Lý Tính Tướng-Học: Sử Học Thực Chứng Thô Thiển

Biết về Tướng đôi khi rất quan trọng. Để hiểu một người bạn phải căn cứ, một là dựa trên Tướng – các kinh nghiệm cổ xưa của nhiều đời về các hiện tượng bên ngoài; hai là kinh nghiệm dựa trên việc nói chuyện với người đó; ba là kinh nghiệm qua hồ sơ của người đó; bốn là kinh nghiệm qua lời nói. Tất cả tri thức con người đều dựa trên kinh nghiệm, vì mọi thứ đều là kinh nghiệm, tri thức cũng là một dạng

Bạn sẽ thấy rằng những gì khách quan nhất đều nằm trong Tướng Số. Nó không căn cứ trên cách người ta biểu hiện mà căn cứ trên những gì có trước họ, cho nên nó đáng tin nhất. Thường, thông tin càng lùi về ban đầu càng đáng tin. Chẳng hạn, những thông tin về bạn hồi bé giúp xác định con người bạn nhiều hơn là lúc lớn. Nghe thì kỳ lạ nhưng đúng là thế. Nhất là trong tâm lý học, họ rất quan tâm đến những chuyện như xuất thân của một người hay hồi bé người đó bị đối xử thế nào. Trong phân tâm học, một đứa bé lúc nhỏ gặp phải va vấp gì thì người ta coi đó là cội nguồn nhân cách của nó. Điều đó có nghĩa là, các thông tin lùi càng xa thì càng đáng tin. Và đối với Thần học, thông tin lùi xa nhất là vượt lên trên, hoặc thông tin thứ hai, không dùng để phán xét mà dùng để nhận định hành động, là các thông tin vượt lên trước. Thứ nhất là bói toán (bói toán có nghĩa là xem-sau-lưng, vì “bói” nghĩa là cái lưng), hay xem chuyện xảy ra trước khi sinh mệnh đó ra đời, nó để lại dấu ấn ở trên tướng. Thứ hai là tiên tri, hay xem chuyện vượt khỏi ranh giới sống của họ, những điều chờ đợi họ phía trước. Đó là hai nguồn tin mà trong thế giới cổ người ta coi là đáng tin nhất, và tất cả những người có thể cung cấp hai loại thông tin đó đều được coi là đứng trên Đế Vương

Nhưng các phép xem tướng của đời sống thường nhật quy lại trong sự xem xét các ngoại hiện của một sự kiện. Làm thế nào để biết đâu là đúng, đâu là sai? Không chỉ cần các lập luận, còn cần các bằng chứng

Nếu giờ bạn An có người yêu, một người bảo An rằng, “Tôi thấy người yêu bạn đi với người khác.” An sẽ phản ứng thế nào? Lập luận rằng chuyện này không thể vì người yêu An là một người đoan chính, nết na, chung thủy? Trong nhiều trường hợp, dù muốn hay không, An sẽ phải kiểm chứng: Thời gian đó người yêu mình đang ở đâu, làm gì, nếu đúng là đi với người khác thì đi với ai, còn ai chứng kiến điều đó không… Một khâu điều tra tội phạm nhân danh tình yêu phải không? Một chủ nghĩa thực chứng thô thiển

Bạn biết gì về nền kinh tế? Bạn sẽ lên mạng hoặc đọc sách tìm các số liệu về nó, và bảo rằng đó là sự thật? Có bao nhiêu chuyên gia phải giả vờ xem việc làm ấy là nghiêm túc và bao nhiêu người cười khẩy sự non nớt đó bằng một cái bắt tay khuyến khích nhiệt huyết của tuổi trẻ? Nước đang ô nhiễm, phải không? Nồng độ ô nhiễm thế nào vậy, làm những ai bệnh và chết, bạn cảm thấy sự ngột ngạt chứ? Bạn sẽ cần mọi thứ để chứng minh cho bất cứ mệnh đề nào, bạn sẽ cần lôi từ hiện thực một điều gì đó. Nếu nó có thể quan sát hoặc có thể đo đếm được, bạn tin vào nó hơn là khi nó không thể. Một thứ chủ nghĩa kinh nghiệm ngây thơ, hay là một sự thật duy nhất đúng về bản chất của những gì chúng ta biết về thế giới này, cái thế giới được mọi khả năng tri giác kiểm định?

Bạn có thể đánh giá bằng cảm quan, nhưng thường thì bạn sẽ thấy rằng nó sai. Ví dụ, hôm nay An nói chuyện với bạn gái, An biết bạn gái mình là người thế nào. Một thời gian sau, rõ ràng là nhận định của An thay đổi, thậm chí đến mức An phải nói với bạn gái rằng “Tại sao em lại sống như thế được nhỉ, em đã từng nói em là…”, nhưng bạn gái An lại nói, “Chính là do anh…” hay do một cái gì đó. Nói chung, con người rất nhanh thay đổi

Bạn hãy nhớ kỹ một nguyên tắc trong trong tâm lý học, đó là không điều gì được nói ra là thật. Ví dụ, nếu có người hỏi An rằng An có cảm thấy nóng không, An nói thấy nóng, về nguyên tắc tâm lý học, cảm nhận đó của An không phải là sự thật. Chính vì nó không phải là sự thật nên mới phải đi tìm sự thật, đó là nhiệm vụ của khoa học. Bạn hãy nhớ kỹ: Không điều gì người ta bày tỏ ra, kể cả họ cảm nhận thật sự trong lòng, lại là sự thật. Đó là một trong ba nguyên tắc cứng của tâm lý học

Vậy đấy, ngay cả cái hiện thực ý nghĩ mà chỉ mình bạn kiểm tra và xác thực được, hóa ra cũng không hề có căn bản; hóa ra nó không hề chính xác

Nhà tâm lý học sẽ lắng nghe và cho bạn một phương thuốc và cách điều trị dựa trên sự thật mà họ muốn bạn phải biết hơn là sự thật mà bạn tự cảm thấy. Bạn đau tay, đó có thể là dấu hiệu của bệnh viêm khớp. Bạn đau nhức ở mũi, đó có thể là dấu hiệu của một chứng tê liệt thần kinh. Những điều đó căn bản có vẻ chẳng liên quan đến nhau. Ví dụ, bạn nghĩ sự sống của bạn khác biệt với một viên thuốc ở trước mặt bạn. Ở mức nhận thức cao hơn, sự thật là nếu uống vào bạn sẽ chết. Nhưng sự thật mà bạn thấy có thể chỉ là bạn và viên thuốc này tồn tại độc lập, không liên quan đến nhau. Nó không thể làm gì bạn cũng giống như bạn sẽ không làm gì nó. Điều đó nghĩa là đối với bạn, hiện tại là những chu trình độc lập, nhưng nhận thức ở mức cao hơn thì thấy nó là một tổng thể. Điều này không để nhấn mạnh tổng thể, mà để nhấn mạnh rằng bạn phải biết cách để các thông tin vào trong mình được kiểm tra rất rõ rệt, hoặc bạn sẽ không biết gì cả. Đó là tất cả hiện thực của bạn, phải không?

Giờ thì, bạn kẹt cứng trong một thế giới kinh nghiệm, Tâm Thân Ý gần như bất lực và nhận lấy mọi biểu hiện của thế giới như một sự thật tất nhiên. Bạn dường như được một quyền chính đáng đếm tình yêu bằng sự trao thân và giữ gìn trinh tiết, xem xét tình bạn bằng những cuộc vui, nhìn vào lý tưởng bằng thành công và cười nhạo những điều vô hình tự tuyên xưng. Khi cái lý tính Tướng-học này, cái chủ nghĩa thực chứng này ăn sâu vào đầu bạn, sự hủy hoại Triết-học bắt đầu lan tràn, một kỷ nguyên hoang tưởng trong bạn được gọi tên bằng “hiện thực,” “sự thật,” “sự kiện.” Đây là khoa lịch sử của đời sống, một lịch sử thực chứng dùng để biện luận cho quan điểm của bạn về chính cái quá khứ lệch lạc của mình

Rất tiếc, khả năng lý giải quá khứ dường như là vô hạn, bởi chẳng có sự thực chứng nào, chẳng có phép xem tướng nào còn hữu dụng: Cái bạn thấy là một vỏ ngoài mà tự cái vỏ ngoài ấy không phải là bản chất, cũng không phải mục đích. Nhiệm vụ đích thực của phép xem tướng, của lý tính sử học, do đó chỉ là: Thôi miên quá khứ, che giấu những gì đã qua

Giờ thì bạn hãy tự hỏi mình xem, có đúng rằng đa phần những sự thật của đời bạn đều là những sự-thật-đã-xảy-ra, khoa lịch sử của đời sống đấy không?

(Trích sách SỰ KIẾN TẠO LÝ TRÍ – Thuật thôi miên của đời sống thường nhật – Tác giả Hạo Thái)

☀ Link tìm hiểu thêm về cuốn Sách tại: https://tinyurl.com/daitritamnguyen

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.