Để tồn tại trong xã hội mà không phải đánh đổi hạnh phúc cá nhân, mỗi người cần phân định rõ đâu KHÔNG phải là những giá trị thật sự dành cho mình, đâu là những việc làm hay thái độ sống ta KHÔNG cần buộc mình theo đuổi.
1. KHÔNG đặt mục tiêu 100 điểm
Khi chúng ta còn nhỏ, người lớn thường tạo áp lực để ta cố gắng hơn bằng cách chỉ ra những tấm gương học giỏi trên báo đài, hay gần hơn nữa là đứa trẻ hàng xóm làm gia đình nở mày nở mặt khi đậu trường loại ưu. Có một đứa con không đạt mức xuất sắc như “con nhà người ta”, khiến người lớn vừa lo lắng cho tương lai của con, vừa cảm thấy thua thiệt với những cha mẹ xung quanh.
Ở trường học, ta cũng chịu những áp lực tương tự. Chẳng hạn, trong cuốn sách “Quyền tách khỏi đám đông”, nhà văn Hàn Quốc Jung Heejae dẫn ra, trước năm 2014, giáo dục trung học ở Hàn Quốc dùng hệ thống đánh giá Tú – Ưu – Mỹ – Lương – Khả (Xuất sắc – Vượt trội – Rất giỏi – Giỏi – Khá). Chỉ những học sinh đạt Tú – Xuất sắc, tức 100 điểm, mới được giáo viên tuyên dương, bạn học vỗ tay; còn em nào chỉ đạt Lương – 60 điểm, sẽ cần phải cố gắng thêm nhiều nữa.
Đứa trẻ lớn lên trong môi trường gia đình và học đường thế này, khi lớn lên vẫn giữ thói quen đo đếm giá trị bản thân bằng những thước đo chung. Họ cố sống cố chết để chạy theo “cuộc sống 100 điểm”. Nhưng ngay cả người đã đạt 100 điểm vẫn thấy có người khác hơn mình nhiều mặt. Cứ như vậy, sự so sánh là vô chừng, và họ mãi mãi mang cảm giác thua thiệt trong lòng.
Trong khi đó, Xuất sắc – Vượt trội – Rất giỏi – Giỏi – Khá, chẳng phải tất cả những từ này đều mang hàm ý khen ngợi hay sao? Ví dụ, Lương có nghĩa gốc tiếng Hán là giỏi, tốt, hiền từ, chân thật. Như vậy, không cần phải đạt 100 điểm, cuộc sống của ta đã mang đầy đủ phẩm chất đáng tự hào.
2. KHÔNG phủ nhận tâm trạng của bản thân
Trong một xã hội quá xem trọng sự kết nối tập thể, khi thấy một người mang sắc khí khác mọi khi, người ta thường áp dụng cách quan tâm máy móc nhất là hỏi thăm: “Bạn có sao không?”, “Tại sao hôm nay bạn là thế?”. Nếu người được hỏi chỉ ậm ừ cho qua, thái độ đó bị xem là thiếu lịch sự, gây mất lòng.
Trong khi, ngay cả những người hòa đồng nhất cũng có khi muốn được chìm đắm trong không gian riêng với những cảm xúc mơ hồ không thể lý giải. Để tránh phải giải thích mà không bị xem là kẻ phá vỡ không khí chung, hầu hết mọi người luôn cố gắng gắn lên mặt mình một dáng vẻ tươi vui quen thuộc.
Sự thật là, người ta không quan tâm đến hoàn cảnh người khác nhiều như ta vẫn nghĩ. Cảm giác không hài lòng về một người đồng nghiệp thiếu tươi cười sẽ mau chóng nhường chỗ cho những tâm điểm khác trong cuộc sống thường nhật của họ. Bởi vậy, việc sống mà phải đong đếm xem người ta nhìn mình như thế nào trong từng phút giây là hoàn toàn không cần thiết.
Dĩ nhiên, điều này không có nghĩa là bạn nên cư xử thô lỗ, gạt phăng mọi phép lịch sự tối thiểu. Nếu có thể, hãy tham khảo cách mà tác giả Jung Heejae trong quyển Quyền Tách Khỏi Đám Đông đã làm, thành thật thổ lộ rằng: “Đôi khi tôi không muốn giải thích bất cứ điều gì. Không có gì đặc biệt đâu. Qua một khoảng thời gian tôi sẽ không sao. Bây giờ tôi đang sạc pin”.
3. KHÔNG làm gì cả
Charles Bukowski là một nhà văn, nhà thơ người Mỹ gốc Đức. Ông mất năm 1994, và trên bia mộ giản dị của ông khắc hai chữ “DON’T TRY” (Đừng cố gắng). Là một tác giả với những thành công được công nhận trong sự nghiệp, rốt cuộc, điều mà Bukowski đúc kết sau 74 năm cuộc đời chỉ ngắn gọn như thế: Đừng cố gắng.
Chúng ta thường nghĩ điều mình mong muốn là một cuộc sống yên bình, nhưng đồng thời, ta lại đứng ngồi không yên khi thấy người khác băng băng tiến về phía trước. Không chịu được cảm giác đứng ngoài cuộc, ta chứng minh sự tồn tại của mình thông qua những hoạt động không ngừng nghỉ, những danh sách mục tiêu cần đạt được đúng thời hạn.
Trong “Quyền tách khỏi đám đông”, Jung Heejae đề xuất một quyền mà thoạt nghe như lời biện minh của kẻ lười biếng: Quyền không làm gì cả. “Không làm gì”, theo tác giả, không đồng nghĩa với giậm chân tại chỗ hay lười biếng, mà không cố đạt những thứ không dành cho mình, không cố chạy đua không ngừng nghỉ trong mọi giây mọi khắc trong cuộc đời.
Ví dụ đơn giản như chuyện đi bộ. Nếu mỗi ngày ta dành một tiếng đi bộ quanh khu nhà mình, thì khoảng thời gian đi trong vô định, trông có vẻ “không làm gì” mà không bị đè nặng bởi mục tiêu cụ thể này chính là lúc ta nuôi dưỡng sự thong thả và sáng tạo.
Ngay cả khi ta sẽ không bao giờ trở thành vận động viên đi bộ chuyên nghiệp hay không giảm 5kg trong vòng một tháng, bản thân việc đi bộ chầm chậm đã có lợi cho sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, chưa kể đây là cơ hội để ta nhìn ngắm cuộc sống của những người xung quanh.
“Không phải tất cả mọi người đều phải chạy như một vận động viên điền kinh hay một vận động viên ma-ra-tông. Tôi chỉ cần đi bằng sải chân hợp với mình, bằng nhịp bước hợp với cơ bắp mình”, Jung Heejae kết luận.
Tản văn “Quyền tách khỏi đám đông” của tác giả Jung Heejae là lời tâm tình, rủ rỉ cho những người đang cảm thấy cuộc sống bấp bênh giữa ảo tưởng và kỳ vọng của xã hội. Quyển sách giúp bạn đọc tìm được dũng khí để sống đúng với nhịp điệu riêng của bản thân, để từ đó tìm ra sự an lạc trong tâm hồn.
– Theo Thảo Nguyễn –