Chắc hẳn trong chúng ta ai cũng có những phút giây trong đời say đắm trước một vẻ đẹp hay bị cuốn vào một việc nào đó đến nỗi quên cả thời gian lẫn không gian. Những khoảnh khắc ấy là báu vật, là sự biến đổi đột ngột sang một dạng tồn tại khác – nơi mà những ưu tư, phiền muộn ngày qua ngày vơi đi, nơi mà bằng cách nào đó, chúng ta thoát khỏi gánh nặng thường ngày.
Trạng thái đó được các nhà tâm lý học gọi dưới cái tên dòng tư tưởng (flow), một từ dùng để chỉ sự lưu chuyển của tư tưởng mà ta trải qua vào giây phút đó. Dưới góc độ phân tích về cảm xúc của con người, dòng tư tưởng lên đến đỉnh cao khi chúng ta ở trong trạng thái tốt nhất: tâm an bình. Những trạng thái này không thể có được từ thói quen hay do ta thiết lập, mà là những món quà ta được ban tặng.
Món quà ấy chính là một tâm thức cùng với một trái tim an bình. Gần đây, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy mối liên hệ giữa tâm trí và cơ thể, và việc đi vào những trạng thái cực điểm đó khiến cho sức khỏe thể chất được tăng cường. Người ta dường như không còn nghi ngờ rằng tâm trạng tích cực sẽ tang cường sức đề kháng của hệ miễn dịch và làm giảm nguy cơ về tim mạch.
Những sự may rủi trong đời mỗi con người có thể sẽ gây nên những tổn thương khó tránh. Nhưng yếu tố gây hại sức khỏe không kém và chúng ta cần phải kiểm soát được nó chính là trạng thái của tâm.
Tuy nhiên, nền y học hiện đại với hệ thống thiết bị y tế và dược phẩm phong phú không thể cho chúng ta biết làm thế nào để đặt mình vào các trạng thái tinh thần có lợi cho sức khỏe. May mắn thay, có những phương pháp chữa lành khác lại chỉ cho chúng ta cách thức đó.
Trong cuốn sách này, Ngài Tulku Thondup đã tổng hợp các phương pháp chữa lành từ truyền thống Tây Tạng có thể giúp mang đến sự an bình nội tâm. Ngài đã đi xa hơn một bước so với cuốn Năng lực chữa lành của tâm, khi đề cập một cách chi tiết các bài thực hành để tu tập sự bình an của tâm và sự khoẻ mạnh về thể chất. Những phương pháp này dựa trên các bài tập Tây Tạng cổ nhằm chia sẻ con đường rèn luyện tâm trí để khai thác năng lực chữa lành của riêng nó.
Ngài chỉ ra rằng ngay cả khi y học hiện đại tiếp tục phát triển, chúng ta ở phương Tây cũng có quyền tiếp cận kiến thức cổ xưa và những phương cách để chữa lành thân tâm. Tại sao lại không sử dụng cả hai?
Trích đoạn sách:
BA CÁCH ĐỐI MẶT VỚI VẤN ĐỀ
Thiền dạy chúng ta những đặc tính của tâm và luyện cho ta nếm trải cảm giác an bình. Nhiều người cho rằng thiền là một thứ gì đó tách biệt với đời sống, nhưng thực sự không phải như vậy. Chúng ta cần đưa những cảm giác tích cực của thiền định vào trong cuộc sống. Cũng như tìm hiểu tâm trong khi hành thiền, chúng ta cần tìm hiểu tâm trong cuộc sống hằng ngày và huấn luyện nó.
Tuy phần lớn mọi người đều mong mình không bao giờ gặp rắc rối nhưng khó khăn lại là một phần cuộc sống. Những khó khăn dạy chúng ta về bản thân mình, và chúng ta có thể dùng chúng để tăng cường những đặc tính tích cực của tâm. Có rất nhiều người trong số chúng ta khiến cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn bằng cách bám víu lấy chúng và lo lắng về chúng một cách không cần thiết. Cũng như học cách thư giãn trong thiền định, chúng ta cần mang thái độ thoải mải và tích cực hơn vào cuộc sống.
Chúng ta đối mặt với khó khăn ra sao tùy vào chính vấn đề đó và khả năng của chúng ta. Dưới đây là ba cách đối mặt với một vấn đề:
1. Đừng lo lắng về nó: Nếu vấn đề không đáng kể, có lẽ không cần phải chú ý đến nó hay áp dụng bất kỳ phương pháp chữa lành nào. Chúng ta nên giữ gìn thời gian và năng lượng quý giá cho những vấn đề to lớn hơn.
2. Tránh nó: Nếu vấn đề quá mới mẻ và quá lớn, việc nghĩ về nó có lẽ chỉ khiến cho tình hình trở nên không thể chịu nổi mà thôi. Trong trường hợp này, chúng ta không nên nghĩ về nó.
Chúng ta có thể áp dụng những cân nhắc này không chỉ đối với những vấn đề về tinh thần mà còn về thể chất. Với một số loại đau đớn về vật lý, nếu cứ chú ý vào nỗi đau và trở nên lo lắng, bất an thì chúng ta đang tăng thêm nỗi đau tinh thần cho nỗi đau thể chất và kết quả là cảm thấy nhiều áp lực xấu nhiều hơn từ nỗi đau.
Chúng ta có thể phát triển sức mạnh để đối phó với một vấn đề thông qua thiền định hay bất kỳ phương pháp tích cực nào, chẳng hạn như đọc sách, đi bộ hay trò chuyện. Khi đạt được một số khoảng cách và tự do khỏi vấn đề, chúng ta có thể giải quyết nó một cách bình tĩnh hơn.
3. Đối phó với nó: Nếu vấn đề đáng chú ý và chúng ta đã sẵn sàng thì chúng ta nên đối phó với nó một cách bình tĩnh và thực tế.
Học cách chấp nhận các vấn đề là một sự rèn luyện tích cực cho tâm. Trong phạm vi có thể, chúng ta nên xem vấn đề là cơ hội, thách thức chứ không phải là gánh nặng. Thậm chí chúng ta có thể học cách hoan nghênh các vấn đề hay ít nhất cũng không lo lắng nhiều về chúng, bắt đầu từ những khó khăn nhỏ và tiến tới những khó khăn lớn hơn. Chúng ta cũng có thể nhìn thấy tính mở rộng của vấn đề vượt ngoài những danh xưng tiêu cực mà chúng ta thường áp dụng. Nếu có thể buông lỏng bám chấp và lo lắng khi đối mặt với các vấn đề, ta có thể biến chúng từ kẻ thù thành bạn.
SỰ QUAN TRỌNG CỦA ĐIỂM CHÚ TÂM
Giữa những khó khăn vất vả, chúng ta có một điểm chú tâm thì thật hữu ích. Chúng ta có thể chọn bất kỳ hình ảnh tinh thần hoặc trải nghiệm tích cực để tập trung tinh thần. Tôi khuyến khích mọi người nghĩ về kinh nghiệm tuyệt đỉnh và mang những cảm giác đó vào thiền định.
Một thí dụ từ cuộc sống là kinh nghiệm tâm linh tôi có được trong chuyến viếng thăm một đại sư, người mà tôi đã nhắc đến trong Chương 1. Chúng ta có thể thấy rằng một ký ức đầy cảm hứng sẽ đi vào tâm hoặc chúng ta cũng có thể chọn lựa nhiều khả năng, chẳng hạn như một trải nghiệm tuyệt vời trên núi hay bờ biển. Ngay cả khi thấy nản vì dường như không có gì gây cảm hứng, ta vẫn tìm thấy điểm chú tâm có thể giúp mình. Viktor Frankl của Đức quốc xã, một nhà trị liệu đã trải qua chốn địa ngục Auschwitz, có thể tìm thấy nguồn cảm hứng khi nghĩ về việc “đáng đau khổ”.
Một điểm tập trung tinh thần có thể giống một người bạn đáng tin, người mà bạn có thể hướng về mỗi khi vui buồn. Nếu tâm trạng của bạn u tối hay ảm đạm, hãy dành chút thời gian dù là một vài phút để thiền định. Hãy nhớ lại hình ảnh hay trải nghiệm đó khi bạn hít thở một cách thoải mái. Điều quan trọng nhất là những cảm giác ấm áp, rộng mở và tích cực trở về. Bạn có thể đưa những cảm giác này vào trong sự buồn bã tối tăm, xua tan thứ tiêu cực giống như một bông tuyết tan trong nước vậy. Bạn có thể thay đổi điểm chú tâm tùy vào nhu cầu của mình tại giây phút đó, cũng như bạn sẽ chọn một loại thuốc cụ thể cho một vấn đề cụ thể.