Bạn vừa chia tay người yêu?
Bạn bị sa thải khỏi công việc yêu thích?
Bạn đã tốt nghiệp một năm rồi nhưng chưa tìm được việc?
Bạn mất đi người mà mình quan tâm sâu sắc?
Bạn đã 30, 40, 50 tuổi nhưng cảm thấy cuộc sống không như mong muốn?
Dĩ nhiên đó đều là những lý do chính đáng để buồn, bạn được phép cho bản thân cảm nhận nó. Bạn để nỗi buồn mang đi tất cả những gì nó có thể. Nhưng khi đến lúc cần bước tiếp, cần chuyển giao quyền kiểm soát cho cảm xúc khác thì bạn lại mắc kẹt và đắm chìm trong đó. Nỗi buồn là vùng an toàn của bạn, bạn không thể rời bỏ nó. Bạn nghiện trạng thái này mà thậm chí không hề nhận ra, cơ bản bởi vì nó cực kỳ dễ duy trì.
Hạnh phúc không phải trạng thái cảm xúc thường trực và lâu dài. Nó đến rồi đi, được trân quý cũng bởi vì tính thoáng qua. Bạn có thể duy trì sự mãn nguyện, hài lòng được lâu nhưng không phải hạnh phúc.
Không ai có thể hạnh phúc mãi mãi nhưng buồn mãi thì có đấy, nếu bạn để mình như vậy. Bạn sẽ nghiện buồn vì nó đòi hỏi rất ít nỗ lực, trừ một chút cảm giác có lỗi với bản thân, là điều dễ dàng nhất bạn có thể làm.
Bạn mãi nghĩ về quá khứ, nghĩ về mọi thứ đã có thể xảy ra, thương hại bản thân và vẽ nên những viễn cảnh tươi đẹp khác đằng sau hai chữ “nếu như”.
“Nếu như bạn tốt hơn thì bạn và người yêu vẫn bên nhau.”
“Nếu như chăm chỉ làm việc hơn thì đã không bị sa thải.”
“Nếu như cố gắng hơn khi đi học thì có thể đã tốt nghiệp loại ưu và xin được việc.”
Và tiếp diễn sau đó kiểu như thế này, với những ảo tưởng dày đặc hơn:
“Giá như hai người vẫn bên nhau thì bạn sẽ không khổ sở như bây giờ.”
“Giá như bạn không mất việc thì sẽ có hy vọng cho tương lai.”
“Giá như tìm được việc đúng chuyên ngành thay vì làm một nhân viên pha chế thì bạn đã yêu cuộc sống này hơn.”
Và bạn tiếp tục chìm trong nỗi buồn, vì than thân trách phận đơn giản hơn nhiều việc tự nhắc nhở rằng: Xây dựng một mối quan hệ phải đến từ hai phía. Một cuộc sống tốt đẹp cũng chỉ có khi bạn thật sự nỗ lực.
Ai cũng có lý do để buồn nhưng không phải ai cũng ngồi yên một mình trong bóng tối than thở.
Hạnh phúc đòi hỏi bạn phải thoát ra khỏi vùng an toàn, thử thách bản thân để trở nên tốt hơn, tìm kiếm những con đường thay thế cho ngõ cụt ban đầu.
Hạnh phúc là một đỉnh núi cao mà bạn phải nỗ lực chinh phục. Chắc rằng sau đỉnh núi đó sẽ là thung lũng, sau chặng đường leo núi khó khăn lại là con dốc trơn trợt, nỗi sợ bị ngã có thể khiến bạn chùn chân leo lên: “Nếu nỗi buồn ở cuối con đường thì thà rằng cứ ở lại với nó ngay từ đầu sẽ thoải mái hơn”.
Tuy nhiên có một điều bạn cần biết rằng, không phải lúc nào hết vui cũng là buồn, bạn có thể dừng lại giữa chừng khi thấy đủ – chỉ khi đã nỗ lực hết mình.
Một điều nữa bạn cần biết là nghiện nỗi buồn khiến bạn cứ dậm chân tại chỗ. Thương thân trách phận không tốt đẹp gì đâu, đau buồn là lẽ tự nhiên nhưng cần phải vượt qua rồi bước tiếp và nó phụ thuộc vào việc bạn có chấm dứt cơn nghiện được hay không. Giống như những thói ham mê khác, trước tiên bạn phải xác định được vấn đề, sau đó đưa ra quyết định.
Thay đổi tư duy, tạm biệt nỗi ám ảnh và cái vòng suy nghĩ luẩn quẩn. Nhắc nhở bản thân buồn thế là đủ rồi.
Tìm kiếm sự giúp đỡ. Bạn có thể đang ở ranh giới của trầm cảm, nhận ra nó và nhờ tới các chuyên gia sẽ khiến mọi chuyện khác đi.
Từ bỏ ý nghĩ rằng chỉ một thứ trong đời có thể làm bạn hạnh phúc. Một mối quan hệ, một công việc, một sự nghiệp, một gia đình: không thứ gì chịu trách nhiệm duy nhất giúp bạn giải sầu cả. Chắc chắn chúng khiến bạn hạnh phúc trong một thời gian nhất định nhưng cuộc sống phức tạp và đa dạng hơn thế. Kỳ vọng tìm điểm cân bằng tất cả các yếu tố đó để đạt được trạng thái mãn nguyện hài lòng, với đỉnh của hạnh phúc và vâng, đáy của nỗi buồn.
Hãy coi trọng những cảm xúc khác biệt nhưng học cách đặt chúng đúng lúc đúng chỗ. Đừng để bản thân chìm trong buồn bã và tự kỷ. Hãy dám bước ra khỏi vùng an toàn để theo đuổi hạnh phúc, nó sẽ không đến khi bạn vẫn đứng yên.
Dám sống một đời có thăng có trầm sẽ vui vẻ và trọn vẹn hơn một đời vô vị mắc kẹt trong sầu lo mãi mãi.
– Theo Bùi Thảo –