Combo Sách Mỗi ngày là một niềm vui

Bất kể bạn đang trải qua khoảng thời gian khó khăn trong công việc, hay chỉ tạm hài lòng với cuộc sống hiện tại, hãy nhận lấy một chút lạc quan và hạnh phúc từ những cuốn sách mà Rigo.vn gợi ý dưới đây cho bạn nhé!

1 – Gieo Trồng Hạnh Phúc – Thích Nhất Hạnh

Chánh Niệm là nguồn năng lượng tỉnh thức đưa ta trở về với giây phút hiện tại và giúp ta tiếp xúc sâu sắc với sự sống trong mỗi phút giây của đời sống hằng ngày. Chúng ta không cần phải đi đâu xa để thực tập chánh niệm. Chúng ta có thể thực tập chánh niệm ngay trong phòng mình hoặc trên đường đi từ nơi này đến nơi khác. Ta vẫn có thể tiếp tục làm những công việc ta thường làm hằng ngày như đi, đứng, nằm, ngồi, làm việc, ăn, uống, giao tiếp, chuyện trò… nhưng với ý thức là mình đang làm những công việc ấy.

Hãy tưởng tượng ta đang ngắm mặt trời mọc với một số người. Trong khi những người khác đang thưởng thức khung cảnh đẹp đẽ ấy thì ta lại “bận rộn” với những thứ trong đầu mình. Ta bận rộn và lo lắng cho những kế hoạch của ta. Ta nghĩ về quá khứ hoặc tương lai mà không thực sự có mặt để trân quý cơ hội đó. Thay vì thưởng thức cảnh đẹp của buổi bình minh, ta lại để cho những khoảnh khắc quý giá ấy trôi qua oan uổng.
Nếu quả thực như vậy, ta có thể sử dụng một phương pháp khác. Mỗi khi tâm ta đi lang thang thì ta kéo tâm về và tập trung tâm ý vào hơi thở vào – ra. Thực tập hơi thở ý thức giúp ta trở về với giây phút hiện tại. Thân tâm hợp nhất, ta sẽ có mặt trọn vẹn để ngắm nhìn, quán chiếu và thưởng thức khung cảnh đẹp đẽ ấy. Bằng cách trở về với hơi thở, ta lấy lại được sự mầu nhiệm của buổi bình minh.

Chúng ta thường quá bận rộn đến nỗi quên mình đang làm gì, hoặc có khi ta quên mình là ai. Thậm chí có người quên mất là mình đang thở. Ta quên nhìn những người thương của ta và trân quý sự có mặt của họ, cho đến một ngày họ đi xa hay qua đời ta mới thấy hối tiếc. Có khi rảnh rỗi đi nữa, ta cũng không biết cách tiếp xúc với những gì đang xảy ra trong ta. Vì vậy ta mở ti vi lên xem hoặc nhấc điện thoại gọi cho ai đó. Ta nghĩ làm như thế là ta có thể trốn thoát được chính mình.

Ý thức về hơi thở là tinh yếu của chánh niệm. Theo lời Bụt dạy, chánh niệm là nguồn suối phát sinh hỷ lạc. Hạt giống chánh niệm có trong mỗi chúng ta nhưng thường thì ta quên tưới tẩm hạt giống đó. Nếu biết cách nương vào hơi thở, nương vào bước chân của mình, chúng ta có thể tiếp xúc được với những hạt giống an lành ấy và cho phép chúng biểu hiện. Thay vì nương vào những ý niệm trừu tượng về Bụt, về Chúa hoặc về Allah, chúng ta có thể tiếp xúc được với Bụt, với Chúa trong từng hơi thở và bước chân của mình.

Điều này nghe có vẻ dễ dàng và ai cũng có thể làm được, tuy nhiên đòi hỏi ở chúng ta một sự tập luyện. Quan trọng là tập dừng lại. Dừng lại như thế nào? Dừng lại bằng hơi thở vào ra và bước chân của mình. Vì vậy pháp môn căn bản của chúng ta là hơi thở ý thức và bước chân chánh niệm. Nếu nắm vững những pháp môn này, chúng ta có thể ăn, uống, nấu nướng, làm việc, lái xe… trong chánh niệm. Và chúng ta luôn luôn an trú trong giây phút hiện tại, bây giờ ở đây.

Thực tập chánh niệm (smrti) đưa đến định (samadhi) và định đưa đến tuệ (prajna). Tuệ giác mà ta đạt được từ sự thực tập chánh niệm có khả năng giải phóng chúng ta ra khỏi những tình trạng sợ hãi, lo âu, tuyệt vọng và đem lại hạnh phúc đích thực cho ta. Chúng ta có thể sử dụng những đối tượng đơn giản như bông hoa để thực tập chánh niệm. Khi cầm bông hoa trong tay, chúng ta ý thức về bông hoa. Hơi thở vào ra giúp ta duy trì ý thức. Thay vì để cho những suy nghĩ trấn ngự hoặc lôi kéo, ta trở về có mặt cho bông hoa và thưởng thức vẻ đẹp của bông hoa. Định lực sẽ trở thành nguồn suối phát sinh niềm vui trong ta.

Để thưởng thức trọn vẹn những món quà mà cuộc sống ban tặng, chúng ta phải thực tập chánh niệm trong mọi lúc, mọi nơi dù đang đánh răng, chuẩn bị thức ăn sáng hay lái xe đi làm. Mỗi bước chân, mỗi hơi thở có thể là một cơ hội đem đến cho ta niềm vui và hạnh phúc. Cuộc sống đầy dẫy khổ đau. Nếu không đủ hạnh phúc, ta sẽ không chăm sóc được nỗi khổ đau và tuyệt vọng của mình. Chúng ta hãy thực tập với tinh thần nhẹ nhàng thư thái, với tâm hồn rộng mở bao la và với một trái tim sẵn sàng lắng nghe, chấp nhận. Thực tập là để nuôi lớn hiểu biết chứ không phải để phô trương hình thức. Có chánh niệm, ta có thể nuôi lớn được niềm vui trong ta, giúp ta xử lý tốt hơn những khó khăn thách thức trong cuộc sống và biết cách chế tác tự do, an lạc, thương yêu trong mỗi chúng ta.

2 – Mỗi Ngày Trọn Một Niềm Vui – Nansen Osho

Cuốn sách “Mỗi ngày trọn một niềm vui” chứa đựng 90 nguyên tắc của một nhà sư trụ trì người Nhật Bản nhằm giúp độc giả có suy nghĩ tích cực, từ đó cuộc sống trở nên hạnh phúc hơn. Các nguyên tắc đều rất ngắn gọn, giản dị, dễ hiểu và dễ áp dụng. Độc giả có thể lật bất cứ trang nào và bắt đầu đọc từ đó. Cứ qua mỗi một trang, cuộc sống lại trở nên dễ chịu hơn một chút và khi đọc xong, có lẽ chúng ta sẽ nhẹ nhõm hơn rất nhiều.

“Là một người con của Phật giáo, từ Tứ nhiếp pháp, Lục ba la mật và những điều mà Đức Phật gửi gắm tới nhân sinh, tôi sẽ chia sẻ với bạn đọc ý nghĩa Mười Đức theo cách hiểu cũng như quy tắc của bản thân tôi.

‘Hành’ – Không ai làm cả. Nên mình phải làm

‘Bố thí’ – Hãy cho đi trước khi nhận lại

‘Ái ngữ’ – Sử dụng từ ngữ tích cực, khuyến khích, hướng về tương lai

‘Lợi hành’ – Vì mọi người, vì cuộc sống, vì thế giới

‘Đồng sự’ – Biết cảm thông, đồng cảm, cảm kích

‘Trì giới’ – Sống tuân theo quy tắc

‘Nhẫn nhục’ – Cho dù có bị chèn ép, bị cản trở cũng không được chùn bước, bỏ cuộc

‘Tinh tiến’ – Mỗi ngày lại trưởng thành hơn một chút so với ngày hôm qua

‘Thiền định’ – Tạo ra một khoảng thời gian yên tĩnh để tĩnh tâm

‘Trí huệ’ – Trưởng thành tới khi chết đi, ủng hộ tới khi chết đi

Nhìn những gì phía trên, sẽ có người cho rằng, ‘Cái gì thế? Đây toàn là những gì mà bình thường chúng ta vẫn làm mà’. Tôi không nói những lời này với tư cách là trụ trì của một ngôi chùa. Tôi cố gắng làm việc vì người khác, tôi luôn trăn trở làm sao để giải thích nội dung cho bạn đọc dễ hiểu nhất, để những gì trong cuốn sách đều là những gì mà bạn đọc vẫn thường nghe thấy, thường nhìn thấy trong cuộc sống, cùng tìm hiểu xem rốt cuộc nó được thực hiện như thế nào. Điều đó có nghĩa là, cho dù bạn là ai, học vấn của bạn ra sao, bạn vẫn có thể lý giải và áp dụng lời răn của Đức Phật vào cuộc sống. Chỉ cần nhận ra được điều này, trái tim của bạn cũng sẽ mạnh mẽ hơn. Với cách nghĩ như vậy, hi vọng bạn có thể sử dụng mười chuẩn mực đạo đức giống như trên.

Chúng ta, những người được ban tặng sự sống trong thế giới này, nhất định phải có một vai trò nào đó. Và sống có nghĩa là làm sống lại sinh mệnh đã được ban tặng ấy. Hãy sống một cuộc sống vui vẻ hơn, hạnh phúc hơn, sống hết mình với sinh mệnh của bản thân.”

3 – Pháp Môn Hạnh Phúc – Đại Sư Tinh Vân

Đây là những bài nói của thầy Tinh Vân về vấn đề “Pháp môn hạnh phúc”, và cũng là nhan đề của tập sách mà bạn đọc đang có trong tay, một tập sách trình bày quan điểm của tác giả về những vấn đề quan trọng của cuộc sống thường ngày của kiếp người trong xã hội ngày nay.

Sách chia làm bốn phần: Phần thứ nhất trình bày về sự nghiệp, tức những gì liên quan đến đời sống của mỗi cá nhân trong xã hội; phần thứ hai nói về sự sinh hoạt, tức những điều mà con người thường gặp phải trong cuộc sống hằng ngày; phần thứ ba bàn về cuộc đời, tức những việc liên quan đến sự giao tế, đối xử cùng những biện pháp giải quyết; phần thứ tư trình bày vấn đề tinh thần, đây là phần tương đối đi sâu vào triết lý Phật giáo, giúp người đọc bước đầu làm quen với những khái niệm về Phật pháp. Tất cả các nội dung trên được tác giả trình bày một cách mạch lạc, có lý luận, có thực tiễn, đặc biệt là những thực tiễn của chính cuộc đời tác giả, nên qua đó, người đọc phần nào cũng hiểu được hành trang của tác giả, một con người suốt đời cống hiến cho Phật pháp, tất cả vì hạnh phúc của nhân sinh.

Với tinh thần thực sự cầu thị, người dịch đã cố gắng chuyển tải các nội dung trên bằng ngôn ngữ tiếng Việt nhằm giúp bạn đọc hiểu biết thêm một số khía cạnh của hạnh phúc nhân sinh qua lời của một vị đại sư từng đi hoằng pháp nhiều nơi, từng tiếp xúc nhiều hạng người, từng thông hiểu sâu sắc Phật pháp, từng sống cuộc đời đạo hạnh, đặc biệt là từng trải qua những khó khăn vấp ngã, những chê trách phỉ báng trong cuộc đời tu hành của mình.

4 – Bàn Về Hạnh Phúc – Matthieu Ricard

Tất cả chúng ta đều khát khao hạnh phúc, song làm cách nào để có được, giữ gìn nó và thậm chí để định nghĩa nó? Trước câu hỏi mang đầy tính triết lý đang bị giằng xé giữa chủ nghĩa bi quan và thái độ giễu cợt trong tư tưởng phương Tây này, Matthieu Ricard đã mang lại lời giải đáp của đạo Phật: một câu trả lời rất khắt khe, song làm chúng ta yên lòng, lạc quan và ai cũng có thể chấp nhận được.

Thôi tìm hạnh phúc bằng mọi giá ở bên ngoài mình, học cách nhìn vào bên trong nhưng tự ngắm mình ít hơn một chút, làm quen với một cách tiếp cận thế giới vừa sâu sắc hơn, vừa vị tha hơn…

Với một tâm hồn phong phú bởi hai nền văn hóa,với những cuộc gặp gỡ với những nhà minh triết lớn, với sự hiểu biết kinh sách linh thiêng cũng như nỗi thống khổ của con người, Mathieu Ricard – nhà tu hành Phật giáo được nhiều người biết đến nhất và nổi tiếng nhất về đạo Phật tại Pháp – chia sẻ với chúng ta trong cuốn sách này những suy ngẫm say mê về con đường tìm kiếm chân hạnh phúc và những phương pháp để đạt được nó.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *