Trên đời này có rất nhiều người bình thường, lý do khiến họ không trở nên “đặc biệt” không phải vì họ không đủ tài năng mà vì họ thực sự lười biếng.
Trong thời đại ngày nay, hầu hết ai ai cũng mong muốn một cuộc sống như thế này: có nhiều tiền, chỗ làm việc gần nhà, quyền cao chức trọng nhưng trách nhiệm nhẹ nhàng; mong được ngủ đã đời rồi thức dậy, đếm tiền cho đến khi mỏi tay; cứ lễ Tết là có tiền thưởng, người ta tăng ca còn mình tăng lương, sống nhàn nhã đến cuối đời.
Đây là sự thoải mái mà bao người khao khát, nhiều người còn coi trạng thái sống này là mục tiêu. Tuy nhiên trên thực tế, đây là lười biếng, cũng được gọi là không làm mà hưởng.
Bạn nghĩ rằng đó là sự nghỉ ngơi nhưng thực tế đó là sự buồn chán. Trạng thái sống này làm hao mòn đi tính cách của bạn, làm tiêu tan hy vọng và khiến đầu óc bạn ngày càng rỗng tuếch, hạn hẹp. Khi bạn mất đi phương hướng, bạn hoang mang hơn về cuộc sống và sống vất vơ vất vưởng như một cái xác vô hồn.
Đây cũng là hiện trạng của những người tầm thường trên thế giới: họ thích nhàn hạ, lười làm việc và mơ tưởng về những điều mình mong muốn. Nhưng cuối cùng, họ thường chẳng đạt được gì.
Ngược lại, cũng có nhiều người bình thường nhưng chăm chỉ, tận tâm với công việc và tạo ra nhiều ra trị cho tập thể và xã hội. Từ đó, họ có được sự công nhận của tất cả mọi người.
Có một “quy tắc 10.000 giờ” nổi tiếng: 10.000 giờ luyện tập là điều kiện cần để bất kỳ ai cũng có thể từ một người bình thường trở thành bậc thầy. Để trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó, bạn cần 10.000 giờ. Nếu bạn làm việc 8 giờ một ngày, 5 ngày một tuần, thì phải mất ít nhất 5 năm để trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực. Điều khiến một thiên tài trở nên phi thường trong mắt mọi người không phải là tài năng vượt trội mà chính là sự nỗ lực không ngừng của họ.
Danh họa Leonardo da Vinci là một người như thế. Ông bắt đầu vẽ tranh bằng trứng từ khi còn rất nhỏ. Ngày qua ngày, năm này qua năm khác từ khổ luyện mà có được kỹ năng xuất chúng. Vì thế mà sau này, ông đã cho ra đời hoàng loạt bức họa nổi tiếng thế giới, một trong số đó là tuyệt tác “Mona Lisa” khiến cả thế giới ngã mũ thán phục.
Do đó, những người bình thường có thể tạo ra kỳ tích miễn là họ sẵn sàng bỏ công sức.
Ở một góc độ khác, nếu một người sẵn sàng dành thời gian, bỏ công sức để thực hiện một công việc hay khổ luyện một kỹ năng nào đó thì người đó chính là người phi thường trong những người bình thường.
Đây chính là sự khác biệt giữa tầm thường và bình thường: Chúng ta có thể bình thường, nhưng không thể tầm thường!
Người có tài sợ nhất sự kiêu ngạo, người kém tài sợ nhất sự lười biếng. “Kiêu căng” và “lười biếng” ở đây cũng phản ánh đức hạnh của một người. Vì vậy, suy cho cùng, không cần biết một người có tài năng hay không, chính “phẩm đức” của họ sẽ quyết định họ có thành công hay không!
– Theo zhuanlan.zhihu/Ánh Lê –