Những trích đoạn hay từ cuốn sách “Thiền Trong Chuyển Động” – Sakyong Mipham

 
1. “Từ xa xưa, người ta đã biết rằng con người cần sở hữu cả tâm trí minh mẫn và cơ thể khỏe mạnh để trở nên hạnh phúc hơn. Tuy nhiên, trong thế giới hiện đại, sự cân bằng giữa cơ thể và tâm trí của con người đang bị thách thức do nhiều nguyên nhân. Ta ngủ ít hơn, từ đó thường xuyên cảm thấy mệt mỏi. Ta dành quá nhiều thời gian cho việc ngồi, từ lúc ngồi trên xe cho tới khi làm việc trên những chiếc ghế được thiết kế thiếu khoa học, khiến ta gặp phải các vấn đề về lưng cũng như tuần hoàn máu. Chất lượng không khí ở xung quanh cũng ở mức thấp, từ đó càng khiến ta ngột ngạt và mệt mỏi hơn.”
 
2. “Tôi vẫn luôn nhận thấy một mối liên kết tự nhiên giữa chạy bộ và thiền định. Chạy có thể hỗ trợ cho thiền và ngược lại. Chạy là một hình thức luyện tập tự nhiên, bởi lẽ bản thân hành động này chỉ là sự nâng cấp của việc đi bộ. Khi chạy, ta khiến tim khỏe hơn, giải tỏa không khí ứ đọng, khiến thần kinh minh mẫn và gia tăng khả năng vận động của cơ thể. Nó cũng giúp ta hình thành một thái độ tích cực, tạo nên nền tảng thể lực cũng như giúp ta vượt qua cơn đau thể xác. Với nhiều người, chạy còn mang lại cảm giác tự do. Tương tự, thiền định là bài tập tự nhiên dành cho tâm trí – một cơ hội để khiến tâm trí ta trở nên mạnh mẽ, khỏe mạnh và trong sạch hơn. Thông qua thiền, ta có thể tìm lại bản chất tốt đẹp đã bị lãng quên từ lâu. Đây là một điều hết sức quan trọng, vì nó là nguồn cội của sự tự tin và lòng can đảm sâu thẳm trong tâm hồn.”
 
3. “Khi quan trắc tâm trí, các thiền giả đã khám phá ra rằng nó là một sinh vật sống, luôn thay đổi và phát triển. Tâm trí cực kỳ nhạy cảm, đồng thời cũng cực kỳ mạnh mẽ. Nó có thể xúc động trước vẻ đẹp của cánh bướm lướt qua, đồng thời cũng có thể thích ứng với hoàn cảnh cực kỳ khắc nghiệt. Tâm trí cũng có thể cực kỳ rộng rãi và đồng cảm. Điều quan trọng nhất là nó có thể được rèn luyện, nghiên cứu và phát triển. Các thiền giả còn khám phá ra rằng tâm trí cũng thích thú với quá trình này, nếu tìm được người phù hợp dẫn lối.”
 
4. “Kiêu ngạo là trạng thái tâm lý bành trướng dựa trên sự sai lệch khi nhìn nhận bản thân, tức là ta đang đánh giá bản thân quá cao. Nếu con người là một nền kinh tế thì nền kinh tế ấy đang lạm phát. Người ta nói rằng khi kiêu ngạo, những phẩm chất tốt đẹp trước đó như sự dịu dàng và kỷ luật đều tan biến. Sự tự mãn cướp mất vị của những phẩm chất tốt đẹp mà ta đã dày công vun đắp. Rõ ràng nó sẽ khiến mọi người xung quanh khó chịu, vì nó khiến ta không thể thấy được phẩm chất tốt đẹp của họ. Thậm chí nó còn có phần nguy hiểm, vì kiêu ngạo sẽ dẫn ta tới chỗ suy vong.”
 
– Trích “Thiền Trong Chuyển Động” – Sakyong Mipham

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *