TỪ TRIẾT HỌC ĐẾN TÂM LÝ HỌC
Vì sao mọi vướng mắc trong đời đều giải quyết được bằng tâm lý học
..
.
.
BA TRỤ CỘT CỦA TRIẾT HỌC TRONG SUỐT RẤT NHIỀU NGHÌN NĂM
.
👦 Hỏi: Anh kể về hành trình của anh đi?
Nó cũng thế thôi. Khi tôi tiếp xúc với tâm lý học, là bởi vì ban đầu tôi rất thích triết học. Có ba vấn đề rất nổi bật với triết học:
- •• Vấn đề thứ nhất là THẾ GIỚI QUAN – khái niệm này ghê lắm – bạn học triết học Marx-Lenin thì thấy nó tầm thường, thế giới quan là cái quái gì? Cái nhìn về thế giới, có gì đâu mà nói! Nhưng thế giới quan ở trong triết học, nó là một TỔNG THỂ. Toàn bộ sự sống, sự sống này bao gồm sự sống xã hội, tức là toàn bộ cách xã hội nhồi nhét vào đầu bạn; toàn bộ nội tâm của bạn; và toàn bộ những gì bạn được học suốt quá trình sống của bạn gọi là kinh nghiệm
KINH NGHIỆM, TRI THỨC, và BỐI CẢNH, ba nhân tố hợp thành thế giới quan và thế giới quan này lại có thể bị lay động bởi những nhân tố bên ngoài khác. Một lâu đài mà rút một viên gạch có thể làm sụp đổ nó nhưng nó có thể tồn tại đời đời thông qua vô số người và lâu đài thế giới quan còn liên quan đến nhau. Thế giới quan của tôi với bạn sau khi gặp nhau bắt đầu biến đổi sao cho nó khớp với nhau và nó ràng buộc lẫn nhau, dạng thế. Cho nên mới có những tập thể có cùng một thế giới quan là vì thế, tôi quay lại là, vấn đề thế giới quan nó hay ghê
- •• Vấn đề thứ hai là BẢN THỂ HỌC. Tức là có một cái gì đấy là chính nó. Bạn nghe thì bạn thấy nó rất bình thường, nhưng ở trong triết học người ta lại thấy hay thế này: KHÔNG CÓ GÌ LÀ CHÍNH NÓ CẢ. Hôm nay bạn gặp tôi, đi về bạn đã nghĩ khác rồi. Bạn uống cốc nước trong bạn cũng có phân tử thay đổi chứ. Không cái gì là trụ mãi như vậy
Nhưng trong triết học đặt ra một giả thiết là: có một bản thể học, có một bản thể LÀ CHÍNH NÓ CHỨ KHÔNG PHẢI LÀ CÁI KHÁC. Và nếu như đã nói một vật là chính nó, tức là nó sẽ KHÔNG BỊ TÁC ĐỘNG từ bên ngoài, không vì cái nhìn bên ngoài mà thay đổi. Cho nên người ta gọi cái sự vật chính nó này một tên gọi mà bạn sẽ rất quen thuộc, nó gọi là THẾ GIỚI KHÁCH QUAN
Thế giới khách quan tức là không vì cái lay động của bên ngoài mà nó biến đổi bản chất, mà sự thay đổi bản chất đến từ trong nó, bạn không thể chấp nhận khái niệm này tồn tại được. Khái niệm này là hoàn toàn vô nghĩa ở trong đời thực, trong cách nhìn đời thực. Nhưng trong triết học nó đặt ra đấy. Và tại sao nó đặt ra đấy, bởi vì thế này, chúng ta chỉ có thể nhìn nhận một vật dưới tư cách là một bản thể, không có cách khác
Bạn gọi Hằng là người yêu bạn, thì bạn chỉ có thể định nghĩa nó là người yêu thôi, và khi bạn thấy người yêu thay đổi mà bạn đau, bạn đau trái tim ghê “Tại sao em lại đối xử với anh, sao em nói với anh câu đấy, tại sao em lại nghĩ như mọi người thế, em nghĩ về anh như vậy?” Bạn hiểu cái này không? Bạn luôn luôn tư duy về mọi thứ xung quanh bạn như là một bản thể, mà điều này nó kì dị thế này, vậy thì bản chất của bộ não chúng ta có xu hướng CỐ ĐỊNH HÓA mọi thứ chứ không phải là hợp với trạng thái bên ngoài. Cho nên cái mà gọi là khách quan, nó chính là chủ quan. Nghe hơi lằng nhằng nhưng đại loại thế
👦 Hỏi: Cái này tương tự như bên thuyết tương đối ạ?
Không hẳn. Đây là vấn đề triết học thôi
- •• Cái thứ ba mà triết học rất quan tâm gọi là NHẬN THỨC HỌC hay gọi là NHẬN THỨC LUẬN – anthology. Anthology hay ở cái này, tất cả những cái gì mà bạn nhìn thấy là đều có một hệ thống các khái niệm để có thể bạn nhận thức nó. Mà thực ra nó là tất cả mọi thứ đều tồn tại dưới dạng một đối tượng nhận thức, chứ nó không tồn tại dưới dạng phi nhận thức. Tức là bạn nhận thức là cái cốc thì tôi có thể hỏi bạn là: “Cái cốc là cái gì?” – bạn bảo “Cái cốc nó đựng được nước ấy anh”. Vậy là bạn dùng “đựng được nước” định nghĩa cái cốc và bạn không thoát ra được cái này
Mọi thứ đều là một nhận thức luận. Ví dụ, có rất nhiều thứ nhận thức luận, chẳng hạn như khoa học về kinh doanh, đấy là một loại nhận thức luận. Bạn trói buộc hoàn toàn các quan niệm, cố định hóa nó vào dạng một bản thể. Bạn xác định một bản thể dưới dạng nhận thức, đấy chính là thế giới quan của bạn. Đấy là ba trụ cột của triết học trong suốt rất nhiều nghìn năm…
.
TRIẾT HỌC LÀ CỖ XE, TÂM LÝ HỌC LÀ XĂNG
Tôi rất thích triết học, tôi đọc đủ, đủ các loại triết lí về xã hội, tôn giáo, đủ thứ. Tôi thấy nó có một vấn đề, đấy là khi áp dụng nó, nó không đúng. Tức là nghe thì rất hay nhưng không áp dụng được. Nó thiếu một nền tảng, đấy là tâm lí học
Với tâm lí học, bạn có thể lấy năng lượng, tức là toàn bộ hệ thống triết học, xã hội học, hay là các ngành xã hội khác, nhân học hay nhân chủng học… nó là một CỖ XE, mà NĂNG LƯỢNG đổ đầy là TÂM LÍ HỌC. Nếu bạn hiểu về tâm lí học, bạn sẽ vận dụng được cỗ máy này. Bạn hiểu ý tôi không? Đây là cái xe máy mà còn thiếu xăng
Sau khi tôi học tâm lí học rất rõ, tôi bắt đầu hiểu hết các vấn đề về triết học ở mức của tôi thôi. Sau đấy tôi bắt đầu hiểu cách vận hành của các hệ thống khái niệm, của một thế giới các khái niệm
Ví dụ, khi ở trong một cơ quan hoặc một công ty, mọi người có một nguyên tắc là không bao giờ được nói xấu sếp. Bạn chỉ hiểu đấy là một nguyên tắc sống. Tức là từ góc độ cuộc đời, bạn hiểu đây là quy tắc của công ty và mình không nên xâm phạm thế này, nó cũng là đạo đức nữa. Nếu như ai làm trái điều này thì người ta là người không tốt, nhân viên này không phải nhân viên ổn. Xong khi nào tức quá thì mình chửi thầm chứ không dám chửi thẳng. Tất cả các thứ đó là một mớ bòng bong, bạn không giải quyết, bạn thấy nó rất bình thường
Nhưng trong con mắt của một người tư vấn như tôi chẳng hạn, nó không bình thường. Bởi vì bạn đặt ra một quy tắc theo kiểu thế giới quan, tức là ông chủ là nhất. Nhưng bạn không hề đặt ra quy tắc này, trong thế giới quan của tất cả mọi người đều không thống nhất ông chủ là nhất. Trong bản thể mọi người, ông chủ cũng không phải là nhất, ông chủ là một thằng ngu, và ông chủ chỉ là thằng cho chúng mình cơ hội làm ăn và cho tiền. Cuối cùng, trong nhận thức luận không hề cố định khái niệm liên quan đến ông chủ
Khi nhìn điều đấy, bạn biết không, con mắt nhìn của một người làm truyền thông nội bộ chuyên nghiệp sẽ thấy đấy là một doanh nghiệp không hề có truyền thông nội bộ, không hề có giá trị cốt lõi, không hề có cách thức làm sự gắn kết doanh nghiệp, và doanh nghiệp này có thể đánh mất bản thân nó bất cứ lúc nào
Thế phải đưa ra phương án, phương án là gì? Phương án phải dựa trên tâm lí học. Tức là nó nhận thức được cỗ xe này thiếu khuyết các phụ kiện, nó lắp các phụ kiện lại, nhưng nó cần một nền tảng tâm lí, mà liên quan đến chúng ta gọi là các hoạt động theo dạng team-leader, các hoạt động bồi dưỡng kĩ năng leader, dạng như thế. Văn hóa doanh nghiệp là bộ khung, nhưng đổ vào đấy phải là năng lượng tâm lí, nó phải là xung điện tâm lí. Mà nếu ông chủ không thấu hiểu được nhân viên, nhân viên không đồng cảm với gánh nặng của ông chủ, bạn sẽ không bao giờ có một sự liên kết cả. Bạn hiểu điều này không?
Bạn hiểu điều này này. Ông chủ giỏi đến đâu, nhân viên vẫn coi khinh được như thường. Nhưng bạn vẫn vẫn có thể làm cho một ông chủ rất bình thường mà ai cũng coi trọng, đúng không? Nếu bạn tạo được xung điện năng lượng đấy, nó mới lan truyền ra ngoài và kéo khách hàng tương tự năng lượng ấy đến. Đây chính là lĩnh vực của luật hấp dẫn
Tôi quay lại là, tâm lí học đổ cho tất cả, còn lại từ triết học, bạn nhìn nhận mọi thứ, bạn vẫn quanh quanh thế thôi. Nhưng bằng triết học, bạn mới biết là cái gì còn thiếu. Ví dụ, bạn lập một hợp đồng, hợp đồng này ghi Bên A, Bên B, Trách nhiệm bên A, Trách nhiệm bên B, Đền bù, Thực thi,… Sau khi bạn đọc xong hết tất cả các điều, bạn cảm thấy rất mệt mỏi, nhưng bạn không biết trong hợp đồng này thiếu ở đâu, nhưng nếu bạn bằng đầu óc của triết học, bạn mới xem xét
- Thứ nhất về mặt bản thể, gồm các bản thể, các trách nhiệm của bản thể, nghĩa vụ của bản thể, thực hiện bản thể, xong!
- Về nhận thức, Bên A Bên B nhìn nhận nhau thế nào, bạn soát lại phần đấy
- Cuối cùng là về thế giới quan, họ cùng hướng nhau về điều gì, chung nhau, và cùng hướng về kết quả, kết quả quy định rõ, quy định rõ trách nhiệm và quyền nghĩa vụ thực hiện của hai bên… Bạn xong hợp đồng. Bắt đầu bạn soát các nhân tố căn bản, còn lại những điều kiện ràng buộc về phản bội, về chấm dứt hợp đồng nó chỉ là điều kiện rất nhỏ và lại liên quan đến thế giới quan, tôi lấy ví dụ đơn giản như vậy
.
– Ghi chép từ cuộc trò chuyện tâm lý của Tác giả, Founder Dự Án Tâm lý học OOPSY –
– OOPSY – Cộng đồng dành cho những người đam mê tâm lí học và tâm lí trị liệu –