TRẦM CẢM: MỘT PHẢN ỨNG TỰ VỆ CỦA TÂM HỒN BẮT ĐẦU BIẾN THÀNH PHẢN ỨNG TỰ VỆ TRƯỚC XÃ HỘI
Khi nào Trầm cảm trở thành chứng bệnh lí lâm sàng?
.
Rối loạn lo âu lan tỏa là khi những vết xước bắt đầu hành hạ chúng ta. Nhưng bước thứ ba là những vết xước bắt đầu chia cắt chúng ta, một người ở trong trạng thái bị chia cắt cảm xúc. Chẳng hạn đơn giản, những ai đang có người yêu, có lúc nào bạn cảm giác khi người yêu bạn nói “Anh yêu em” hoặc “Em yêu anh”, bạn cảm thấy thực ra trong lòng không có nhiều tình yêu để đáp lại. Chắc chắn có, bạn phải từng trải qua. Hay khi tôi bắt bạn “Hãy cảm thấy thương yêu cha mẹ đi”, bạn cảm thấy có một sự đứt lìa ở đây, không cảm thấy cái mãnh liệt đấy. Tất nhiên là khi người thân của mình gặp chuyện, chúng ta sẽ phản ứng rất điên cuồng để bảo vệ họ. Nhưng thường nhật, cảm giác thật của chúng ta hằng ngày, thứ mà đã tạo nên chúng ta hằng ngày, hằng ngày là gì: Đấy là sự vô cảm, sự thờ ơ với thế giới xung quanh. Và đây mới là sự thực, một sự thực rất tàn nhẫn
Chúng ta rất khó sống với sự thực này. Trong khi chúng ta dễ sống với sự thực là “Đôi lúc anh không cảm thấy yêu em”, thì chúng ta không thể chịu đựng được cảm giác là “Lắm lúc em cũng không thấy yêu anh”. Chúng ta không chịu nổi cảm giác ngược lại, bởi vì ngược lại là sự chối bỏ về nhân tính. Còn từ phía chúng ta, nó chỉ đơn giản là sự cắt lìa của giao tiếp, của cảm xúc
Trạng thái Trầm cảm này giống như một phản ứng tự vệ của tâm hồn, khi tâm hồn chúng ta tự cho phép bản thân mình thờ ơ trước thế giới xung quanh để không cảm thấy nó nguy hiểm. Tôi nghĩ là rất nhiều bạn nam đã từng trải qua cảm giác này, cảm giác này có thể có ở cả những bạn nữ: Chúng ta âm thầm chuẩn bị một người yêu thứ hai, khi chúng ta nghĩ có thể người thứ nhất sẽ phản bội chúng ta. Nếu người hiện tại có thể phản bội chúng ta, chúng ta âm thầm chuẩn bị một mối quan hệ khác. Và dù chúng ta ý thức rõ chuyện này hay không, thì trong các mối quan hệ, chúng ta có xu hướng chuẩn bị một người nữa. Có thể là chúng ta đang làm trong một công ty, ông sếp rất tốt, chúng ta âm thầm chuẩn bị quan hệ với một ông sếp khác. Và khi có một ông sếp của một cơ quan khác để ý đến chúng ta, chúng ta cảm giác rất vinh hạnh “Ôi anh ấy là chủ công ty đấy, và anh ấy rất quý em”. Chúng ta đang được một người nào đấy, một bà chị nào đấy, một cô em nào đấy yêu, hoặc chúng ta đang yêu ai đấy, thì chúng ta vẫn luôn luôn dự bị cho những mối quan hệ của mình một người nữa. Chúng ta chuẩn bị một lối thoát nữa, bởi chúng ta cảm giác là tình cảm vẫn không đến đích
Trạng thái Ám ảnh và Rối loạn lo âu lan tỏa đã khiến cho, trong trạng thái Trầm cảm sớm, chúng ta chuẩn bị lối thoát cho mình trong mọi mối quan hệ. Đây chính là một bi kịch. Trong khi tâm hồn cố bảo vệ mình bằng cách tạo ra một nền tảng xã hội mới, thì nó hủy hoại luôn trạng thái yên bình của tâm hồn. Khi chúng ta bắt đầu chuẩn bị những lối thoát cho mình ở trong tình cảm, trong quan hệ xã hội, trong công việc, trong mọi thứ, đấy là lúc mà chúng ta bắt đầu đánh ngã mình xuống mặt đất rồi. Trên mặt đất trần tục hít đầy hơi bụi này, không hề có hạnh phúc nổi. Chúng ta chuẩn bị tránh khỏi tổn thương, và như thế chúng ta đâm đầu vào bất hạnh, bức tường của bất hạnh. Đây là một thực trạng
Bạn sẽ thấy chuyện này cũng rất quen thuộc, tôi chắc là ai cũng từng trải qua một trạng thái gần giống như vậy: Khi một người bạn sắp rời bỏ mình, mình rất vui. Hoặc trong một quan hệ tình bạn, một nhóm ba người rất tốt đẹp, bỗng nhiên có một người thứ tư yêu quý mình ở ngoài nhóm bạn đấy, mình cũng cảm giác điều này rất hạnh phúc. Tại sao như thế? Chúng ta không cảm thấy nhóm ba bạn kia là ổn định, chúng ta cần có một sự di dịch mới. Và khi chúng ta thấy hai người bạn còn lại chơi thân với nhau, chúng ta bắt đầu tìm một mối quan hệ khác. Thậm chí trong mối quan hệ tình bạn ba người, khi chúng ta có thể chơi thân với một người còn lại, chúng ta cảm thấy mình an toàn. Chúng ta cảm thấy là kể cả hai người chơi thân hơn hẳn, thì một quan hệ với người thứ ba làm chúng ta cảm giác càng an toàn. Còn khi chúng ta thấy hai người bạn trong nhóm của chúng ta chơi thân với nhau và bỏ mặc mình, chúng ta cảm giác rất tủi thân. Tôi nghĩ là, ai cũng đã từng trải qua
Đấy là những triệu chứng của Trầm cảm sớm, và nó thực sự gây ra Trầm cảm
Trầm cảm là một phản ứng tự vệ của tâm hồn. Phản ứng tự vệ này bắt đầu biến thành phản ứng tự vệ trước xã hội. Tức là nó không nằm ở trong tâm hồn nữa, bắt đầu nó trồi ra ngoài rồi, nó bắt đầu biến thành một phản ứng tự vệ với xã hội rồi. Những triệu chứng mà chúng ta thấy, chẳng hạn việc cắt đứt cảm xúc, thậm chí việc vo tròn cảm xúc hoặc là trốn tránh xã hội, nó đều chỉ là việc tâm hồn chúng ta tìm một cách để tự vệ. Chúng ta bắt đầu lui hẳn về mặt xã hội
Ở đây có một điểm phân biệt. Chúng ta thường hay nghe đến bệnh Trầm cảm, nhưng đến mức bệnh thì lại khác, bệnh là một trạng thái bạn cắt lìa khỏi xã hội thật sự rồi. Còn Trầm cảm ở đây là ở mức độ triệu chứng thôi. Tất cả sáu chứng tâm thần này đều có thể rơi vào trạng thái bệnh. Và bệnh tức là gì? Không còn ở trong chuẩn mực xã hội, không có khả năng giao tiếp xã hội bình thường mà có khả năng phá hoại xã hội. Lúc đấy chúng ta có những hiện tượng rất kinh khủng rồi
Thế giới hiện tại không còn ưu tiên trị liệu cho họ nữa, mà ưu tiên dùng thuốc để ước chế thần kinh họ. Một lựa chọn tàn nhẫn nhưng khách quan và an toàn. Đối xử với những người tâm thần, trạng thái tâm thần thực sự là trạng thái mà tâm lý đã chọn một cách cực đoan nhất để bảo vệ nó: Không làm hại người khác nhưng vẫn được là mình, và bảo vệ được nhân tính của mình, tức là tạo ra một thế giới huyễn tượng xung quanh mình và sống ở trong huyễn tượng đấy.
Chính vì việc tạo ra những huyễn tượng đấy, cho nên người xưa, những bậc thầy tôn giáo cổ thường phê phán con người sống trong thời cổ là gì: Nhìn người điên thì tưởng là điên, kì thực chính các người mới điên. Thiền Tông hay có loại chỉ trích đấy.
– Trích sách TỰ VỆ CẢM XÚC 4.0 – Tác giả Bát Nhã –