống dạy họ phải sống tiết kiệm.
Số tiền mà bạn tiết kiệm, trước mắt bây giờ có thể chưa phát huy tác dụng ngay. Nhưng nếu không tiết kiệm, chắc chắn bạn sẽ còn khổ hơn rất nhiều.
Rất ít người có thể đạt được tự do tài chính ở tuổi đôi mươi. Nhưng nếu tháng nào bạn cũng tiêu hết lương, thậm chí còn tiêu hụt vào tiền lương của tháng sau, vậy thì vấn đề không phải vì bạn kiếm được ít tiền, mà bởi vì ham muốn của bạn đang ngày càng lớn lên. Mọi người đều nói, sự suy sụp của người trưởng thành bắt đầu từ việc đi vay tiền.
Nhưng tôi nghĩ, sự suy sụp của người trưởng thành bắt đầu từ việc không tiết kiệm tiền, vì nếu không tiết kiệm thì sớm muộn gì cũng phải đi vay.
Tiết kiệm tiền cũng giống như việc tu hành vậy, bạn phải luôn đấu tranh kiểm soát những ham muốn của bản thân. Tương lai giàu hay nghèo đều được quyết định bởi bạn hôm nay.