Thành công không có điểm bắt đầu và điểm kết thúc

Thành công không có điểm bắt đầu và điểm kết thúc

Tình yêu lớn lên nhờ cho đi. Sự yêu thương chúng ta cho đi là sự yêu thương duy nhất chúng ta giữ được. ( Elbert Hubbard)

Đã bao giờ bạn tự hỏi thành công là gì mà bao kẻ bỏ cả cuộc đời để theo đuổi? Phải chăng, đó là kết quả hoàn hảo trong công việc, sự chính xác đến từng chi tiết? Hay đó là cách nói khác của từ thành đạt, nghĩa là có được một cuộc sống giàu sang, được mọi người nể phục?

Thành công là khi ông giám đốc hết giờ làm việc về nhà là vào bếp nấu cơm cùng vợ. Có khi ông giám đốc đó phụ trách vài việc lặt vặt và việc rửa bát chén. Cơm có thể hơi sống hay hơi cháy. Canh có thể hơi mặn hay hơi chua. Rau có thể thiếu cay thiếu mắm. Nhưng ông giám đốc đã vươt qua chính mình, vượt lên trên cái tôi để vào bếp. Bát có thể chưa được rửa sạch hoàn toàn. Nước có thể còn vung vãi khắp nơi, rác còn để bày khắp nơi. Nhưng ông đã thành công. Bởi vì chắc chắn vợ con ông sẽ rất hạnh phúc. Ông đã tạo ra thành công cho chính mình.

Thành công là khi trên đường thấy một người ăn xin khốn khó. Bạn đã phóng xe qua rồi nhưng vẫn quay đầu xe lại để tặng cho con người thiếu may mắn này dù chỉ vài đồng bạc lẻ.

Thành công là khi bạn nhìn thấy chiếc xe máy cùng chiều quên không gạt chân chống lên và bạn tiến đến nhắc chủ nhân chỉnh lại. Nếu thiếu hành động tưởng chừng nhỏ bé đó, có thể người lái xe kia sẽ bị tai nạn ở đâu đó cách nơi bạn nhìn thấy không xa.

Thành công là khi bạn đang đi trong xe hơi, xe buýt khát nước, đói bụng uống xong lon nước, ăn xong cái bánh, không vứt rác ra đường. Bạn tưởng chuyện nhỏ và không đáng. Nhưng bao nhiêu người đã thất bại. Họ vẫn ném rác ra đường từ trên xe.

Thành công là khi mỗi buổi sáng, bạn chiến thắng được chính mình, chiến thắng được cơn buồn ngủ để dậy sớm, dậy đúng giờ. Việc dậy đúng giờ, theo đúng kế hoạch giúp bạn không vội vàng, hấp tấp, giúp bạn đủ thời gian làm được những gì mình muốn trước khi đi học, đi làm.

Rồi câu chuyện ông Thạch Thuôi đã 61 tuổi cùng vợ là bà Thạch Thị Hạnh cũng gần 60. Suốt 10 năm qua ông cặm cụi và miệt mài đạp xích lô để nuôi con ăn học. Thành công của ông đáng khâm phục. Thành công của các con ông liệu có phải từ nỗ lực tuyệt vời của ông?.

Tôi đã đọc một bài viết về một bà ở Duy Tiên, Hà Nam với thời gian biểu “một ngày như mọi ngày”: Sáng dậy sớm nấu cơm, nồi cơm dùng cho cả ngày. Sau khi ăn một bát cơm, bà bắt đầu cuộc hành trình qua khắp các phố để xin những đồng bạc lẻ của những người hảo tâm. Bà sống đạm bạc, đi xin để trang trải học hành cho cháu Thu Thảo – hiện đang là sinh viên năm thứ hai Trường Đại học Mở Hà Nội. Thảo không phải là cháu chắt ruột rà của bà, mà chỉ là một bé gái được bà nhặt về khi mới được 15 tháng tuổi. Liệu có ai thành công hơn bà cụ này.

Chúng ta khao khát thành công nhưng chúng ta không biết gốc rễ của thành công. Muốn giàu có phải biết bố thí, cần biết giúp người nghèo khó. Chỉ có cho đi bạn mới có cơ hội làm giàu. Khi cho đi bạn sẽ được giàu có về vật chất. Không chỉ vậy tinh thần của bạn cũng giàu có vô cùng. Tết vừa rồi tôi và các em học trò đã gói bánh chưng, bánh tét và đi lang thang tìm kiếm những hoàn cảnh khó khăn của đêm sát giao thừa để tặng. Như thế chúng tôi giàu có vô cùng.

Cuộc sống là có thành có bại, có thắng có thua. Thành công không phải là một mục đích quá xa vời. Thành công cần tấm lòng và sự quyết tâm của bạn. Thành công cần nuôi dưỡng bằng tình yêu thương và sự tận tụy hết mình. Cứ hết mình đi, cứ cống hiến mà không đòi hỏi đi thành công sẽ tự đến.

Ngay bạn đang ngồi đọc những dòng chữ này cũng đã là một thành công. Thành công ở chỗ bạn đã đầu tư thời gian để học hỏi từ những người đi trước, từ những trải nghiệm mà có thể người khác phải tốn rất nhiều công để đi tìm.

– Trích “Trồng Hoa Không Cho Mọc Rễ” – Nguyễn Mạnh Hùng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.