Hôm nay, Rigo sẽ chia sẻ với các bạn một số bí quyết để đọc nhanh hơn, hiệu quả và tiếp thu tốt hơn.
Một ngày chỉ có 24 giờ, trong khi thời gian nghỉ ngơi, làm việc, di chuyển…là không thay đổi. Vì vậy, để có nhiều hơn cho mình những phút giây thư giãn, đọc sách, trao dồi kiến thức…thì chúng ta cần phải đọc nhanh hơn, tiếp thu và ghi nhớ tốt hơn.
- Đọc kết luận trước
Chúng ta đã biết nguyên tắc 80/20: một quyển sách thì thường có 20% tổng số từ chứa đựng những thông tin quan trọng, còn 80% tổng số từ còn lại chúng ta có thể bỏ qua. Vì vậy, chúng ta có thể đọc kết luận trước để xem nội dung chính của chương đó, đoạn đó nói về vấn đề gì để khi đọc lướt trở lại sẽ dễ dàng nắm bắt được nội dung chương đó, đoạn đó đề cập. Hoặc cũng có thể kết luận đó mình đã biết thì ta có thể đọc phần tiếp theo mà không mất thời gian tìm hiểu lại nội dung đó nữa.
- Sử dụng highlighter
Khi đọc sách, dùng bút đánh dấu highlighter là cực kỳ hữu ích vì ta có thể dễ dàng làm nổi bật nội dung chính của cuốn sách, những phần được đánh dấu đó được coi là “khung xương sườn” tạo nên toàn bộ nội dung của cuốn sách. Bạn có thể sử dụng nhiều màu với cấp độ khác nhau thể hiện mức độ quan trọng và sự phân cấp nội dung của cuốn sách.
Sau khi bạn sử dụng highlighter, nếu bạn cần đọc lại, tìm nội dung liên quan hoặc tổng kết quyển sách đó bằng sơ đồ tư duy là việc vô cùng đơn giản phải không nào?
- Sử dụng mục lục
Không phải ngẫu nhiên mà tất cả các quyển sách, các tập san, các tài liệu chuyên đề…đều có mục lục và đầu tư cho mục lục rất nhiều công sức. Bởi vì nó thể hiện được nội dung chính, các ý chính của cuốn sách. Nhìn mục lục thì chúng ta sẽ có được cảm nhận ban đầu về nội dung tài liệu và bạn cũng có thể xác định được việc có nhất thiết phải đọc toàn bộ nội dung được viết ra hay không.
- Chủ động trong việc đọc
Đây là vấn đề liên quan đến niềm tin. Bạn đừng nghĩ là mình “bị” đọc hoặc “phải” đọc một quyển sách hoặc một vấn đề gì. Mà bạn phải suy nghĩ là mình “được” đọc sách này, đặt kỳ vọng và mục tiêu vào việc đọc: mình sẽ đạt được gì khi đọc quyển sách này, mình sẽ mong muốn tiếp thu những gì và bạn sẽ tìm thấy niềm vui, động lực khi đọc chúng.
Reading isn’t something you’ll automatically have fun doing unless you put in the effort to find things you want to read. (Đọc sách không phải là điều làm bạn tự vui vẻ trừ khi bạn nỗ lực tìm những thứ bạn muốn đọc).
- Đừng cố gắng đọc từng từ
Đọc từng từ làm cho tốc độ đọc của bạn chậm lại rất nhiều, mức độ tiếp thu kiến thức do cách đọc đó mang lại hiệu quả không cao.
Do đó, thay vì đọc từng từ một, các bạn hãy đọc theo cụm từ, đọc bằng tầm nhìn ngoại vi của mắt, vùng quét của mắt rộng ra, nắm bắt những ý chính sẽ tốt hơn, thông tin và nội dung sẽ rành mạch và rõ ràng hơn.
Bạn có thể dùng cây bút hoặc một vật gì đó làm vật dẫn, để tốc độ đọc nhanh hơn và cho mắt quen dần với cách đọc “tốc độ” cao.
- Viết phản hồi của người đọc.
Trong khi đọc, hãy ghi ra những ý chính hoặc dùng giấy nhớ với mỗi đoạn bạn đọc. Những nội dung đó có thể là những ý chính của cuốn sách hoặc có thể là ý kiến của bạn về một nội dung nào đó, một quan điểm hoặc một cách trình bày bạn chưa tán thành hoặc là cần thảo luận thêm…
Đây là một cách cực kỳ tích cực để đọc nhanh và tiếp thu kiến thức.
- Thảo luận những gì bạn đọc với những người khác
Hay nói cách khác, bạn cần phải có ý thức “vận chuyển” kiến thức.
Tức là khi bạn đọc được thông tin gì đó hay, hữu ích. Bạn nên thảo luận, kể lại hoặc giải thích với người khác hoặc là bạn hãy viết ra. Làm như vậy không chỉ giúp bạn nhớ lâu mà còn là một cách để mình hiểu sâu sắc vấn đề được đề cập đến trong quyển sách hơn.
Ví dụ mình hay chia sẻ nội dung tóm tắt quyển sách hay với bạn bè hoặc người thân mà có chung sở thích đọc sách hoặc thấy thông tin đó là hữu ích khi bạn bè gặp khó khăn. Qua trao đổi thì mình sẽ càng hiểu sâu sắc hơn vấn đề hoặc có khi giải thích xong mình lại “vỡ” ra “chân lý” mới mà trước đó mình chưa khám phá ra.
- Ghi lại các câu hỏi muốn được thảo luận trong khi đọc.
Có rất nhiều điều mới mẻ cần bạn khám phá, chờ bạn “khai sáng”. Không ai có thể đọc hiểu 100% một quyển sách mới ở ngay lần đọc đầu tiên. Vì vậy, bạn có thể vừa đọc vừa ghi lại các câu hỏi mà mình thắc mắc, cần có lời giải đáp để các phần sau mình sẽ tìm ra được câu trả lời hoặc trao đổi với bạn bè hoặc là lần đọc tiếp theo mình sẽ tập trung hơn vào phần nội dung đó.
Nó cũng chính là để giải đáp những câu hỏi 5W1H (5W1H là viết tắt từ các từ sau: What? (Cái gì?), Where? (Ở đâu?), When? (Khi nào?), Why? (Tại sao?), How? (Như thế nào?), Who? (Ai?))
Hy vọng một vài bí quyết mà mình giới thiệu ở trên sẽ giúp các bạn tận dụng được khoảng thời gian eo hẹp của mình để đọc sách được nhiều hơn, tiếp thu kiến thức mà quyển sách mang lại tốt hơn và hơn thế là ứng dụng được vào thực tế một cách linh hoạt nhất.
Nếu thấy hay và có ích, mọi người hãy chia sẻ những bí quyết này cho bạn bè và những người xung quanh cùng biết nhé.