“Ngậm miệng”, cũng là một loại đức hạnh
Những gì bạn trông thấy, chưa chắc đã là chân tướng thực sự.
Có một cư dân mạng đăng bức ảnh của một cựu MC nổi tiếng của kênh truyền hình quốc gia ở nước ngoài lên mạng, trong ảnh, người cựu MC ấy đang ngồi trên một băng ghế dài, một mình ăn kem và đọc tin tức. Sự việc cũng chẳng có gì đáng nói nếu người đăng bức ảnh không cố tình giật tít và viết rằng:
“MC nổi tiếng một thời, 60 tuổi không con không cái, một mình cô đơn ăn kem giữa phố.”
“Không mắc sai lầm trong suốt 32 năm sự nghiệp, ông là cây đa cây đề trong ngành, một lòng chuyên tâm cho công việc, không yêu đương dù chỉ một lần. Hiện tại đã nghỉ hưu, bắt đầu cuộc sống tuổi già.”
Người MC ấy có lẽ sẽ không bao giờ nghĩ được rằng, chẳng qua cũng chỉ là một mình tự do tự tại tận hưởng cuộc sống về hưu thôi mà cũng bị nhiều anh hùng bàn phím gán cho cái mác “cuộc đời thất bại”.
Có người bình luận rằng: “Gien tốt như vậy mà không cho ra thế hệ tiếp nối, phí quá!”
Có người lại nói: “Đây há chẳng phải là một cuộc đời không hoàn chỉnh ư, sống như vậy còn có ý nghĩa gì.”
Thậm chí có người còn nói nặng nề hơn: “Không kết hôn, không sinh con, có nghĩa là không có tinh thần cống hiến cho quốc gia.”
Những bình luận đánh giá như vậy chẳng phải rất phiến diện ư?
Bắt đầu từ khi nào, một người có thành công hay không lại được đo lường bằng việc có kết hôn sinh con hay không?
Ngay cả một người được coi là tinh anh trong lĩnh vực phát thanh truyền hình như vậy, nhưng chỉ vì không có đời sống tình cảm, không có con cái mà lại dễ dàng bị gắn lên cái mác “kẻ thất bại”!
Đáng không?
Trong cuộc sống, có lẽ bạn cũng đã không ít lần nghe tới những câu nói như này:
“40 tuổi rồi mà vẫn chưa kết hôn, vừa nhìn là biết không đoan chính gì rồi!”
“Đi làm bao nhiêu năm như thế mà vẫn chưa thấy thăng chức tăng lương, cho đi học phí tiền à!”
Trong tâm lý học, có một lý luận nổi tiếng mang tên “nguyên lý tảng băng trôi”, chỉ một người giống như một tảng băng, thứ chúng ta nhìn thấy ở họ chỉ giống như một phần nhỏ nổi trên mặt nước, phần còn lại chiếm diện tích lớn hơn thì lại chìm dưới nước, không ai có thể trông thấy.
Ngay cả những gì bạn tận mắt chứng kiến cũng chưa chắc đã đúng chứ đừng nói tới những gì xuất hiện trên mạng xã hội.
Vì vậy, đừng tùy tiện đánh giá bất kì ai, bởi lẽ nhiều khi thứ mà bạn nhìn thấy, chưa chắc đã là toàn bộ chân tướng.
Không tùy tiện đánh giá người khác, cũng là một loại đạo đức
Người MC kia không phải là người bị gắn mác “thất bại” duy nhất trong cãi xã hội hiện đại này.
Vài ngày trước, một vũ công tên B. đã đăng cái clip về cuộc sống hàng ngày của mình lên trang cá nhân.
Kết quả, một loạt người nhảy vào bình luận rằng:
“Sự thất bại lớn nhất của một người phụ nữ chính là không có con cái.”
“Có đẹp có ưu tú tới đâu những 90 tuổi cũng vẫn cô độc, không có con cái cháu chắt ở bên.”
Dù có là một vũ công tài năng tới đâu thì trong mắt một bộ phận người, B. vẫn là một người phụ nữ “không có con cái thì không hoàn chỉnh.”
Trong cuốn sách mang tên “Đứng quấy rầy hạnh phúc của người khác” có viết:
“Trong mắt bạn, thứ bạn nhìn thấy có thể là bi thương, nhưng trong mắt người khác, đó là chính là hạnh phúc.
Thứ hạnh phúc này, không liên quan tới vinh hoa phú quý, hay địa vị danh vọng, mà nó chỉ liên quan tới tâm hồn và cảm xúc bên trong.”
Đúng vậy, thế gian này làm gì có hai chiếc lá hoàn toàn giống hệt nhau, tương tự, cũng chẳng tồn tại hai cuộc đời hoàn toàn tương đồng.
Bạn có thể không tán thành cách sống của người khác, nhưng hoàn toàn có thể tôn trọng phương thức sống mà họ lựa chọn.
Chưa trải qua cuộc đời của người khác, thì không có tư cách khoa tay múa chân với cuộc sống của họ, cũng không có tư cách bắt họ phải sống theo cách mà mình muốn.
Sống ở đời, không ai là dễ dàng cả.
Không tùy tiện đánh giá người khác, cũng là một loại đạo đức.
Trong tâm lý học, có một cách nói gọi là “hiệu ứng phóng chiếu”, chỉ ai đó phóng chiếc cảm xúc của bản thân lên người khác.
Bạn có được một mức lương cao, vì vậy khi thấy người khác lương lẹt đẹt, bạn liền cho đó là không cầu tiến.
Bạn tậu được một căn biệt thự lớn, vì vậy bạn thấy căn nhà nhỏ của người khác là lụp xụp, nghèo nàn.
Bạn cho rằng sống là phải kết hôn sinh con nên cảm thấy những người lựa chọn sống độc thân là có vấn đề tâm lý…
Nhưng, trên thế gian này, còn rất nhiều rất nhiều thứ mà bạn không biết.
Trên mạng có một đoạn chia sẻ như này:
“Chúng ta sống trong những thế giới khác nhau, bạn sống trên một chiếc tàu xa hoa, trên đó cái gì cũng có, có mỹ tửu mà cả đời này bạn cũng không uống hết, và có cả rất nhiều người may mắn có thể lên được con tàu đó như bạn.
Còn tôi lại bắt được một tấm ván gỗ, cố gắng bám trụ trên đó, cứ trôi rồi trôi, từng đợt sóng tấp qua, làm sao cũng không tránh nổi, bất cứ lúc nào cũng đều có nguy cơ bị dìm chết, lại còn sợ hãi biết đâu bị cá mập ăn thịt.
Bạn lại hỏi tôi, sao không dành thời gian ra đi ngắm những cảnh đẹp trên biển?”
Xuất thân, trải nghiệm, tầm nhìn, tư duy của mỗi người là khác nhau, sự lý giải của mỗi người về cuộc sống cũng không giống nhau.
Cái cuộc đời mà bạn cho là thành công, chưa chắc đã là cái đích mà người khác muốn tới; còn cái cuộc sống mà bạn cho là lỗi kia chưa chắc đã không phải hạnh phúc của người khác.
Thế giới rộng lớn như vậy, cách sống của mỗi người là khác nhau.
Đứng áp đặt cuộc sống của mình lên người khác, vừa không đem lại sự đồng cảm, vừa không muốn nghĩ cho người ta, cái kiểu định kiến ấy, thay vì là quan tâm, nó lại là sự không tôn trọng thì đúng hơn.
Tôn trọng cuộc sống của người khác, thực ra là tôn trọng chính mình.
– Theo Thiên Vy –