5 chiến lược giao tiếp giúp bạn ăn điểm trong mắt bất cứ ai

 
Không phải quần áo, giày dép, hay phụ kiện đắt đỏ, ngôn ngữ cơ thể mới là yếu tố thiết yếu làm toát lên sự tự tin của bạn và tạo ấn tượng đẹp trong mắt người khác.
 
Dưới đây là 5 chiến lược giao tiếp có thể giúp bạn ăn điểm trong mắt bất cứ ai, được chia sẻ bởi tác giả, diễn giả Catherine Molloy trong cuốn sách “Cái bắt tay triệu đô” (tựa gốc “The Million Dollar Handshake”).
 
1. Thẳng lưng, ngẩng cao đầu, miệng cười tươi
 
Đó là những tín hiệu không lời tích cực nhất mà ai cũng nên có khi xuất hiện chốn đông người, nhất là trong những lần gặp gỡ đầu tiên. Theo tác giả, bạn cần tránh khòm lưng, cúi gằm mặt ủ rũ… nếu không muốn người khác có cái nhìn tiêu cực về mình.
 
Biểu cảm trên gương mặt cũng cực kỳ quan trọng. “Hãy để ý những biểu hiện trên gương mặt bạn cũng như cách người khác hiểu về chúng”, tác giả của “Cái bắt tay triệu đô” khuyên.
 
Đặc biệt, khi đang nghe người khác nói chuyện, trình bày, bạn nên nghiêng đầu về phía họ, mỉm cười, gật đầu tỏ ý khích lệ để họ hiểu rằng bạn đang lắng nghe chăm chú. Một gương mặt không cảm xúc, nghiêm nghị (mà nhiều người thường vô thức biểu lộ khi đang tập trung), lại thường khiến người khác bối rối, họ không biết bạn có đang quan tâm điều họ nói hay không.
 
Trong cuốn sách, tác giả không chỉ dừng lại ở ánh mắt, nét mặt, cử chỉ, cái bắt tay, dáng điệu và tư thế, mà còn đề cập tinh tế đến giọng nói và hơi thở, khoảng cách của bạn với người đối diện, sự đụng chạm khi trò chuyện…
 
Bên cạnh đó, Catherine Molloy còn bật mí rằng việc khéo léo điều chỉnh ngôn ngữ cơ thể của bạn sao cho “khớp” với đối phương có thể giúp bạn dễ có được thiện cảm hơn. Chẳng hạn, khi cả hai đang ngồi đối diện, nếu họ ngả người ra sao thì lát sau bạn có thể kín đáo làm y như vậy. Hoặc, khi họ nghiêng đầu sang trái thì bạn cũng nghiêng đầu sang phải. “Chẳng mấy chốc, họ sẽ cảm thấy bạn có điểm gì đó rất đáng mến và dễ nói chuyện”, Catherine Molloy cho biết.
 
Thế nhưng, vị chuyên gia cũng lưu ý thêm: “Hãy nhớ là bạn chỉ nên phản chiếu những cử chỉ mà bạn thấy tự nhiên chứ đừng cố gắng bắt chước, hay nói cách khác là chỉ cần hoà cùng một nhịp với họ”.
 
2. Tỉnh thức khi tương tác
 
Tỉnh thức có nghĩa là tỉnh táo và ý thức được những chuyện đang diễn ra xung quanh mình. Đây là một tư duy quan trọng cho bất cứ cuộc trò chuyện nào, và Catherine Molloy dành riêng một chương trong sách cho chủ đề này.
 
“Chúng ta cần ‘tỉnh thức’ khi chào hỏi người khác để thật sự kết nối với họ ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên”, cô nói. Chẳng hạn, trong cái bắt tay lần đầu, nếu bạn nhìn vào mắt họ trong vài giây và mỉm cười, người ta sẽ cảm thấy đang được coi trọng và quan tâm. Còn nếu bạn nhìn đi chỗ khác, nhìn người kế tiếp hoặc bắt tay qua loa, ấn tượng sẽ hoàn toàn ngược lại.
 
Ngoài ra, hãy “có mặt trọn vẹn” khi nghe người khác nói chuyện. Họ có nhấn mạnh nội dung nào không? Giọng điệu của họ cho bạn biết điều gì? Ngôn ngữ cơ thể nói gì về cảm xúc của họ? Nếu tập trung, bạn sẽ trở nên nhạy cảm hơn, có thể “nghe” được những điều không được nói ra, và thu lượm được những chi tiết đáng giá hơn hẳn người lắng nghe hời hợt.
 
Việc thật sự chú tâm trong cuộc gặp còn giúp bạn đặt ra những câu hỏi hay. “Khi bạn đặt câu hỏi, đối phương sẽ biết bạn có lắng nghe và có quan tâm đến những gì họ nói. Bạn cũng có thể tóm tắt nội dung họ vừa nói để chứng tỏ bạn thật sự đã tập trung vào cuộc đối thoại”, Catherine Molloy cho hay.
 
3. Đọc vị cách hành xử của người khác
 
Đối phương thích đám đông vây quanh mình hay thoải mái hơn với những cuộc nói chuyện 1 – 1? Họ nghĩ gì nói nấy hay suy nghĩ thận trọng trước khi bày tỏ quan điểm? Họ thích tán gẫu hay muốn đi thẳng vào vấn đề? Họ thích nói về chủ đề gì? Họ thường ra quyết định ngay hay cần thời gian?
 
Tất cả chúng ta đều có những phong cách hành vi và cách hành xử đặc trưng. Theo Molloy, khi hiểu và nương theo cách người khác thường hành xử, bạn sẽ dễ dàng làm họ thấy thoải mái, từ đó đạt được những kết quả như ý trong giao tiếp và thoả thuận.
 
4. “Bất nhiễm” với năng lượng bực bội, tiêu cực
 
Sự tích cực hay tiêu cực của một người có liên hệ mật thiết với ngôn ngữ cơ thể của họ, thông qua đó tác động đến những người xung quanh. “Có lẽ bạn cũng từng gặp phải tình huống mà bầu không khí trong phòng đang yên tĩnh và thoải mái bỗng trở nên hết sức ngột ngạt chỉ vì có ai đó bước vào”, Molloy ví dụ trong “Cái bắt tay triệu đô”.
 
Những cảm xúc tức giận, uể oải, buồn bã, chán nản… có thể “rò rỉ” ra ngoài, thông qua nét mặt, cử chỉ, và dù họ không nói ra, người tiếp xúc với họ sẽ vô thức bị ảnh hưởng bởi sự tiêu cực mà họ thể hiện. Như một nhân viên chăm sóc khách hàng rất có khả năng trở nên bực bội nếu họ phải đón tiếp một khách hàng cáu gắt, giận dữ.
 
Lời khuyên của Molloy, trước tiên, là đừng để bản thân ảnh hưởng đến mọi người theo cách đó, và tiếp theo, cũng đừng để người khác tác động tiêu cực như vậy lên bạn. “Đừng để cơn thịnh nộ hay cảm xúc của họ khiến bạn chán nản hay bực bội”, cô nhấn mạnh, “Hãy thường xuyên luyện tập lối tư duy này, bạn sẽ thấy nó ngày càng dễ áp dụng”.
 
Như chính Molloy, nếu gặp những người có năng lượng tiêu cực, sau khi Molloy tự điều chỉnh cảm xúc của bản thân, cô thường dành thời gian để giúp đối phương cảm thấy thoải mái hơn, rồi cô mới bắt đầu thảo luận công việc.
 
5. Tư duy thiện chí
 
Cuối cùng, không có chiến lược hay thủ thuật nào quý giá hơn một tư duy tôn trọng, tích cực mà bạn dành cho từng người mình gặp gỡ. “Xác định những ưu điểm nổi bật của mọi người. Đừng phán xét động cơ của họ. Đừng suy diễn quan điểm của họ mà hãy tỉnh táo nhìn nhận”, Molloy khuyên.
 
Một thái độ thấu cảm, kiên nhẫn và thiện chí từ tận đáy lòng sẽ cộng hưởng với ngôn ngữ cơ thể và tạo nên ấn tượng tuyệt vời, giúp bạn bước đầu xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp và các hợp tác, thành tích mỹ mãn trong tương lai.
 
Catherine Molloy là chuyên gia giao tiếp kiêm diễn giả quốc tế về thuật lãnh đạo và kỹ năng bán hàng. Với 25 năm kinh nghiệm trong mảng kinh doanh, đào tạo và điều phối, Catherine đã đào sâu nghiên cứu về giao tiếp và ngôn ngữ cơ thể, cô sở hữu chứng chỉ thực hành Lập trình ngôn ngữ tư duy, đồng thời sáng lập và điều hành công ty đào tạo kỹ năng giao tiếp.
 
– Theo Thảo Thảo –

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.