Một blogger từng chia sẻ trên trang cá nhân của mình rằng: “Khi tuổi tác càng lớn, tôi càng tin vào hai chữ số mệnh, bởi vì lúc đó, ý chí chiến đấu cũng như động lực của tôi đã ngày càng mất dần.”
Câu nói này, có lẽ chính là nỗi lòng của rất nhiều người khi bước qua tuổi trung niên.
Trên thực tế, khi một người gặp khó khăn thì càng nên cố gắng tin tưởng vào bản thân mình nhiều hơn là việc tin vào số phận. Bởi lẽ nếu bạn càng tin vào việc “số mình đã như thế”, thì bạn sẽ càng thất bại và chẳng thể thay đổi được gì.
Rồi cuộc sống hiện thực, rồi nợ nần và công việc choáng ngợp, gánh nặng gia đình,… sẽ ngày càng “đày đọa” bạn hơn.
Trong quyển sách “Kinh dịch” từng nói:
Nếu bạn học được cách bình tĩnh và trầm lặng, mọi thứ sẽ dần tốt đẹp lên!
Trầm lặng có thật sự giúp chúng ta thay đổi cuộc sống hay không?
(01)
Nếu lòng người bị ngoại vật làm xáo động, sẽ giống như bát nước bị vấy đục, làm gì cũng khó thành.
Thiền định là cách tốt nhất được nhiều người đề cập đến khi muốn học cách khiến tâm trí yên lặng và tự tại.
Một người nếu dục vọng quá nhiều, tâm trí không thể tĩnh lặng. Tâm không tĩnh sẽ khó nhận biết quy luật đất trời cũng như cuộc sống.
Như vậy, dù bạn có làm nhiều bao nhiêu, thì khả năng cải thiện kết quả cũng rất ít.
Tốt nhất hãy học cách điều chỉnh tâm trạng bản thân trước, dù gặp bao nhiêu thử thách hay áp lực, cũng nên để tâm trầm lặng rồi suy nghĩ cẩn thận cách giải quyết.
Người trầm lặng dễ nhìn thấu “bản chất sự vật” ẩn sau vấn đề, vì thế họ có thể điềm nhiên giải quyết mọi việc dù đang rơi vào tình cảnh khó xử nhất.
(02)
Căn cứ theo “Kinh dịch”, người ta cho rằng giữa thiên địa và vạn vật, có hai lực lượng không ngừng biến hóa:
Một là lực lượng thuận thế, đây gọi là “hợp”. Hai là lực lượng chống đối, đây gọi là “xung khắc.”
Và hiển nhiên, nếu bạn muốn làm việc được suôn sẻ, thì nhất định phải đi theo xu hướng. Nếu biết bản thân đã đi sai, thì nhất định phải dừng lại kịp thời.
Thông thường, chỉ khi con người trải qua những biến cố và cú sốc lớn mới quyết định sống chậm lại, trầm lắng lại và dừng những điều cố chấp lại!
Nhưng những người thực sự khôn ngoan đã sớm dừng nói những điều vô nghĩa và cài đặt “chế độ im lặng” vào cuộc sống của họ.
Họ biết khi nào nên hành động, nghỉ ngơi, khi nào nên tấn công và dừng lại, khi nào nên giao tiếp và khi nào nên trầm lặng.
Thật ra, trầm lặng không phải là nhân nhượng hay dễ chịu thiệt! Nên bạn đừng quá lo lắng khi sống trầm lặng mà bị người khác đánh giá là ít nói và kiệm lời.
(03)
Tài sản cũng như số mệnh, đều sẽ luôn thay đổi theo từng hành động của chúng ta!
Nếu bạn hành động sai trái, tài sản sẽ mất dần, số mệnh sẽ theo “nhân xấu” đó mà lấy đi hết những điều tốt đẹp trong tương lai của bạn.
Thế nên, hãy cố gắng sống có đạo đức, có tầm nhìn, và kiên nhẫn tìm ra cơ hội cho bản thân.
Những người trầm lặng có một tính cách đặc trưng rất đáng nể, đó là “nhẫn nại”. Người khác càng khó khăn càng thiếu kiên nhẫn, phàn nàn càng nhiều. Còn người trầm lặng càng khó khăn lại càng độc lập và nhẫn nại.
Họ không để môi trường cùng năng lượng tiêu cực quấy nhiễu mình, mà chỉ tập trung lo cho mục tiêu đã đặt ra từ trước, nên nhờ vậy mà có thể tự mình thay đổi số phận.
Trầm lặng có rất nhiều cái hay, không chỉ khiến bạn từ bỏ thời gian “buôn dưa lê” vô bổ, mà còn giúp tinh thần bạn luôn trong trạng thái tỉnh táo và sáng suốt.
Có rất nhiều người thành công có tính cách nội tâm, thích cuộc sống trầm lặng. Bạn thấy không, dù ai nói gì đi nữa, họ vẫn thành công đấy thôi.
Họ làm được thì bạn cũng có thể, nên hãy kiên định với mục tiêu đã đề ra, đừng lo lắng về những gì mà người khác suy nghĩ về bạn. Học tính cách trầm lặng để có thể quan sát nhìn đời một cách thấu đáo, và đừng hành động tùy tiện khi chưa hiểu rõ về việc nào đó.
– Theo toutiao/Cẩm Thi –