Luật Trừng Phạt – Hóa Ra Vị Thẩm Phán Tối Cao Nhất Lại Luôn Ngự Trong Chính Lồng Ngực Mỗi Người

1.
Chúng ta đều biết, với tâm trí con người, ngay cả những ấn tượng thoáng qua cũng được lưu giữ lại
 
Tất cả những gì con người ghi dấu trong nhiều năm sẽ được truyền tiếp lại cho con cháu mình. Bản năng chính là kí ức và kinh nghiệm của vô thức. Định luật này không chỉ áp dụng cho nhân loại nói chung mà còn cho mọi cá nhân. Nhân loại sở hữu một kho kí ức bí ẩn về tất cả các sự kiện và ấn tượng trong quá khứ. Thực tế là những quyền năng thuộc về quá khứ vẫn có thể lưu lại trong ý thức con người. Chúng ta có thể chứng minh điều này bằng vô số ví dụ trong tâm lí học đám đông. Chẳng hạn, hãy nói về một luật lệ từng chỉ áp dụng một lần (ngay sau đó nó đã bị thay thế), tuy nhiên nó vẫn còn hiệu lực “ngầm” cho tới ngày nay
 
Trong Luật lệ La Mã có tồn tại một luật trừng phạt gọi là Poena Talionis. Nếu một người tuyên thệ sai, anh ta sẽ bị chặt tay phải. Hình phạt này cũng áp dụng cho mnhững tên trộm. Những kẻ tiết lộ bí mật sẽ bị cắt lưỡi. Tộc Giéc-manh cổ cũng tuân theo luật trừng phạt này
 
Chúng ta có thể tìm thấy trong Kinh thánh một số đoạn nhắc đến điều này, đại ý: “Một mắt đổi một mắt, một răng đổi một răng”, hoặc “Vì các ngươi đoán xét người ta thế nào, thì họ cũng đoán xét lại thế ấy”. Luật trừng phạt chưa bao giờ biến mất khỏi tâm lí đám đông. Nó trở thành luật lệ của toàn nhân loại. Những tín đồ Ki-tô rất cố gắng loại bỏ luật lệ này, thật không may nó không thành công. Sự trừng phạt vẫn là một điều gì đó thuộc về cá nhân và thường chỉ gói gọn trong phạm vi một người. Thật quá sai lầm khi cho rằng luật Poena Talionis chỉ dùng để chống lại người khác. Sự thực là chúng ta tự trừng phạt mình và áp đặt lên bản thân những hình phạt còn nghiêm trọng hơn cả hình phạt người khác dành cho chúng ta
 
2.
Luật trừng phạt Poena Talionis có thể giúp chúng ta hiểu một số triệu chứng tâm thần. Hiện tượng Talionis này là dấu hiệu của một ý thức sâu sắc về mặc cảm tội lỗi. Những triệu chứng này xuất hiện như thế nào? Chúng thường là tiến trình vô thức, trong đó chứa đựng nỗi sợ hãi về một quyền năng cao hơn, ví dụ như sợ Nữ thần báo thù Nemesis. Thậm chí nỗi sợ này dần biến thành sự lo âu, thành sức mạnh trừng phạt. Những người bệnh tâm thần tự trừng phạt chính mình bởi những tội lỗi mà họ cho rằng do mình gây ra. Thế rồi họ tưởng tượng rằng hình phạt đó do Nữ thần báo thù Nemesis giáng xuống họ
Đừng nghĩ rằng chỉ những người còn sống mới tác động được đến chúng ta. Thường thì người chết sẽ là người có sức ảnh hưởng mạnh mẽ nhất. Người còn sống còn có thể thay đổi. Người đã chết thì im lặng và bất động. Phần lớn những việc chúng ta làm chỉ là sự vâng lời muộn màng. Bệnh nhân của chúng ta đã tự trừng phạt mình vì tất cả hành vi chống đối cha trong quá khứ bằng một sự vâng lời muộn màng
 
Dưới sự chi phối của luật trừng phạt Poena Talionis, hành động của cô biến tướng thành một dạng cực đoan, đối ngược hẳn với những điều cô làm khi còn nhỏ. Giờ đây cô ấy chẳng thể ăn gì ngoài súp. Tất nhiên sự trừng phạt này không phải là mong muốn của cha cô ấy. Nếu ông ấy còn sống, ông chắc chắn tha thứ cho những lỗi lầm của con mình
 
Còn việc cô ấy làm để tự trừng phạt mình thực ra chỉ là một trạng thái tâm thần. Cô ấy phải dựa vào luật trừng phạt bởi tinh thần cô thiếu hụt, yếu đuối như thế. Chẳng người cha nào muốn trừng phạt con gái mình bằng cách đó. Nhưng giờ ông ấy đã qua đời và chẳng thể nói lời thứ tha. Đặc quyền làm dịu đi mọi tổn thương và chấm dứt mọi đau khổ thuộc về thời gian
 
 
3.
Chúng ta có thể chế giễu hay khinh miệt suy nghĩ tự trừng phạt này, nhưng không thoát khỏi sự kìm kẹp của nó. Khi chúng ta nghĩ rằng mình hoàn toàn tự do và độc lập thì ngay trong một khoảnh khắc, chúng ta sẽ cảm thấy những móng vuốt sắc nhọn đang đâm vào cổ họng mình. Chúng ta đau đớn đến nỗi ngã vật ra đất và khụy gối trước khi một sức mạnh bí ẩn nào đó đưa chúng ta bước qua những con đường mờ ảo của cuộc sống với một mục tiêu không rõ ràng
 
Ibsen đã đúng khi ông đòi hỏi con người phải hành động theo một đức tin mạnh mẽ. Tất cả những người tâm thần đều có một tâm hồn quá nhạy cảm
 
Những lời phàn nàn vô nghĩa cũng là một dạng của luật trừng phạt Poena Talionis
 
“Một cô gái bị đau đầu dữ dội. Tất cả phương pháp chữa trị cả trong lẫn ngoài đều không có tác dụng với cô trong việc giảm bớt những cơn đau khủng khiếp. Về bản chất đó là sự loạn trí
Và chuyện là thế này. Một lần nọ, cô ấy lừa dối mẹ mình rằng mình bị đau đầu để có thể ở nhà. Sự việc này là lần mở đầu cho hàng loại các sự cố mà cô ấy lấy đó làm điều để tự trách bản thân. Vào thời điểm đó, đầu cô ấy thực sự bị lệch sang một bên. Tại sao tối hôm ấy cô lại nói dối mẹ mình kia chứ? Tại sao cô khiến mẹ lo lắng cho mình như vậy? Và giờ những cơn đau đầu xuyên giống như một sự trừng phạt. Cô tự trách rằng: “Giá như khi ấy mình không làm sai, giá như không nói dối mẹ về cơn đau đầu thì tốt biết mấy.”
 
4.
Tôi thường tự hỏi:
 
Tại sao phải sử dụng tất cả những điều luật lẫn hình phạt đó? Tại sao luôn chỉ có thẩm phán, công tố viên và bị cáo? Xét cho cùng, những kẻ chịu sự trừng phạt của luật pháp không phải là những kẻ bị trừng phạt nặng nề nhất. Tất cả nỗi đau khổ và hình phạt của việc xét xử công khai ấy có là gì so với nỗi buồn khổ vô hạn tuôn trào từ linh hồn của những kẻ đang sám hối kia? Bàn tay kẻ ấy run lên ớn lạnh trước những ánh nhìn đầy khinh bỉ. Hàng ngàn cảm giác tội lỗi xâm chiếm, họ cảm thấy ăn năn bởi những việc họ cho rằng mình làm sai hoặc chưa bao giờ phạm phải
 
Nhân loại trả giá cho sự tiến bộ bằng những cuộc đấu tranh và hi sinh không hồi kết. Chúng ta tưởng rằng mình đang tiến đến một mốc đáng tự hào, khi một ngày nào đó không còn có vị thẩm phán nào tồn tại trên trái đất
 
Nhưng, hóa ra vị thẩm phán tối cao nhất lại luôn ngự trong chính lồng ngực mỗi người. Không có sự xấu hổ nào khác ngoài nỗi xấu hổ trong chính mình, và không có hình phạt nào khác ngoài luật trừng phạt Poena Talionis mà mỗi cá nhân tự áp lên chính mình
.
>> Trích sách CÁI TÔI ĐƯỢC YÊU THƯƠNG – Wilhelm Stekel. Bản dịch của Lam Anh (Một dịch giả của OOPSY)
artwork by IG/chrisaustinart
© OOPSY — CỘNG ĐỒNG DÀNH CHO NHỮNG NGƯỜI YÊU THÍCH TÂM LÍ VÀ TÂM LÍ TRỊ LIỆU

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *