Từ hàng thiên niên kỷ trước, chúng ta đã biết việc hòa mình với thiên nhiên đem lại cảm giác dễ chịu đến nhường nào. Âm thanh của rừng, mùi thơm của cây, không khí mát lành, ánh nắng lấp ló qua tán lá ‒ tất cả đều mang lại cảm giác khoan khoái, giúp chúng ta giải tỏa lo âu căng thẳng, thư giãn và suy nghĩ thông suốt hơn. Khi hòa mình với thiên nhiên, chúng ta có thể điều hòa tâm trạng, hồi phục năng lượng, trở nên tỉnh táo và dồi dào sinh lực.
Chúng ta nhận thức rõ điều này từ tận sâu tâm khảm. Nó như một linh tính, hoặc một bản năng, một cảm giác đôi khi thật khó diễn tả. Trong tiếng Nhật, chúng tôi có một từ để chỉ những cảm xúc không thể biểu đạt bằng ngôn ngữ: yu-gen. Yu-gen mang đến ý niệm sâu sắc về vẻ đẹp huyền bí của vũ trụ, vốn thuộc về thế giới này nhưng lại gợi lên những điều lớn lao hơn. Nhà soạn kịch Zeami Motokiyo mô tả yu-gen như “bóng tre phảng phất trên thân tre”, cảm giác có được khi bạn “ngắm nhìn mặt trời lặn xuống phía sau ngọn đồi phủ đầy hoa” hoặc “thơ thẩn trong một khu rừng rộng lớn mà không nghĩ đến chuyện trở ra”.
Đó là cảm giác của tác giả Qing Li khi ở giữa thiên nhiên. Ông nghĩ về thời thơ ấu của mình tại một ngôi làng nhỏ. Nhớ đến rừng dương xanh mướt mỗi độ xuân hè và sắc lá vàng rực trong những ngày thu. Ông hồi tưởng lại những lần cùng bạn bè chơi trốn tìm giữa cây rừng và bắt gặp những con thú, nào thỏ nào cáo, nào sóc nào chuột hamster. Làng ông có một rừng mơ đẹp vô ngần, trổ hoa sắc hồng suốt tháng Tư. Hương vị của những trái mơ mùa thu vẫn còn in đậm trong tâm trí tác giả.
Nhưng chính xác thì cái cảm giác không thể diễn tả bằng lời này là gì? Điều gì ẩn chứa đằng sau đó? Bằng cách nào thiên nhiên lại khiến chúng ta rung cảm đến vậy? Qing Li là người làm khoa học chứ không phải là nhà thơ. Thế nên, ông đã nghiên cứu khía cạnh khoa học của cảm giác này nhiều năm trời. Tác giả muốn biết tại sao chúng ta lại cảm thấy dễ chịu tới vậy khi ở giữa thiên nhiên. Sức mạnh bí ẩn nào của cây làm cho chúng ta khỏe mạnh và hạnh phúc hơn nhiều đến thế? Tại sao chỉ cần đi bộ trong rừng là chúng ta đã cảm thấy bớt căng thẳng và được tiếp thêm năng lượng? Có người nghiên cứu rừng, số khác nghiên cứu y học. Tác giả nghiên cứu y học rừng để tìm hiểu toàn diện những phương pháp đi bộ trong rừng giúp cải thiện sức khỏe.
Đã bao lâu rồi bạn không tản bộ trong một khu rừng đẹp sững sờ đến độ phải dừng chân thưởng ngoạn? Và cũng đã bao lâu rồi bạn không để ý đến những chồi xuân đang chớm nở hoặc ngắm thật gần những bông tuyết trên lá trong tiết đông? Tác giả băn khoăn, thay vì những điều ấy, không biết ngày hôm nay bạn đã dành bao nhiêu tiếng nhìn vào màn hình, bao nhiêu thời gian để lướt điện thoại. Ngồi trong văn phòng lắp đặt điều hòa, có thể bạn còn chẳng chú ý đến thời tiết để rồi bỏ lỡ tất thảy những thời khắc giao mùa. Bạn có nhận ra ngoài kia mùa xuân đã đến bên thềm không? Hay đất trời đã chuyển mình sang thu?
Từ lâu, tác giả đã không còn sinh sống ở vùng quê. Hiện tại, ông sống ở Tokyo, một trong những thành phố rộng lớn nhất thế giới ‒ và là thành phố đông dân nhất. Từ một cảng cá nhỏ thuộc tỉnh Musashi xưa, Tokyo đã phát triển thành đô thị đông đúc nhất thế giới với khoảng 30,5 triệu người, chiếm 11% tổng dân số Nhật Bản. Và chúng tôi chen chúc trong vỏn vẹn 2.191km2 tức 0,06% tổng diện tích đất Nhật Bản. Nói cách khác, Tokyo có mật độ dân số là 6.158 người/ km2 . Để so sánh, con số này ở London là 1.510 người/km2 , Paris là 2.884 và New York là 1.800. Nhưng thật may, tôi làm việc ngay cạnh một công viên có đền thờ nổi tiếng vốn trồng rất nhiều cây. Quang cảnh từ cửa sổ văn phòng nhìn ra đẹp vô cùng và gần như ngày nào ông cũng đi dạo tới đền thờ vào giờ nghỉ trưa.
Công viên này có những cây bạch quả khổng lồ, cùng những cây anh đào và một vườn hoa đỗ quyên ba trăm năm tuổi với hàng ngàn chủng loại khác nhau. Hoa nở rộ vào tháng Tư và tháng Năm với những gam màu đỏ đậm, hồng và trắng. Tác giả rất thích ngắm hoa anh đào, và khi mùa hè qua đi, ông lại được thỏa sức chiêm ngưỡng vô vàn sắc thái xanh đa dạng. Mùa thu, lá cây bạch quả chuyển sang màu vàng rực rỡ. Trưa nay trong lúc đi dạo, một cơn gió dịu mát thoảng qua khiến Qing Li chợt nhận ra, ừ nhỉ, cây bạch quả đã bắt đầu khoác lên mình tấm áo mùa thu rồi. Vào cuối tuần, ông ghé thăm những công viên cây xanh ở Tokyo và dành một vài tiếng ở đấy. Còn mỗi chiều thứ Hai, ông lại tổ chức đi dạo cùng sinh viên.
Thực ra, không chỉ đơn thuần là đi dạo. Họ thực hành một liệu pháp của Nhật có tên là tắm rừng, shinrin-yoku. Trong tiếng Nhật, shinrin có nghĩa là “rừng” còn yoku là “tắm”. Vậy shinrin-yoku có nghĩa là tắm trong môi trường rừng, hay đắm mình vào không gian rừng bằng mọi giác quan. Đây không phải là bài tập thể dục đi bộ hay chạy bộ đường dài. Chỉ đơn giản là đón nhận và kết nối với thiên nhiên bằng thị giác, thính giác, vị giác, khứu giác và xúc giác. Ở trong nhà, chúng ta thường chỉ sử dụng hai giác quan, mắt và tai. Ngoài trời là nơi chúng ta có thể hít ngửi mùi hoa, thưởng thức không khí trong lành, ngắm nhìn cây lá thay màu, lắng nghe tiếng chim hót và cảm nhận cái se lạnh mơn trớn trên làn da. Và khi các giác quan được mở ra, chúng ta bắt đầu kết nối với thế giới tự nhiên.