Sử sách nước ta đã lưu danh một cậu học trò nghèo với lòng hiếu học đã đỗ đầu 3 kỳ thi, đó chính là Nguyễn Khuyến (1835-1909). Sinh thời Nguyễn Khuyến là một người cực kỳ hiếu học. Từ khi còn là một cậu bé, ông đã nghe các bài thơ cha dạy cho các anh khóa trên và thuộc làu làu từng bài một. Thấy con có trí nhớ tốt lại hiếu học, cha của Nguyễn Khuyến đã tạo điều kiện cho con học sớm hơn các bạn, mua tập giấy và bút để cho con học hành, để con không phải viết lên gạch non hay nền nhà. Nguyễn Khuyến rất vui mừng, hàng ngày đều chăm chỉ học tập, ông học đến quên ăn, quên ngủ, một ngày có thể học thuộc cả mấy chục trang sách.
Nhưng gia cảnh khốn khó khiến việc học gặp khó khăn khi chỉ học được vào ban ngày, còn buổi đêm lại thiếu ánh sáng. Bằng lòng hiếu học cậu bé Nguyễn Khuyến đã nghĩ ra cách đọc sách dưới ánh trăng tỏ. Thế nhưng trăng thì có đêm tỏ đêm mờ, vậy nên trong một buổi học dưới ánh trăng, giữa trời thu ông thấy lá vàng rơi lả tả, từ đó nãy ra ý định đốt lá để dùng ánh lửa đọc sách. Nguyễn Khuyến đã vượt khó và thành công nhờ hiếu học và chăm chỉ.
Chảo Thị Yến (Bát Xát, Lào Cai) đã trải qua chặng đường dài đầy chông gai trước khi giành được học bổng đắt giá SUFONAMA kéo dài hai năm do nhóm 5 đại học tốt nhất châu Âu về lâm nghiệp và quản lý tài nguyên cấp. Yến là người dân tộc Dao, nơi người dân giữ nếp suy nghĩ không ủng hộ con gái học hành. Hết lớp 9, cô phải nghỉ học để đi làm nương. Sau 3 năm thuyết phục người nhà, cuối cùng Yến được đi học cấp ba với ước mơ làm cô giáo.
Tuy nhiên, trận lũ lịch sử năm 2008 khiến cô thay đổi suy nghĩ, chọn Đại học Lâm nghiệp là bến đỗ tiếp theo bởi khao khát tìm cách giữ rừng, hạn chế lũ. Yến chật vật vượt qua sự tự ti để học tiếng Anh, làm thêm ở sân golf để trang trải học phí. Cô gái Dao từng trượt học bổng Nhật vì lý do sức khỏe. Cô vừa đi làm vừa tiếp tục gửi hồ sơ xin học bổng và cuối cùng đã nhận được email thông báo trúng học bổng thạc sĩ ngành Quản lý tài nguyên rừng bền vững tại Đại học Gottingen, Đức.
Thành công không phải điều gì quá khó, chỉ cần bạn chịu khó tìm tòi thêm một chút là bạn sẽ tiến gần đến thành công. Khi tiếp nhận một nhiệm vụ nào đó, nếu bạn sẵn sàng bỏ ra nhiều công sức hơn những người khác thì bạn sẽ thành công.
– Theo cafebiz –