*Dưới đây là bài chia sẻ của một tác giả được đăng trên trang Toutiao (Trung Quốc):
Một nhà đầu tư nổi tiếng đã chia sẻ quan sát của mình: Khi tính toán giá cả, người giàu thường rất tỉ mỉ, trong khi những người có điều kiện kinh tế không tốt lại chủ động giảm giá, sẵn sàng chịu thiệt. Ông phân tích rằng: Người giàu có thể có hàng trăm hay hàng ngàn người làm việc cho họ, mỗi nơi tiết kiệm một chút, tích tiểu thành đại, cuối cùng tiết kiệm được không ít chi phí.
Người giàu hành động chú trọng vào giá trị bên trong, ngược lại, người có điều kiện kinh tế kém hơn lại quan tâm đến bề ngoài. Kết quả là người trước càng ngày càng giàu, người sau vì cố tỏ vẻ mà rơi vào bẫy nghèo khó.
Vì vậy, bước đầu tiên để một người trở nên giàu có, chính là học cách tiết kiệm.
01. Không còn tiêu tiền vì ham muốn
Bạn đã từng có trải nghiệm này chưa: Mặc dù tôi đã có một chiếc xe máy tốt nhưng tôi luôn muốn thay thế nó bằng một chiếc tốt hơn; Trong tủ có quá nhiều quần áo nhưng tôi luôn cảm thấy mình không có gì để mặc, không ngừng dạo quanh các trang mua sắm; Sản phẩm chăm sóc da còn chưa dùng hết, đã mua thêm đủ thứ.
Ham muốn của con người là vô tận. Nếu bạn tiếp tục trả tiền cho những ham muốn của mình, bạn sẽ cạn kiệt ví tiền.
Trên MXH, có người chia sẻ kinh nghiệm của mình. Cô ấy mỗi ngày đọc qua các bài viết “truyền cảm hứng mua sắm” với quan điểm “phụ nữ phải đối xử tốt với bản thân”. Dù trong tay có đủ mỹ phẩm dùng trong vài năm nhưng cô vẫn không ngần ngại mua thêm. Dù có rất nhiều, đủ loại quần áo, giày dép nhưng cô vẫn không thể kiềm chế được việc mua sắm không ngừng của mình.
Cách đây một thời gian, cô đã mê mẩn một chiếc túi xách hàng hiệu. Dù cái giá phải trả là ba tháng lương nhưng cô vẫn đặt hàng sau khi do dự. Sau khi nhận được, cô chụp ảnh và đăng lên MXH, nhìn thấy lượt thích tràn ngập, cô thầm vui mừng. Điều người khác không biết là khi mua chiếc túi này cô đã hết tiền tiết kiệm và phải trả góp.
Mỗi khi đến ngày trả nợ, phí trả góp và lãi suất khiến cô chỉ biết vay mượn chỗ này chỗ kia. Làm việc nhiều năm, cô không tiết kiệm được tiền.
Mua sắm chỉ mang lại niềm vui ngắn hạn, tiếp theo là cảm giác thiếu tiền căng thẳng, cảm giác tự trách không thể kiểm soát. Những người thực sự giàu có, trong chuyện tiêu dùng lại rất “keo kiệt”.
Trong cuốn sách “Triệu phú nhà bên” có chi tiết: Mark Zuckerberg cả năm chỉ mặc áo thun và quần jeans; Bill Gates nhiều năm liền lái xe cũ; Chủ tịch tập đoàn Formosa Wang Yongqing dùng một chiếc khăn tắm suốt 27 năm…
Liên tục tiêu tốn tiền bạc, tức là giao quyền kiểm soát cuộc sống cho người khác. Tư duy của người giàu thực sự là kiểm soát ham muốn tiêu dùng của mình.
Một nhà văn từng nói: Con người có thể kiềm chế được những ham muốn của mình, sống một cuộc sống không đòi hỏi, mới thực sự là làm chủ được cuộc sống của mình.
Trong thế giới vật chất, bỏ bớt những thứ không cần thiết, kiểm soát ví tiền của mình, đó mới là bắt đầu của sự giàu có.
02. Không còn tiêu tiền vì sĩ diện
Nhà Kinh tế học Thorstein Veblen đã phát minh ra cụm từ “tiêu dùng phô trương” . Nhiều người không quan tâm đến điều kiện của bản thân mà tiêu xài hoang phí chỉ để thỏa mãn ham muốn khoe khoang, muốn được người khác công nhận và ghen tỵ, để mình có thể tự hào.
Để tỏ ra giàu có, họ sẵn sàng vay nợ để tổ chức đám cưới hoành tráng; để giữ thể diện, họ đi du lịch khắp nơi dù không có tiền, chỉ để tạo dựng hình ảnh “có tiền, có thời gian”. Cả năm làm việc, kiếm được không ít, nhưng số tiền tiết kiệm còn lại chẳng bao nhiêu.
Thể diện không phải do tiền bạc mà có, mà do chính bạn tạo ra. Thay vì bị ràng buộc bởi những thứ hão huyền, tốt hơn là hãy sống thực tế. Khi bạn có đủ năng lực, bạn tự nhiên cũng có được thể diện.
03. Biết nói “không” đúng trường hợp
Trong một cuốn tiểu thuyết có câu nói rất cảm động: “Bất hạnh của em, đều do em thiếu năng lực từ chối người khác. Em cứ sợ một khi từ chối họ, sẽ để lại một vết rạn nứt trong lòng họ, mà em không thể hàn gắn lại được”.
Những người này sợ xung đột, sợ từ chối, nên chỉ có thể tiêu tốn thời gian và năng lượng của mình để duy trì mối quan hệ. Những mối quan hệ không cần thiết, chỉ cần người khác mở lời, dù không muốn đi cũng phải miễn cưỡng tham gia, vừa tốn tiền vừa tốn công sức.
Từ bỏ những mối quan hệ xã hội không tích cực, học cách nói “không” với những mối quan hệ tiêu hao, dứt khoát từ chối, cũng là một kỹ năng quý hiếm.
04. Tiết kiệm thời gian
Một nhạc sĩ nổi tiếng họ Lý khi đi du học có gặp được người bạn có cùng chí hướng. Một ngày nọ, họ hẹn nhau đến nhà nhạc sĩ Lý lúc 8 giờ sáng để bàn việc thành lập câu lạc bộ. Đã đến giờ hẹn nhưng người bạn vẫn chưa đến, nhạc sĩ Lý theo kế hoạch học tập hàng ngày của mình đóng cửa lại, chuẩn bị luyện đàn.
Một lúc sau, người bạn tới. Ông ấy gọi lớn từ dưới lầu: “Anh Lý ơi, là tôi đây, mau cho tôi lên.”
Ông Lý liền trả lời trả lời bạn: “Xin lỗi, chúng ta hẹn 8 giờ, nhưng giờ bạn đã trễ 10 phút. Bây giờ là thời gian tôi luyện đàn, tôi không thể để bạn làm rối loạn thời gian học tập hàng ngày của tôi, chúng ta hẹn lần khác nhé.”
Nói xong, ông ngồi xuống bàn và bắt đầu luyện tập. Sự lạnh lùng này không phải là thiếu tôn trọng người khác, mà là tôn trọng thời gian của chính mình.
Buffett dành 80% thời gian trong ngày để đọc và suy nghĩ, loại bỏ mọi tương tác xã hội gây lãng phí thời gian và năng lượng.
Những người đạt đỉnh cao trong các lĩnh vực khác nhau, đều không bận tâm đến những việc làm lãng phí thời gian, mà tập trung làm những việc quan trọng nhất của mình. Chính nhờ “rất tiết kiệm” và “rất tập trung” suốt nhiều năm, họ đã đạt đến tầm cao mà người bình thường khó lòng với tới.
Có người nói: Trên thế giới này, điều đáng giá nhất để dành thời gian và sức lực là đầu tư vào bản thân. Từ chối việc lãng phí thời gian và năng lượng, dành nhiều thời gian tập trung vào bản thân, nâng cao bản thân.
Thời gian của bạn ở đâu, bông hoa của cuộc đời bạn ở đó.
– Theo Toutiao/Minh Nguyệt –