Nếu dành cả đời ghen tị với người khác, ta sẽ chẳng bao giờ tiến bộ

Ngày Quang Anh xuất hiện ở công ty, anh đã tạo nên một cơn “chấn động” nhẹ: Người từng có thâm niên làm việc 5 năm ở nước ngoài, đẹp trai, con nhà giàu, tính nết hài hòa, thân thiện với đồng nghiệp… Nói công bằng, Quang Anh xứng đáng được tặng điểm 9, điểm 10 bởi thân thế hoàn hảo của bản thân. 

Ban đầu, Quang Anh rất được lòng đồng nghiệp. Đi ăn trưa, đi cà phê, đi trà đá… họ đều vui vẻ rủ Quang Anh nhập hội. Tính tình thoải mái, anh chẳng mấy khi từ chối những lời rủ rê của bạn bè. Những đồng nghiệp thấy việc được sát cánh, đi bên cạnh Quang Anh là niềm tự hào, sự hãnh diện của họ. Cái câu “giàu vì bạn, sang vì vợ” chẳng sai chút nào! 

Thế nhưng, nội bộ nhóm Quang Anh bắt đầu xuất hiện cơn sóng ngầm, kể từ khi anh liên tục nhận được thưởng nóng nhờ những hợp đồng béo bở kéo về cho công ty. Năng lực xuất sắc, thậm chí vượt trội so với đồng nghiệp, dần dà nảy sinh tính đố kị, rõ nhất là trong team làm việc của anh. 

Những lời tán tụng, ngợi ca như khi Quang Anh mới về nước thưa dần, thay vào đó là không khí nặng nề, thậm chí họ không muốn gần gũi, trò chuyện với Quang Anh nhiều nữa. Dù không ai nói ra, nhưng hễ cứ thấy Quang Anh xuất hiện, nhóm của anh lại tản mác mỗi người một hướng. Rủ đồng nghiệp đi ăn cùng buổi trưa, anh thường nhận được lời từ chối, ví như bận gặp khách hàng hoặc có hẹn với người yêu… Quang Anh vẫn là nhân viên xuất sắc, nhưng trong mắt đồng nghiệp, anh chẳng giỏi giang là bao! Hoặc sự giỏi giang ấy là tất yếu, không cần nỗ lực, cố gắng quá nhiều. 

Thực ra, sự ganh ghét của bản thân dành cho người khác thường được giấu kín trong lòng, và nó thường nhận thấy nhất là khi thấy ai đó giàu sang, thành đạt, giỏi giang hơn mình. Một người bạn của Quang Anh trong lúc say đã hậm hực nói với tôi: “Cậu ta có gì hơn người cơ chứ. Chẳng qua may mắn vì được sinh ra trong một gia đình có điều kiện, được đi du học, được làm việc ở nước ngoài. Nền tảng gia đình đã hơn chúng ta nên thành công hơn chúng ta là điều đương nhiên!”

Thật ra tôi hiểu nỗi niềm của anh bạn đồng nghiệp này. Thay vì vui mừng cho cậu bạn Quang Anh, anh lại tỏ ra khó chịu không yên. Bẵng đi một thời gian, người bạn này của tôi xin thôi việc, anh nói rằng dù anh đã cố gắng nhưng công sức của anh vẫn không được sếp ghi nhận, còn Quang Anh, nghe đâu cậu ta được đề bạt lên cấp trưởng phòng, đường quan lộ rộng thênh thang. 

Thế đấy, để nhận diện một người thất bại, bạn cứ thử quan sát biểu hiện này của người ta: Ban đầu ngưỡng mộ những người ưu tú, sau đó ghen tỵ và cuối cùng thấy tài năng của họ thực ra không liên quan đến mình. Xung quanh chẳng thiếu! 

Thật ra, lòng đố kỵ làm ảnh hưởng khả năng suy nghĩ và hành động của chúng ta. Thay vì tập trung hướng đến thành công, nó lại khiến bạn lầm bước đâm vào ngõ cụt. Khi cứ mải miết ghen ghét người khác, ganh đua với người khác, bạn đâu còn tâm trí đâu để phát triển khả năng của mình. 

Một người hay ghen ghét sẽ không nhìn được sự tiến bộ của bản thân vì họ chỉ chăm chăm đạt được những gì giống như người khác. Khi không biết mình đang ở đâu, họ sẽ dễ dàng đánh mất động lực để tiến lên. 

Người chỉ quan tâm đến thành quả của người khác thường sẽ bỏ qua câu chuyện đằng sau những thành tựu đó. Người đố kỵ với người khác không thấy được điểm mạnh của mình và càng mù mờ trước điểm yếu của đối phương. Nếu dành cả đời ghen tị với người khác vì họ làm việc hiệu quả hơn, thăng tiến nhanh hơn, hay giải quyết vấn đề tốt hơn, thì ta sẽ chẳng bao giờ tiến bộ.

Nhà thơ Tagore đã viết những câu thơ tuyệt đẹp thế này: 

“Hãy để cuộc đời anh nhẹ nhàng nhảy múa

Bên bờ thời gian

Như những giọt sương trên cánh lá”

Suy cho cùng, thứ chúng ta hướng tới là một cuộc đời hạnh phúc, an nhiên. Và tất nhiên, niềm an nhiên ấy không thể gồng gánh nỗi đố kị nặng nề, xấu xí. Thế nên, bạn ơi nhớ nhé, muốn đi đường dài, muốn phát triển bản thân, sống cân bằng, hài hòa, nhất định bạn phải giải phóng bản thân khỏi đố kị. Việc gạt bỏ lòng đố kị giúp chúng ta thoát khỏi những ham muốn phi thực tế và phi hiệu quả. Bạn có thể nhìn được tiến bộ của bản thân cũng như các lĩnh vực mình cần hoàn thiện, đồng thời đánh giá đúng mức thành tựu của mình thay vì cứ phải đi so sánh với người. Vậy làm thế nào để giải phóng bản thân khỏi lòng đố kị?

– Học cách hài lòng với những gì mình có: Không chỉ giúp bạn giảm bớt ganh tỵ, đố kỵ mà còn mang đến cho bạn cái nhìn tổng quan hơn về cuộc đời, về kiếp người, để từ đó sống tốt hơn, cái tâm trong sáng hơn, nuôi dưỡng nhiều hơn những hạt giống tích cực, để mỗi giây phút trong cuộc đời luôn tuyệt vời và đầy ý nghĩa.

– Yêu chính mình: Yếu tố chính mà bạn cần phải nhận thức được rằng bạn là quan trọng nhất đối với chính mình. Điều đó không có nghĩa là ích kỷ, nhưng bạn nên hiểu và chấp nhận những gì bạn đang có. Bạn không nên ghen tỵ vì những điều người khác có mà bạn không có.

Bạn hãy trân trọng và yêu chính mình. Bạn nên tự động viên bản thân cố gắng hơn thay vì đố kị hay suy nghĩ tiêu cực khi các bạn cùng lớp đạt thành tích tốt hơn bạn.

– Không ngừng học hỏi: Khi bạn đang đố kị với ai đó, bạn không ngừng suy nghĩ và tự làm khổ mình. Bạn cần phải thoát ra khỏi suy nghĩ đó vì càng suy nghĩ chỉ làm bạn càng nhỏ nhen hơn mà thôi. Thay vào đó, nên dành thời gian của bạn để làm việc khác hoặc những hoạt động giải trí mà bạn yêu thích. Việc thấy bản thân có giá trị, có hiểu biết, sẽ giúp bạn tự tin hơn và vui vẻ hơn. 

– Vượt qua lòng đố kị: Khi thấy tâm đố kỵ nảy sinh trong lòng, hãy nhìn vào trong gương, hẳn ta sẽ thấy ta giống một con ác quỷ xấu xí, hãy tập trung suy ngẫm, tu tập và thay đổi, ta sẽ vượt qua được sân hận, thoát được cái tâm đố kỵ, tâm hồn thanh thản hơn, an lạc hơn.

– Theo Hoa Chanh – 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.