Đừng một mình đi trên con đường cuộc sống

“Tất cả chúng ta đều cần có ai đó mà chúng ta có thể nói cho họ biết về hành trình của mình”, tác giả Paul Angone chia sẻ trong cuốn sách “Thay câu hỏi – Đổi cuộc đời”.
 
“Cuộc sống của “người trưởng thành” có nhiều thử thách, và chúng ta không thể một mình vượt qua chúng” là lời khẳng định của tác giả Paul Angone trong cuốn sách “Thay câu hỏi – Đổi cuộc đời”.
 
Trước khi trở thành một trong những tác giả được yêu thích nhất tại Mỹ, cuộc đời Paul Angone đã từng ngập chìm trong bóng tối vì chứng rối loạn ám ảnh so sánh sau khi anh rời bỏ công việc quen thuộc để thực hiện đam mê viết lách. Trong lúc bạn bè đã lần lượt có thành tựu thì nỗi sợ hãi và hoang mang siết chặt lấy Paul như con trăn siết mồi. Anh ấy không biết mình nên làm gì tiếp theo để trang trải cuộc sống khi không có thu nhập.
 
Trong cuốn sách, Paul trần tình “Tôi không thể tháo gỡ cuộc đời mình một mình, và tôi cũng không muốn thử làm điều đó”. Nếu không có nguồn sức mạnh tinh thần và sẵn sàng mở lòng đón nhận sự giúp đỡ, thì cuộc đời của Paul có lẽ đã rẽ sang một hướng khác thay vì đạt được ước mơ trở thành nhà văn của mình.
 
Nếu đã từng xem bộ phim “127 giờ sinh tử”, bạn ắt hẳn sẽ vẫn còn nhớ về hành trình giành lấy sự sống của Aron Ralston khi đứng trước lằn ranh sinh – tử vì bị kẹt trong vách núi hẹp và cánh tay bị tảng đá nặng đè lên. Không chỉ dừng lại ở việc khắc hoạ về sự sinh tồn của con người, bộ phim này cũng đã truyền tải một bài học quý giá về sự đồng hành, rằng đừng bao giờ chọn cách sống đơn độc.
 
“Tôi chẳng bao giờ nói cho ai biết mình đi đâu và làm gì, vì tôi tin mình có thể làm tốt mọi thứ một mình”, chính vì đam mê khám phá và sự ngông nghênh của tuổi trẻ, Aron đã luôn chọn lựa tự làm mọi thứ một mình và không cho ai hay về hành trình của bản thân. Điều này đã khiến Aron phải trả một cái giá vô cùng đắt để đổi lấy mạng sống. Anh tự mình cắt bỏ cánh tay bị kẹp.
 
Nếu nói 127 giờ định mệnh trong cuộc đời của Aron bắt đầu trong sự hỗn loạn và lo âu thì có lẽ nó đã kết thúc trong niềm hối hận tột cùng, tràn ngập trong tâm trí của anh. Điều mà sâu thẳm trong thâm tâm Aron mong ước lúc ấy không phải là có thêm lương thực, cũng chẳng phải có thêm nước uống, mà là thời gian quay ngược trở lại để anh có thể nhắn cho một ai đó biết về hành trình của mình.
 
Với lời nhắn gửi “Luôn có nguy hiểm tiềm ẩn khi chúng ta làm điều gì đó một mình”, Paul Angone tin rằng khi còn có thể tự chủ trong mọi quyết định, thì đừng để bản thân phải trả giá cho cách sống chẳng cần một ai.
 
Chúng ta, đặc biệt là những bạn trẻ, đôi khi lại chứa trong mình sự tự tin đến mức kiêu hãnh. Chúng ta đinh ninh rằng bản thân đủ khả năng và bản lĩnh để đương đầu với mọi chuyện. Thậm chí khi chúng ta cần sự giúp đỡ nhất thì cũng chẳng sẵn sàng đưa cánh tay cầu cứu về phía người khác, vì lầm tưởng hành động đó là tự hạ thấp mình, biến bản thân trở thành kẻ vô dụng, thất bại, và kém cỏi.
 
“Tất cả chúng ta đều cần dũng cảm để thừa nhận điểm yếu của mình, cần rất nhiều can đảm để mở những cánh cửa và cho phép người khác biết những điều chân thực bên trong mình”, Paul Angone nhắn nhủ bạn đọc, một mình đương đầu với tất cả không gọi là dũng cảm, chấp nhận điểm yếu của bản thân và nhờ người khác giúp đỡ khi cần mới chính là dũng cảm.
 
Hơn nữa, người khác cũng giống như bạn vậy, nhiều khi cũng cảm thấy lòng mình gợn lên những thanh âm của hạnh phúc khi được người khác nhờ giúp đỡ, vì khi đó, bạn cho họ thấy giá trị cũng như niềm tin bạn đặt nơi họ. Vậy nên, khi đưa cánh tay cầu cứu về phía người khác, thứ bạn trao đi không phải là một gánh nặng, mà là một món quà.
 
Cuối cùng, hãy cứ khám phá. Hãy cứ đi lạc. Không sao cả. Chỉ là đừng một mình đi trên cả hành trình ấy.
 
– Theo Kate.Ng. –

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.