Trưởng thành thực sự là biết sống chung với những điểm chưa hoàn hảo của mình

“Hướng nội và sợ xã hội luôn là vấn đề của tôi.”

Cô bạn tên Linh nhắn cho tôi câu này vào tuần trước, sau đó kể cho tôi nghe về trải nghiệm của cô ấy.

Cách đây không lâu, Linh tham gia một buổi teambuilding các bộ phận do công ty tổ chức, hai cảnh tượng trái ngược nhau trong bữa tiệc khiến cô bối rối:

Một bên là những đồng nghiệp hướng ngoại uống rượu, trò chuyện và cười đùa, hòa nhập với những người khác; một bên là những đồng nghiệp không giỏi nói chuyện, chỉ yên lặng ăn đồ ăn nhẹ và chơi điện thoại di động.

Cô luôn không hiểu tại sao trong xã hội lại có người ai cũng có thể làm quen, trong khi bản thân cô lại không thể nào dễ dàng hòa nhập được với đám đông.

Để loại bỏ nỗi sợ hãi xã hội, cô đã buộc mình phải tham gia vào nhiều hoạt động khác nhau, ngay cả khi bản thân không thấy hứng thú.

Trong quá trình đó, cô ấy cũng không kết giao được bao nhiêu bạn, tình trạng thậm chí còn trở nên tồi tệ hơn, cô ấy dường như bị mắc kẹt trong “nỗi lo mất bạn bè” và giờ không biết phải làm sao.

Nghe xong câu chuyện, tôi chợt nhớ đến một câu: “Vấn đề lớn nhất của một người là không thể hòa giải với chính bản thân”.

Đôi khi, vì sợ bị cho là khó gần nên chúng ta giả vờ hướng ngoại, không chấp nhận được sự không hoàn hảo nên tự làm khó chính mình.

Chúng ta luôn nói “có quá nhiều vấn đề”, nhưng thực tế chúng ta chưa học được cách “sống chung với cái mà mình cho là khuyết điểm của bản thân”. Nếu không thể thay đổi được, vậy thì hãy sống chung với nó.

Những người làm khó chính bản thân mình “mệt mỏi” đến mức nào?

Trong cuộc sống có rất nhiều tình huống như vậy:

Sớm đã lên kế hoạch trước cho một ngày của mình nhưng khi đến lúc thực hiện, không những chẳng làm được gì mà còn cảm thấy kiệt quệ về thể xác lẫn tinh thần, chỉ còn lại những tiếng thở dài.

Muốn ra ngoài xem phim nhưng lại không biết nên mặc gì, sợ có người nói bộ này quá lòe loẹt, hoặc có người nói phong cách của tôi kỳ quặc, bỗng dưng bực bội.

Đôi khi khao khát thay đổi một tình huống mà mình không thích, nhưng trước khi hành động, bản thân lại rơi vào một vòng lo âu tâm lý mới…

Điều khiến người ta suy sụp hơn chính là quá nhạy cảm và cả mâu thuẫn nội tâm, không những không giải quyết được vấn đề mà cuối cùng còn trở thành “tù nhân” của vấn đề, tự hạ thấp giá trị bản thân.

Shakespeare đã từng nói: “Người suy nghĩ quá nhiều sẽ đánh mất đi niềm vui trong cuộc sống”.

Càng làm khó chính mình, càng khó nhìn về tương lai, khi học được cách buông bỏ, bạn sẽ khám phá ra vẻ đẹp của hiện tại.

Peggy Yu là người sáng lập Dangdang.com (nhà bán lẻ sách trực tuyến lớn nhất ở Trung Quốc), trong một cuộc phỏng vấn, cô từng được hỏi rằng: “Điều gì là điểm chị cảm thấy không tự tin nhất về mình?”

Cô ấy nói: “Ngoại hình.”

Vì “lo lắng về ngoại hình” nên cô luôn cảm thấy tự ti: trước khi ra ngoài, cô sẽ chọn ra vài bộ quần áo, và soi gương rất nhiều lần xem chúng có phù hợp hay không nhưng tới cuối cùng, cô vẫn luôn ở trong trạng thái “chưa hài lòng”.

So với phong thái điềm tĩnh và phóng khoáng của bản thân lúc này, quả thực có một sự khác biệt rất lớn.

Khi được hỏi tại sao, Peggy Yu trả lời: “Từ bỏ việc trở thành người mà mình không thể trở thành, và sau đó hoàn toàn chấp nhận bản thân”.

Quả thực, cuộc đời là một quãng đường dài, có mưu cầu là điều tốt, nhưng nếu quá khắt khe với bản thân, bạn sẽ bị mắc kẹt trong một cái kén, càng sống lâu sẽ càng mệt mỏi.

Có câu nói rằng: thắng làm vua, thua làm giặc.

Nhưng, cuộc đời làm gì tồn tại cái gọi là “hoàn hảo”, nỗ lực hết mình, vốn dĩ đã là một thành công.

Nếu bạn đang rơi vào vòng luẩn quẩn của cái gọi là “chủ nghĩa hoàn hảo”, hãy chấp nhận con người thật của mình và nói với nó:

Bạn đã làm rất tốt rồi. Tâm đơn giản, thế giới tự nhiên sẽ đơn giản.

Đôi khi, chấp nhận rằng mình bất lực còn đáng giá hơn việc theo đuổi sự hoàn hảo.

Cách đây không lâu, tôi xem lại bộ phim có tên “A Beautiful Mind”, khi một lần nữa xem lại câu chuyện về nhà toán học thiên tài Nash, tôi bỗng lại có một cảm xúc khác.

Khi còn trẻ, tôi cảm thấy Nash là một người không may mắn, dù đã đạt được những thành tựu to lớn trong lý thuyết trò chơi và hình học vi phân, nhưng ông cũng là một bệnh nhân tâm thần phân liệt và thường xuyên gặp rắc rối với “ảo giác”:

Trong thời gian phát bệnh, ba người được ông tưởng tượng ra sẽ ảnh hưởng đến khả năng phán đoán và giao tiếp xã hội của ông.

Với một người làm nghiên cứu học thuật, đây là một đòn chí mạng với Nash.

Các bác sĩ đề nghị can thiệp y tế, nhưng tác dụng phụ sẽ xóa sạch tài năng thiên bẩm của ông.

Ngay cả khi bác sĩ thẳng thừng nói rằng “không ai có thể chiến thắng bệnh tâm thần phân liệt bằng sự kiên trì”, Nash vẫn chọn sống chung với căn bệnh này:

Ông đắm mình vào nghiên cứu khoa học và bỏ qua những “người” đó.

Theo thời gian, Nash quen dần với sự tồn tại của ba “người” đó và giải thích dưới góc độ triết học: “Họ là quá khứ của tôi. Thực ra, mọi người đều vướng vào quá khứ”.

Vì vậy, khoảnh khắc ông đứng trên bục Nobel, có người đã nói: “Ông ấy là một ‘bệnh nhân’, nhưng lòng dũng cảm đã giúp ông ấy đánh bại chính mình, đó, vốn đã là một ‘kỳ tích’ của y học”.

Đúng vậy, không ai là hoàn hảo, được luôn đi kèm với mất, giống như cách mà Nash đã không ngần ngại ở lại với “căn bệnh” của mình để đổi lấy những thành tựu trong lĩnh vực toán học.

Điều này cũng đúng với những người bình thường như bạn và tôi.

Nếu bạn không thể thay đổi mọi thứ, hãy xuôi theo nó; nếu bạn không thể tránh được vấn đề, hãy tìm cách hòa giải với nó.

“Cuộc sống là vô thường và mọi thứ đều là cát bụi.” Đôi khi, cách tốt nhất để giải quyết một vấn đề là “không giải quyết nó”.

Ý nghĩa của cuộc sống không phải là mọi thứ đều hoàn hảo.

Hãy cho phép bản thân được không hoàn hảo, ngay cả khi cuộc sống của bạn không trọn vẹn, những cái không trọn vẹn đó sẽ trở thành vết nứt để ánh sáng chiếu vào cuộc đời bạn.

Đôi khi, chấp nhận rằng bạn không thể làm được gì còn có giá trị hơn việc phấn đấu để đạt được sự hoàn hảo.

Trưởng thành thực sự là biết sống chung với “bệnh tật”, với những điểm chưa hoàn hảo của mình.

Tôi rất đồng ý với câu nói rằng: “Không có lời phê bình nào mạnh hơn sự tự phê bình, không có sự phán xét nào khắt khe hơn chính bản thân chúng ta”.

Bản thân vấn đề không hề khủng khiếp, điều khủng khiếp là cái bẫy mà nó tạo ra.

Chỉ khi một người hiểu được sống chung với “bệnh tật”, khi ấy, người đó mới thực sự trưởng thành.

Ba phương pháp dưới đây mong rằng sẽ giúp bạn giải quyết “vấn đề”.

1. Tiết kiệm năng lượng cảm xúc và từ chối tiêu thụ nội tâm tinh thần

Nỗi đau không tự nhiên mà đến, nó chủ yếu dựa trên những giả định chủ quan:

Bị ám ảnh bởi những lời nói vô tình của người khác sẽ làm tăng gánh nặng tâm lý; tưởng tượng ra những kết cục không hay trước khi mọi chuyện xảy ra sẽ dẫn đến “lục đục nội tâm”; càng nghĩ nhiều thần kinh sẽ ngày càng căng thẳng.

Nếu đang gặp rắc rối như vậy, hãy thử cố gắng thư giãn và đừng quá nhạy cảm với cái gọi là được và mất. Khi ấy, có thể bạn sẽ thấy tâm trạng không chỉ ổn định hơn mà còn có thể giải quyết mọi việc một cách bình tĩnh hơn.

2. Để lộ những vết sẹo của bạn và chấp nhận bản thân vô điều kiện

Có người từng hỏi rằng: “Nếu đợi đến khi trở nên thật ưu tú rồi mới yêu, liệu có quá muộn không?”

Có một câu trả lời nhận được rất nhiều lượt tán đồng như sau: “Khi chúng ta từ tận đáy lòng không chấp nhận bản thân, ta sẽ khó có được tình yêu.”

Chúng ta thường không dám để lộ những “vết sẹo” trên cơ thể mình: tính tình nóng nảy, công việc không ổn định, ngoại hình không đẹp… tất cả những điều đó thực ra đều là xiềng xích của trái tim yếu đuối.

Khi bạn trở nên ưu tú, liệu người bạn yêu có còn đợi ở đó hay không?

Có lẽ là không, bởi lẽ “Cảm xúc sẽ mất dần đi theo thời gian và sự chờ đợi”.

Đúng vậy, nếu bạn không học cách bộc lộ cảm xúc của mình và chỉ nghĩ đến việc hàn gắn vết thương trước khi bắt đầu, chắc chắn bạn sẽ hối hận và bỏ lỡ rất nhiều thứ.

Người ta thường nói: “Chấp nhận là động lực của sự tiến bộ, từ chối là khởi đầu của sự hủy diệt”.

Khi bạn dám cho thấy những vết sẹo và chấp nhận bản thân, mọi thứ bạn gặp được đều sẽ là những điều đẹp đẽ.

3. Tìm “ngách phục hồi” và trao quyền cho bản thân

Trong tâm lý học có khái niệm “ngách phục hồi”, dùng để chỉ nơi con người có thể phục hồi năng lượng của mình.

Nói rộng hơn, nếu bạn cảm thấy kiệt sức về thể chất và tinh thần, bạn cũng có thể thử thay đổi địa điểm để sạc lại pin.

Ví dụ, thay vì cố tình kìm nén cảm giác bất an ở nơi ồn ào, hãy tìm một nơi yên tĩnh để dạo bộ; thay vì tham gia vào những tương tác xã hội quá tải, hãy chọn ở một mình trong một khoảng thời gian.

Khi lớn lên, tôi dần nhận ra rằng: Hối tiếc cũng là một món quà, thay vì lo lắng, chi bằng chấp nhận.

Khi bạn đứng ở góc độ của mình để nhìn nhận sự việc, bạn sẽ phát hiện ra đâu đâu cũng là vấn đề; nhưng đứng từ góc độ của người khác để nhìn nhận vấn đề, bạn sẽ cảm thông cho mình nhiều hơn.

Sống, chấp nhận chính mình, chấp nhận rằng mình không phải một người hoàn hảo, rằng bản thân chỉ là một người bình thường trong vô số những người bình thường, đó mới là kẻ trí.

– Theo Như Nguyễn – 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.