Ngồi yên và dừng lại
Theo Thiền sư Thích Nhất Hạnh, thực tập tỉnh giác dễ và không mất công, cũng như ngâm đậu vào nước. “Không cần đẩy nước vào hạt đậu,” Thầy nói với tôi như vậy. “Chỉ cần bỏ đậu vào nước và nước sẽ từ từ ngấm vào đậu. Qua đêm hạt đậu sẽ nở và mềm ra. Ta cũng như hạt đậu và tỉnh giác giống như nước. Phép thực tập là nhẹ nhàng đem tâm về với thân. Mọi căng thẳng sẽ từ từ tan biến, tỉnh giác sẽ tăng trưởng và sự vật sẽ rõ ràng.” Khó mà cảm nhận được mình như một hạt đậu trong nước khi đang bận việc! Mặc dù tôi không ưa phải chậm lại, dù chỉ trong chốc lát, nhưng tôi đã khám phá ra rằng dừng lại giúp ích rất nhiều. Tôi không nói dừng lại trong một trạng thái siêu hình xa xăm mà chỉ là để cho cơ thể dừng lại. Nếu đang đi thì dừng lại có nghĩa là ngừng bước, đứng yên hay ngồi xuống. Nếu đang nói thì dừng lại có nghĩa là ngừng nói. Nếu đang làm việc thì dừng lại có nghĩa là ngừng tay và không tỏ ra là đang bận rộn. Nếu dọn dẹp, nấu nướng thì ngồi xuống mà không có sách báo, bài vở hay tranh ảnh trên tay.
Tôi nhớ lúc còn nhỏ tôi theo mẹ đến thăm một người bạn của mẹ tôi bên Berkeley. Đến nơi chúng tôi gõ cửa nhưng không ai trả lời. Thấy cánh cửa hé mở, chúng tôi bước vào. Người bạn của mẹ tôi đang ngồi xếp bằng và nhắm mắt. Chúng tôi chờ một lát thì người ấy mở mắt chào và mỉm cười: “Tôi đang ngồi thiền”. Tôi thắc mắc suốt cả buổi hôm đó. Trên xe về nhà, tôi hỏi mẹ tôi: “Ngồi thiền là sao ạ? Có phải vì đang ngồi thiền mà bác ấy không nghe chúng ta gõ cửa không?” “Bác ấy có nghe nhưng tiếng gõ cửa lúc đó là ở đâu rất xa.” Câu trả lời này của mẹ tôi càng làm cho tôi băn khoăn. Bác ấy có mặt đó trong khi ngồi thiền hay là tâm trí bác ấy đang ở một nơi nào khác? Tại sao bác ấy ngồi như thế? Nếu có con ruồi đậu trên mũi, liệu bác ấy có biết không? Liệu bác ấy có quơ tay đuổi nó đi hay không? Dù gì đi nữa, việc bác ấy ngồi như thế đối với tôi là khó hiểu, kỳ quặc và tôi không muốn dính dáng tới chuyện ngồi thiền.
Tôi vẫn nghĩ như thế cho đến khi tôi làm việc cho Thầy. Tôi được cho biết tại sở làm, theo quy lệ, mỗi buổi sáng chúng tôi ngồi thiền 15 phút. Ngồi yên mà không có gì để đọc là một khoảng thời gian dài bất tận. Tuy nhiên, tôi cũng cố gắng ngồi thử, vả chăng tôi đang mang thai mệt nhọc, ngồi và nhắm mắt thẳng lưng như thế cũng được vài phút nghỉ ngơi.
Cả mười năm nay tôi bắt đầu buổi sáng làm việc như sau. Tôi và các đồng nghiệp ngồi thành vòng tròn và nhắm mắt. Một người sẽ thỉnh lên một tiếng chuông. Thỉnh chuông nghĩa là mời chuông. Không ai nói “đánh” chuông mà chỉ nói “thỉnh” chuông.
Chúng tôi ngồi nhắm mắt. Chúng tôi chỉ ngồi. Thỉnh thoảng có tiếng chuông điện thoại, tiếng ho, hay tiếng sột soạt. Tôi nghe những tiếng động ấy không phải từ đâu xa, mà chỉ là tiếng động đơn thuần của tiếng ho, tiếng sột soạt. Tôi muốn coi những buổi ngồi thiền này như được chợp mắt trong chốc lát bởi vì tôi hay bị mệt vào buổi sáng. Tuy nhiên tôi phải ngồi thẳng lưng. Trước kia tôi đã không mấy thích cách ngồi thiền như thế này và tự hỏi tại sao mình không nằm xuống cho khỏe. Nhưng ngồi thiền đã giúp tôi tinh tấn thực tập. Mỗi khi có một ý nghĩ dấy lên trong tôi thì ngồi thiền nhắc tôi để cho ý nghĩ đi qua như một cành khô trôi sông.
[…]Tôi không thể ngồi yên 15 phút mỗi buổi sáng nếu đó không phải là một phần công việc của tôi trong sở. Các con tôi không ngồi yên được vài phút trước bữa ăn nếu đó không là một phần sinh hoạt của gia đình. Tất cả các hoạt động hằng ngày như đánh răng hay tập thể dục là do thói quen năm này sang năm khác mà không cần mỗi lúc phải quyết định cho từng việc.
Bây giờ mỗi khi mở cửa xe, tôi trở về với hơi thở có ý thức không phải là vì tôi có chuyện gì bực mình hay tôi muốn thực sự có chánh niệm mà chỉ vì sau đó tôi lái xe thoải mái hơn. Về nhà khi mở cửa tôi cũng thở hơi thở có ý thức. Thực tập trong những trường hợp bình thường như thế giúp tôi nhớ để trở về với phút giây hiện tại trong những trường hợp khẩn trương hơn như khi con tôi giật tay áo tôi hay hét vào mặt tôi. Trong siêu thị hay đi ngoài đường, thỉnh thoảng tôi ngừng lại, thở và tưởng tượng có một em bé vỗ vai tôi và hỏi: “Mẹ có đó hay không?”
Không cần phải là một Phật tử hay là tín đồ của bất cứ đạo nào để ngồi thiền. Có rất nhiều Phật tử khắp thế giới không bao giờ ngồi thiền. Nhưng phải tìm cách chấm dứt hành động loay hoay và nói năng lảm nhảm. Dừng lại sẽ mang lại kết quả nhưng điều kiện cần thiết là dừng lại. Dẫu cho đang ngồi, đang đứng hay đang nằm, khi dừng lại là tạo điều kiện cho thân ta ghi nhận phút giây hiện tại. Có nhiều cách để tăng cường chú tâm khi dừng lại: đếm hơi thở, rà soát cơ thể hay đọc thầm một bài thi kệ ngắn. Tuy nhiên, thường thì dừng lại mà có ý thức là đủ. Dừng lại còn tạo cơ hội cho trí não bớt lăng xăng vì bị tràn ngập bởi chữ nghĩa. Trong trường hợp ấy tôi dùng bài thi kệ đơn giản của Thầy.
Thở vào, tôi biết tôi thở vào
Thở ra, tôi biết tôi thở ra.
Thân và tâm tôi hợp nhất một cách dễ dàng chỉ với hai dòng chữ đơn giản ấy. Giây phút hiện tại trước hết là hơi thở. Ý thức toàn thể vũ trụ được thể hiện chỉ qua một hơi thở vào ra.
– Trích ‘Một Triệu Khoảnh Khắc Hiện Tại’ – Rachel Neumann