Mèo Và Triết Lý Nhân Sinh – Mèo Đã Dạy Chúng Ta Điều Gì Về Cuộc Sống – John Gray

Nếu loài mèo quay sang hứng thú với triết học thì đây sẽ là một nhánh thú vị của trường phái hư cấu kì khôi. Thay vì coi đây là liều thuốc chữa chứng lo âu, những triết gia mèo sẽ tham gia vào môn triết học như thể đây là một trò chơi vậy.

Nhưng loài mèo không cần triết học. Tuân theo bản chất tự nhiên của mình, chúng hài lòng với những gì cuộc sống đem lại. Loài người thì ngược lại, họ bất mãn với bản chất của mình như thể đó là điều tự nhiên. Bất chấp những kết cục bi thảm và kì khôi có thể đoán trước được, loài động vật mang tên “con người” không bao giờ từ bỏ việc nỗ lực trở thành một thứ gì đó không phải là mình.

Đa số cuộc đời con người là sự chật vật đấu tranh tìm kiếm hạnh phúc. Đối với loài mèo, ngược lại, hạnh phúc là trạng thái mặc định khi những mối đe doạ thực tế nhăm nhe sự tồn tại tốt đẹp của chúng bị loại bỏ. Có lẽ đây là lý do chính mà nhiều người trong số chúng ta yêu loài mèo. Ngay từ khi sinh ra, chúng đã sở hữu niềm hạnh phúc mà con người thường không đạt được.

Những chú mèo không cần phải bận tâm xem xét cuộc đời chúng, bởi chúng chẳng hề nghi ngờ chuyện cuộc đời này có đáng sống hay không. Sự tự ý thức của con người đã tạo ra tình trạng bất ổn vĩnh viễn mà triết học đã luôn cố gắng chạy chữa, nhưng vô ích.

Mèo không lên kế hoạch cho cuộc đời; mà sống cuộc sống xảy đến với chúng. Con người thì lại không thể ngừng biến cuộc đời mình thành một câu chuyện. Nhưng vì họ không thể biết cuộc đời mình sẽ kết thúc như thế nào, nên cuộc sống đã làm gián đoạn câu chuyện mà họ cố gắng kể. Vì vậy, con người đến cuối cùng lại sống như những chú mèo, một cách hết sức tình cờ.

Cuốn sách cho chúng ta một cái nhìn so sánh về cuộc đời của loài mèo và cuộc đời loài người, từ đó để bạn tự nhận ra bản thân đang “lầm đường lạc lối” trong những toan tính của cuộc sống và tự tìm ra con đường bước tới ánh sáng của sự “biết” và “đủ”.

=> Các trích dẫn hay trong sách:

“Mèo có một bản chất phân biệt chúng với các sinh vật khác – ngay cả với chúng ta. Bản chất của loài mèo, và cũng chính là điều chúng ta có thể học được từ chúng, là chủ đề của cuốn sách này. Không một ai từng chung sống với loài mèo có thể coi chúng là những cá thể có thể hoán đổi cho nhau của một loài duy nhất. Mỗi chú mèo đều là đơn nhất và mang tính cá thể hơn so với rất nhiều con người.

Những chú mèo không cần phải bận tâm xem xét cuộc đời chúng, bởi chúng chẳng hề nghi ngờ chuyện cuộc đời này có đáng sống hay không. Sự tự ý thức của con người đã tạo ra tình trạng bất ổn vĩnh viễn mà triết học đã luôn cố gắng chạy chữa, nhưng vô ích.”

“Mèo hạnh phúc khi được là chính mình, trong khi con người cố gắng [trở nên] hạnh phúc bằng cách thoát khỏi bản thân.
Nhưng những người yêu mèo không yêu mèo vì họ nhận ra bản thân mình trong chúng. Họ yêu mèo vì mèo rất khác với họ.Không giống như chó, mèo chưa mang “tính người” trong mình. Chúng tương tác với chúng ta và có thể yêu chúng ta theo cách riêng của mình, nhưng ở tầng sâu thẳm nhất, chúng khác chúng ta. Khi bước vào thế giới con người, loài mèo cho phép chúng ta nhìn xa hơn. Không còn bị mắc kẹt trong chính những suy nghĩ của mình, chúng ta có thể học được từ loài mèo lý do tại sao công cuộc theo đuổi hạnh phúc đầy căng thẳng của chúng ta nhất định sẽ thất bại.”

“Loài mèo dành phần lớn cuộc đời mình trong sự cô đơn đầy mãn nguyện. Vì mọi thứ đều cố gắng tồn tại như những dạng cụ thể của nó, nên không ai có thể thực sự muốn ngừng tồn tại cả. Không ai muốn kết thúc cuộc đời mình: kẻ tự sát là kẻ bị cả thế giới giết chết. Như Spinoza đã đặt nó trong cuốn Đạo đức học: ”Không có gì có thể tự phá hủy, trừ khi [bị tác động] bởi một nguyên nhân bên ngoài”.

“Là những kẻ săn mồi, phát triển khả năng đồng cảm lên mức độ cao sẽ gây rối loạn chức năng đối với mèo. Đó là lý do tại sao chúng thiếu năng lực này. Đó cũng là lý do tại sao niềm tin phổ biến cho rằng mèo là loài độc ác bị coi là sai lầm. Sự tàn nhẫn là sự đồng cảm ở dạng tiêu cực. Trừ khi bạn cảm nhận vì người khác, bạn không thể vui sướng trước nỗi đau của người khác. Con người thể hiện sự đồng cảm tiêu cực này khi họ hành hạ mèo vào thời trung cổ. Ngược lại, khi mèo vờn một con chuột bị bắt, chúng sẽ không thích thú với sự dày vò đó. Việc vờn con mồi thể hiện bản chất săn mồi của chúng. Thay vì tra tấn những sinh vật nằm dưới quyền lực của mình – một xu hướng đặc biệt chỉ có ở con người – mèo chỉ đơn giản là đang chơi với những con mồi.”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.