Cách đây từ lâu rồi, nói chuyện nước Mỹ khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, lúc đấy thịnh hành một loại sách gọi là A book for hours (Cuốn sách cho nhiều giờ). Một ý tưởng rất tuyệt vời, một lối tản văn – không hiểu sao trong khoảng 50 năm sau đấy lối tản văn này sẽ còn vô cùng thịnh hành
Bạn tưởng tượng là, nó giống như blog bây giờ. Thực ra, đúng hơn thì nó giống như status. Nó rất giống status bây giờ. Không ngạc nhiên khi văn hóa status do người Mỹ tạo ra (Hẳn nhiên phải do người Mỹ rồi!)
Mỗi trang sách của người ta chỉ bao gồm một đoạn văn ngắn, có lúc bao gồm một đoạn văn dài. Có lúc một bài văn có thể dài hai đến ba trang, cứ nối dài như thế. Nhưng thường những đoạn văn này chỉ bao gồm một đoạn ngắn. Đó là một đoạn ngắn viết về những cảm xúc trong một khoảnh khắc nào đấy, trong một giờ nào đấy, trong một thời nào đấy của con người. Đây là những đoạn văn rất đẹp
Và A book for hours – một cuốn sách cho nhiều giờ, một thể loại sách tuyệt đẹp. Thường, sách này là tiền bối của những sách như Chicken soup for the soul, nhưng cuốn sách này đẹp hơn nhiều. A book for hours thường là Book for mind and heart, for soul and heart, for mental… Kiểu dạng như thế, những cuốn sách dành cho những khoảnh khắc. Ý niệm về những khoảnh khắc này rất gần với ý niệm của Thiền
Mục đích của Thiền không phải để tĩnh lặng trong một thời gian dài. Ban đầu, Thiền là để có thể đắm chìm vào trong từng khoảnh khắc. Ví dụ một khoảnh khắc nhỏ nhỏ, một giây nào đấy, chẳng hạn khi chúng ta hồi tưởng – Thiền rất gần với hồi tưởng – vào khoảnh khắc lần đầu tiên chúng ta được chạm vào tay một người chúng ta yêu. Cái khoảnh khắc chạm vào đấy, nó chầm chậm. Hai bàn tay đấy chạm vào nhau, một luồng năng lượng lóe sáng, cảnh đấy biến mất. Thiền trong một khoảnh khắc, cảm hứng đấy rất đẹp
Một đoạn văn cho từng khoảnh khắc, một suy nghĩ cho từng khoảnh khắc, một cuốn sách cho từng khoảnh khắc, cho từng giờ chúng ta hồi tưởng, cho từng giờ chúng ta thật lặng im. Cái gì vén lộ đằng sau tất cả những thứ “cho từng khoảnh khắc” này?
Có một thứ được hồi sinh trong từng khoảnh khắc này. Một cái gì đấy, nó bắt đầu trồi lên, nó bắt đầu xuất hiện, nó bắt đầu khiến chúng ta cảm thấy hào hứng, nó khiến chúng ta cảm thấy là-chính-mình, sau rất nhiều ngày tháng chúng ta phải lăn lộn với đời, lăn lộn với người, chìm trong những quan hệ, bè bạn, tình yêu
Thực ra cuộc sống con người, bản chất của nó rất mệt mỏi. Tất cả những mối quan hệ đều đòi hỏi chúng ta trở nên mệt mỏi. Khi chúng ta nhìn một vật, chúng ta mất năng lượng từ mắt. Khi chúng ta nghe một cái gì đấy, chúng ta mất năng lượng từ tai. Khi chúng ta chạm, chúng ta mất năng lượng từ thân thể này. Tất cả những sự tiếp xúc trong cuộc đời đều mệt mỏi, bởi vì nó đều tiêu tốn. Và cả khi chúng ta hưng phấn, sự hưng phấn càng lớn, cái giá càng lớn
Nói đơn giản thế này. Chẳng hạn sự hưng phấn lớn nhất là sự hưng phấn nam nữ. Kết thúc nó là một chuỗi ngày mệt mỏi. Trong khi một người cố gắng bảo vệ bản thân, trở nên tĩnh tại và trở nên có đầy sức mạnh, thì bất cứ sự tiếp xúc nào cũng bắt đầu trở nên mệt mỏi
Nó giống như một người cần một món đầu tư lớn cho chính mình. Nếu chúng ta tự đầu tư cho chính mình thì sao? Chúng ta biết mọi mối quan hệ là đầu tư. Nếu mọi mối quan hệ là đầu tư thì mỗi quan hệ mà chúng ta đầu tư hỏng đều chẳng mang lại lợi ích gì – Lợi ích cho tâm hồn, lợi ích cho thể xác, cho tâm trí, lợi ích cho vật chất, bất cứ lợi ích gì. Nhưng nếu chúng ta tự đầu tư cho mình thì sao? Tự đầu tư để làm vững mạnh cái Tôi thì sao?
/ Trích sách SAO NÀO, TÔI CỨ LÀ TÔI ĐẤY, THÌ SAO? – OOPSY/