Tuổi tác là vốn, không phải sự hạn chế

Cứ để ý mà xem, không ít 9X giờ hay đùa (không biết đùa thật hay không) tự gọi mình là “bà già”, “ông già” hết cả rồi.
 
Rất nhiều người đã bắt đầu gia nhập vào hàng ngũ dưỡng sinh, thay nước ngọt có ga bằng những tách trà hoa cúc tốt cho sức khỏe.
 
Lúc trước xông pha tự do tự tại, giờ thu lại chỉ còn đúng hai nơi là công ty và nhà.
 
Hai hôm trước khi đang đi bộ, bên cạnh có hai bạn trẻ đang nhao nhao nói chuyện với nhau.
 
Một trong hai người nói: “Haizz… tuổi trẻ thật là tốt.”
 
Tôi dở khóc dở cười, mới hai mấy tuổi đầu, làm sao mà đã già rồi…
 
Nhưng nghĩ kĩ lại thì, chúng ta quả thực cũng không còn trẻ nữa.
 
Thế hệ 9X, những người đã ra đi làm được mấy năm, trong số đó không ít người đang rơi vào giai đoạn “nghẽn” của sự nghiệp.
 
Muốn nâng cao bản thân nhưng không có thời gian, công việc thì khó tìm mà cũng không dám nhảy việc.
 
Người mới thì mỗi năm một nhiều, sức khỏe hơn, năng nổ hơn, lại còn chấp nhận lương thấp, khiến họ lúc nào cũng nơm nớp lo sợ mình bị đuổi lúc nào không hay.
 
Áp lực công việc, áp lực hôn nhân, áp lực bị giục cưới, quả thực có chút lực bất tòng tâm.
 
“Nghĩ về hiện thực của mình, thỉnh thoảng tôi cũng lo lắng tới mất ngủ…”
 
Trên thực tế, làm gì có người trẻ nào không già đi.
 
Chủ động rút khỏi hàng ngũ tuổi trẻ chỉ chẳng qua cũng chỉ là vì cảm thấy lo lắng về tuổi tác tới mức tự ti và bất lực.
 
Phát triển bị giới hạn, người trẻ thì không ngừng gia nhập thị trường, có thể không lo lắng ư?
 
Nhưng một mặt khác, lo lắng về tuổi tác cũng ảnh hưởng tới tâm lý của những người chưa trưởng thành.
 
“Nhân lúc còn trẻ, phải hưởng thụ.”
 
Đây là lời của một cô bé mới chỉ 16 tuổi.
 
Cái độ tuổi vốn dĩ nên học hành, nhưng lại không muốn học vì cho rằng việc học là nhàm chán, vô vị.
 
Đối với cô bé, đời người sống là phải sao cho đáng, nếu không sẽ có lỗi với những năm tháng tuổi trẻ của mình.
 
Dẫu sao thì thứ mà người trẻ có là cơ hội, sai thì mình làm lại, vậy thôi.
 
Tôi bỗng nhiên ý thức ra được một điều, khi “lớn tuổi” trở thành một gánh nặng, thì “trẻ tuổi” tự nhiên sẽ trở thành cái vốn.
 
Ai cũng theo đuổi tuổi trẻ, trung niên, lão niên bị kì thị, dường như mất đi thanh xuân là mất đi niềm vui và giá trị của cuộc sống vậy.
 
Điều này khiến những người còn chưa trưởng thành hình thành nên tư tưởng hưởng thụ khi còn có thể trong khi đáng lẽ ra cần phải phấn đấu.
 
Họ không biết rằng, trẻ không nỗ lực, về già ắt bi thương.
 
Đợi tới ngày chín chắn hơn, bắt đầu phải đi đối mặt với áp lực cuộc sống rồi mới phát hiện ra mình chẳng có cái gì.
 
——————–
 
Vì sao lại xuất hiện lo lắng tuổi tác?
 
Vấn đề này khiến tôi nhớ tới một đồng nghiệp cũ tên Lưu.
 
Trong mắt tôi, cậu ấy là một người thành công, gia đình hạnh phúc, sự nghiệp viên mãn.
 
Nhưng đối với cậu ấy, như vậy là chưa đủ.
 
Tiền nhà, tiền xe, tiền học chính học thêm học năng khiếu cho con, tiền dưỡng lão cho ba mẹ, tất cả đều khiến cậu ấy không dám thả lỏng.
 
Công việc hay quan hệ xã giao trong công ty, dù phiền phức tới đầu, cậu ấy cũng cố gắng hết mình đi xử lý.
 
45 tuổi, bảo trẻ thì cũng không trẻ, bảo già cũng chẳng già.
 
Có những người trẻ sớm đã tự do về tài chính, bắt đầu làm những điều mình yêu thích, còn bản thân thì vẫn đau đầu chuyện tiền bạc, cứ so sánh như vậy, khiến cậu ấy nghĩ mình là một kẻ thất bại.
 
Nhiều khi, chúng ta vì tuổi tác mà đâm ra lo lắng, không chỉ đơn thuần là vì sự lão hóa mà tuổi tác đem lại, mà quan trọng hơn là vì chúng ta biết mình thiếu đi những tích lũy tương xứng với tuổi tác, bao gồm năng lực, kinh nghiệm, tiền tiết kiệm…
 
Cộng thêm với việc so sánh với người khác, lo lắng lại càng tăng lên thêm nhiều lần.
 
Hiện tượng này, tồn tại ở mọi độ tuổi.
 
Tuổ trẻ có nguy cơ của tuổi trẻ, trung niên có nguy cơ của trung niên, người già có ưu phiền của người già.
 
Ông lão 72 tuổi vì bị ngã mà xương cốt và chân không được tốt lắm.
 
Nhưng ông không nề hà gì, vẫn ngày ngày giúp đỡ vợ và con cái làm việc nhà, còn vì việc này mà tranh cãi với con cái.
 
Trong một lần đi lấy nước, ông lại bị ngã.
 
Người ta thường cho rằng có một vài người già không biết “lượng sức mình”, cho rằng mình còn trẻ khỏe như hồi thành niên trai tráng.
 
Nhưng thực ra, không phải vì họ không muốn chấp nhận mình già, mà là bởi họ không dám thua tuổi già, nên muốn chứng minh rằng “mình vẫn ổn”, chỉ có điều, đây suy cho cùng cũng chỉ là một sự an ủi.
 
Bởi lẽ lo lắng tuổi tác, nguyên nhân cốt lõi của nó là chúng ta sợ chết.
 
Sống, còn muốn làm rất nhiều chuyện, nhưng sinh mệnh lại có hạn.
 
Lúc nên thành gia thì chưa thành gia, lúc nên lập nghiệp chưa lập được nghiệp, sự thu hẹp lại của sinh mệnh cuối cùng tạo nên sự khủng hoảng về tuổi tác.
 
Bỏ qua “dấu mốc” nào đó, là không biết tiếp theo nên làm gì.
 
——————–
 
Nếu độ tuổi nào cũng có lo lắng riêng, vậy tuổi tác rốt cuộc có quan trọng hay không?
 
Tất nhiên quan trọng.
 
Tuổi trẻ đồng nghĩa với sức sống, đồng nghĩa với tâm thái cởi mở, hay sự phát triển nhanh chóng.
 
Nó còn đồng nghĩa với việc con người ta sẽ có nhiều cơ hội để thất bại và làm lại từ đầu hơn.
 
Nhưng dù là vậy thì tuổi tác cũng chẳng quyết định điều gì.
 
“Tuổi nào làm việc nấy”, chẳng qua cũng chỉ là xiềng xích chúng ta tự đặt ra cho mình.
 
Cứ nhìn ông cụ người Trung Quốc Từ Ngọc Khôn thì biết, cuộc đời ông có thể gọi là “ngược chiều với tuổi tác”.
 
5 tuổi mất mẹ, 13 tuổi ba mất tích, vất vả cả đời, cuối cùng cũng chỉ có vài mẫu đất trồng rau.
 
Nhưng ông không can tâm tình nguyện, không can tâm cả đời chỉ quanh quẩn trên đất ruộng và ngôi nhà gạch.
 
Khi ông nói mình muốn đi vòng quanh thế giới, tất cả mọi người xung quanh đều phản đối.
 
“Hai cô con gái vẫn chưa lấy chồng, ông đi rồi hai đứa nó phải làm sao? Còn vợ ông nữa?”
 
Nghe vậy, ông chỉ còn biết gác chuyện này sang một bên, nhưng trong lòng thì vẫn không ngừng ước mơ.
 
Cho tới một ngày của 10 năm sau, ông đạp chiếc xe đạp của mình bắt đầu cuộc hành trình mà ông luôn ấp ủ.
 
Suốt dọc đường đi, ông đã từng gặp thú dữ, từng phải ăn thịt động vật sống, cũng từng suýt vô tình bị bắn chết…
 
Nhưng ông vẫn kiên trì được.
 
Suốt 12 năm trời, ông Khôn đi gần hết Trung Quốc, và để lại dấu chân của mình ở 25 quốc gia khác nhau.
 
Có người nói ông thêm phiền phức cho con cái, nói ông thần kinh không bình thường.
 
Nhưng ông không để ý, “đi ra ngoài ngắm nhìn nhiều thứ hơn, là lý tưởng của tôi.”
 
“Trước 60 tuổi tôi là một nông dân, là người cha, người chồng, sau 60 tuổi, tôi là một du khách, tôi muốn làm được hai việc trong cuộc đời mình.”
 
Tuổi tác là vốn, nhưng không phải là sự hạn chế.
 
Xã hội học có một khái niệm gọi là “thời gian xã hội”.
 
Ý nghĩa khái quát là con người không hoàn toàn phải phụ thuộc vào tiến trình của sinh mệnh tự nhiên, mà sẽ chịu sự ảnh hưởng của bởi thời gian xã hội được con người ta thiết lập nên.
 
Chẳng hạn, trước 30 tuổi nên kết hôn, trước 35 tuổi sinh con.
 
Nhưng thời gian xã hội không phải không bao giờ thay đổi.
 
Cũng giống như việc chúng ta hay lấy cái gọi là “tam thập nhi lập, tứ thập bất hoặc” làm cái mốc, mà bỏ qua một điều rằng xã hội ngày nay đã thay đổi.
 
Muốn một người vừa học xong mấy năm ngắn ngủi sau đã có được sự nghiệp rực rỡ là điều vô cùng khó khăn.
 
Hơn nữa, thời gian xã hội cũng chỉ là tài liệu tham khảo, mỗi người đều có một khu vực thời gian của riêng mình.
 
Chúng ta có thể cho phép mình 30 tuổi vẫn trên con đường tìm tòi phương hướng cuộc sống, cũng có thể cho phép mình 80 tuổi rồi vẫn thử thách bản thân.
 
Sống theo tiết tấu của mình, không cần phải để giá trị quan của xã hội trói buộc.
 
Bởi lẽ cuộc đời, suy cho cùng cũng là của mình.
 
– Theo Win –

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *