(01)
Có một câu nói thế này: “Năng lực không bằng độ lượng, sắc sảo không bằng khí độ, ngoại hình không bằng phong độ.”
Mọi hành vi cần có chừng mực, đối nhân xử thế đúng cách sẽ khiến cuộc sống an vui.
Trong tim có “nhiệt”, người sẽ luôn lạc quan và ấm áp, trở nên bao dung với mọi sự, luôn ung dung, điềm tĩnh đối diện mọi thứ.
Nhiều người luôn quan niệm rằng: “Chỉ cần tâm lương thiện, sẽ sống đời hạnh phúc.”
Ở gần người lương thiện, sẽ cảm giác họ luôn toát ra một loại sức mạnh ấm áp và nhân từ, loại ánh sáng đó khiến chúng ta cảm thấy vui vẻ, muốn sống tích cực.
Đời lắm chông gai, học cách dùng nụ cười đối diện với khó khăn, chính là cách để bạn có được niềm hạnh phúc trong mọi hoàn cảnh. Sự ấm áp từ trái tim của bạn sẽ truyền động lực cho người khác…
(02)
Người có “khí độ” sẽ không bao giờ quan tâm quá nhiều đến được và mất, cũng sẽ không vì cảm xúc nhất thời mà ảnh hưởng đến tình hình.
Sống có khí độ, vấn đề có nan giải đến đâu cũng có thể bình tĩnh giải quyết.
Tôi từng xem qua một câu chuyện:
Có một chàng trai trẻ nổi tiếng là người luôn sống khoan dung với người khác, ngay cả khi đối diện với đối thủ cạnh tranh cũng vậy.
Việc này khiến người xung quanh luôn cảm thấy khó hiểu vô cùng. Một hôm, có người không nhịn được mà hỏi anh ta:
“Anh bao dung với đối thủ như vậy, không sợ họ đánh bại anh hay sao?”
Chàng trai nghe thế mới cười đáp:
“Nếu như tôi có thể khiến họ thay đổi, trở thành bạn, thì chẳng phải tôi đã tiêu diệt được một kẻ thù rồi hay sao?”
Đối thủ của anh chàng chắc chắn là những người tiềm năng, một khi thành bạn với anh ấy, nhất định “nhân mạch” của anh ta sẽ mở rộng rất nhiều.
Làm việc gì cũng vậy, đừng chỉ để ý đến được mất, hơn thua trước mắt. Nhìn xa hơn một chút, nếu ta có thể biến kẻ thù thành bạn, chẳng phải sẽ tốt hơn rất nhiều sao?
Ông bà xưa thường bảo: “Người có tâm rộng lớn, sẽ thấu hiểu nhiều điều trong cuộc sống. Đối xử với mọi sự việc cũng bao dung, dịu dàng hơn.”
Học cách nhìn xa trông rộng, khoan dung độ lượng, như vậy bạn sẽ không dễ dàng cảm thấy buồn tủi vì những chuyện hay những người không đáng nữa.
Bớt oán trách, thêm tha thứ, bớt than vãn, thêm nỗ lực, tâm ôm hoài bão thì nhất định phải kiên trì thực hiện, vậy mới không uổng sống kiếp này.
(03)
Có người cho rằng, muốn được người khác tôn trọng, thì ngoài đạo đức ra, phong thái cũng là điều rất quan trọng.
Vậy phong thái là gì?
Đó là sự tu dưỡng từ bên trong nội tâm, ý thức thi hành với bên ngoài thực thế, năng lực tự kiểm soát bản thân.
Một người có phong thái sẽ cư xử nhã nhặn, lịch thiệp, rộng rãi, đối nhân xử thế luôn khiêm tốn, ham học hỏi. Ở bên cạnh họ, bạn sẽ luôn cảm thấy thoải mái, không cần phải lo lắng bị họ tính kế.
Có lần, tôi nhìn thấy trên mạng có một câu hỏi như thế này: “Điều gì có thể phản ánh rõ sức hấp dẫn ở một người?”
Một câu trả lời rất ấn tượng được nhiều người đồng ý nhất đó là:
“Hãy nhìn phong thái, cách hành xử của người đó khi gặp trường hợp khó đối phó. Nếu họ là người gặp nguy không loạn, luôn tự tin và bình tĩnh đối diện với mọi hoàn cảnh, vậy họ nhất định là người không tầm thường.”
Thật ra, ngoại hình đẹp cũng giống như một bông hoa, đẹp chỉ trong một khoảng thời gian rồi cũng phải tàn. Nhưng phong thái lại không như vậy, nó là một loại tính cách kiên trì tuyệt đối và khả năng chịu đựng cao độ cùng thời gian. Giống như một cây cổ thụ to lớn, vững chắc, khiến người ta tin cậy.
(04)
Trong tâm có “nhiệt độ”, mang lại ấm áp, sự hòa nhã với người khác, khiến cuộc sống mỗi người đều vui vẻ và ý nghĩa hơn.
Xử sự có khí độ, giúp bản thân mở rộng tầm nhìn, luôn khiêm tốn, khoan dung. Đây là cách ứng xử khôn ngoan khi tiếp xúc với mọi người.
Làm việc có phong độ, cương nghị, cởi mở, thể hiện sự kiên cường và quyến rũ của riêng mình.
Hy vọng mỗi người đều có thể sống như ánh mặt trời, tỏa sáng và tích cực!
– Theo Cẩm Thi –