Những việc không tên dài dằng dặc
Để đạt được một thành công nhỏ nào đó, như hoàn thành một cuốn sách của riêng mình; điểm IELTS cao như ý muốn; cơ thể khỏe khoắn, 6 múi cuồn cuộn; dậy từ 5 giờ sáng đều hơn vắt chanh để đọc sách, tìm kiếm tài liệu… rõ ràng đòi hỏi chúng ta cần phải đầu tư thời gian, chất xám và sự kiên trì.
Những điều này sẽ chẳng bao giờ đạt được nếu ta vẫn đang mải mê dành thời gian buổi sáng để trả lời email của người X, inbox Facebook của bạn Y, direct message trên Instagram của bạn Z.
Chẳng ai thích cảm giác có người khác đang chờ đợi mình đúng không? Đấy là lý do khiến buổi sáng khi bắt đầu làm việc, nếu ta thấy một loạt tin nhắn Facebook, một list email cần trả lời – ta thường có xu hướng “dọn dẹp” những thứ này trước tiên. Chúng ta tự an ủi bản thân mình là, dọn dẹp xong các thứ này rồi ta sẽ tập trung hơn cho công việc cần làm.
Vấn đề của cách tiếp cận trên chính là, ta đang dành ra thời gian hiệu quả nhất trong ngày của bản thân cho sự ưu tiên của người khác.
Nếu bạn dành cả buổi sáng để trả lời tin nhắn, khả năng là đều trưa hoặc đầu giờ chiều bạn mới xong để bắt đầu tập trung vào việc cần làm, và lúc này thì cơn buồn ngủ sẽ sầm sập lao tới. “Thôi để mai làm vậy,” – đa phần mọi người sẽ tự an ủi mình như thế.
Nhưng ngày mai lại xuất hiện một mớ inbox, email và vô số những việc nho nhỏ cần phải làm khác. Nếu cuộc sống bạn đang trải qua đúng như thế nào, bạn sẽ chỉ mãi mãi dành thời gian của mình cho những việc phát sinh, những việc theo yêu cầu của người khác mà thôi. Bạn sẽ chẳng bao giờ có thời gian để làm cho riêng mình nữa.
Ưu tiên việc mình trước, việc người sau
Một thói quen đơn giản mà bạn có thể tập ngay sau khi đọc bài viết này đó là thay đổi thói quen làm việc của bản thân, tập trung vào việc mình trước, việc người để sau. Có nghĩa là: bạn nên “khóa” hẳn một khoảng thời gian mỗi ngày dành cho việc gì mà bạn cần tập trung và cần dành thời gian nhất. Lúc đó nên tránh xa điện thoại, Facebook cũng như email (có thể là cả YouTube và Instagram nữa).
Tôi từng là một người nước đến chân mới nhảy. Việc thay đổi thói quen như thế này giúp tôi trở thành một người viết hiệu quả hơn. Ví dụ, tôi dành ra 2-3 tiếng vào sáng sớm cho việc viết sách và viết blog. Nếu được, tôi hạn chế họp vào buổi sáng – vì buổi sáng là thời gian hiệu quả nhất của bản thân. Vậy nên dù có vấn đề gì xảy ra, tôi đều đã ưu tiên để hoàn thành việc viết của mình rồi.
Đương nhiên là có rất nhiều lúc khi tôi đang tập trung và sẽ có người làm phiền hoặc có tin nhắn Facebook hoặc email đang chờ phản hồi lại. Nhưng tôi nghĩ đơn giản là, trả lời muộn một chút cũng không sao.
Khi làm việc theo cách này, tôi đang loại bỏ và giảm nhẹ đi những kì vọng và áp lực mà người khác vô tình đưa gánh lên vai. Nghe thì dễ vậy thôi, bạn sẽ cần cố gắng nhiều lắm để “tránh xa thế giới” đó, dù chỉ là một tiếng thôi. Ban đầu có thể bạn sẽ cảm thấy không thoải mái, hoặc người khác sẽ thấy buồn, khó chịu vì bạn không phải hồi lại họ. Nhưng tôi nghĩ là thà bạn làm một vài người buồn vì vài điều nhỏ, còn hơn là bỏ qua giấc mơ mình đang theo đuổi chỉ để dọn hết đống inbox, đúng không?
Sống trọn vẹn cuộc đời của mình
Tập trung làm việc và lúc năng lượng của mình lên cao nhất. Có một vài khoảng thời gian trong ngày mà bản thân chúng ta làm việc tốt nhất. Với phần lớn mọi người, đó là khoảng thời gian buổi sáng và cuối giờ chiều. Thời điểm này, bạn nên hạn chế tụ tập hẹn hò. Trong trường hợp chưa biết, bạn hãy dành ra 1 tuần hoặc 1 tháng ghi chép lại thời gian biểu của bản thân để hiểu tìm được đích xác “thời điểm vàng” trong ngày của bạn.
Kích hoạt “mỏ neo” sáng tạo. Khi làm việc vào những khung giờ hiệu quả như trên, bạn hãy cố gắng tạo ra cho bản thân một môi trường lặp đi lặp lại mỗi ngày. Ví dụ nghe cùng một kiểu nhạc, ngồi ở cùng một nơi, ngửi cùng một mùi – dần dần não ta sẽ quen và cứ gặp không gian đó là tích cực sáng tạo.
Lên danh sách ít thôi. Thường ta có xu hướng lập ra một to-do-list dài thật dài. Bí kíp ở đây là, bạn hãy tập cách viết tối đa 3 việc phải làm ngày hôm nay thôi. Nếu bạn cứ cố gắng thêm vào danh sách những việc cần làm nhiều, bạn sẽ chẳng bao giờ làm xong được cả. Điều này đồng nghĩa bạn sẽ chẳng bao giờ có động lực thôi thúc để làm việc và tận hưởng cảm giác hoàn thành việc gì đó.
Ghi lại thời gian. Bạn nên tập thói quen cho bản thân ghi lại các lịch hẹn, các việc mình đã làm và cần làm vào giấy, hoặc note trên điện thoại. Việc ghi lại này giống như ta rót từ não ra giấy, giúp ta ghi nhớ. Não ta sẽ có thời gian và không gian để nghiên cứu các việc khác kĩ càng hơn.
Có khung thời gian làm việc cụ thể. Kể cả bạn đang là một người làm việc tự do hay một bạn sinh viên vẫn đang tìm việc, hãy tự lên một khung thời gian làm việc cho bản thân mình. Bạn nên phân chia thời gian trong ngày ra cho những loại công việc khác nhau, ví dụ: việc cần sự sáng tạo tập trung, họp, việc giấy tờ hành chính, việc khác… Điều này giúp bạn phân bổ thời gian tốt hơn và đặc biệt phù hợp để giúp bạn tránh trở thành một người “nghiện việc”.
Hy vọng, mỗi chúng ta sẽ được sống trọn vẹn cuộc đời của mình – chứ không phải ưu tiên đi giải quyết, xử lý những kỳ vọng, gợi ý của người khác.
– Theo Lê Tuấn Anh –