Có bao giờ bạn tự hỏi mình rằng vì sao lại có bất công trong học tập, công việc bề bộn và trì hoãn, ngay cả những người bạn gặp trên đường hay khi giao dịch cũng có những cảm xúc hay vẻ mặt chẳng dễ chịu? Bạn có oán trách nó và cảm thấy tổn thương không? Hay chỉ đơn giản là thấy nó quá quen thuộc đến mức không-nhận-ra, chấp nhận, và coi nó như một phần của mình?
Thật dễ dàng để cảm thấy tổn thương hay trở thành nạn nhân của bất cứ điều gì, và cũng tệ hại không kém khi chúng ta để những tổn thương đó cấu thành nhân cách của mình. Cũng thật quá khó để có thời gian cho mỗi người tự suy ngẫm về chính mình.
Liệu có bao nhiêu phần trong đó bạn có thể kiểm soát được chính mình? Và có bao nhiêu phần, thật đáng buồn thay, bạn lại trở thành nạn nhân của chính mình?
Nạn nhân của chính mình ư? Mình cũng có thể trở thành nạn nhân cho chính mình ư?
Ấy vậy mà có đấy! Bạn có thể bắt nạt chính mình, thậm chí gây tổn thương cho chính mình. Tiếng Anh gọi đây là self-attacks. Hay còn có một thuật ngữ khác, tất nhiên không có nghĩa tương đương, là “internal enemy”, kẻ thù sâu thẳm bên trong chính mình, phần bóng tối thôi đẩy trong chính bạn.
Bạn đã nghe đến điều này trong các câu truyện cổ, rằng bên trong chúng ta được chia làm hai phần, phần ánh sáng và bóng tối, hay phần Thiện phần Ác, hay phần Tốt phần Xấu rồi chứ? Internal enemy, chính là phần bóng tối, phần ác, phần xấu trong chúng ta. Nếu để nó chi phối quá nặng nề, chúng ta sẽ biến thành nó, còn phần ánh sáng, phần Thiện, phần Tốt sẽ bị đẩy lui.
Theo hiệp hội The Gledon (The Gledon Association), một tổ chức phi lợi nhuận về tâm lí học, đã nghiên cứu mối liên hệ giữa những tiếng dằn vặt từ sâu thẳm của một người với hành vi của người đó.
Họ kết luận, những tiếng nói này làm người mang lấy nó nhìn thấy điều tiêu cực và điều xấu ở khắp mọi nơi khiến họ thật khó khởi tinh thần lạc quan và vui vẻ. Đó còn là nhưng cuộc đối thoại nội tâm bên trong một người với những câu nói ám ảnh làm họ cảm giác lo lắng hay khiến một người “văng” bất cứ câu nói không hợp lẽ nào mà không cần biết đến hậu quả khi căng thẳng choán lấy họ.
Những thanh âm dằn vặt từ sâu thẳm lèo lái suy nghĩ và hành động của chúng ta như thế nào?
Nguyên nhân của những tiếng nói này đến từ stress và các chấn thương được tích lũy từ những năm tháng đầu đời (thuở ấu thơ). Cũng giống như những kinh nghiệm thời thơ ấu dẫn đến sự tự tin, khả năng và sự lạc quan, những trải nghiệm tiêu cực dẫn đến sự thiếu tự tin, hành vi tự hủy hoại và bi quan.
Thật không may, những thanh âm dằn vặt này rất dễ dàng xâm nhập vào suy nghĩ của một người. Nó không chỉ tác động đến cách chúng ta hành xử mà còn định hình cách chúng ta được đối xử như thế nào.
Nó đến từ những hàng rào chắn phòng thủ chúng ta xây dựng hồi bé trước các áp lực sợ hãi. Và giờ chính những hàng rào này giờ đây quay trở lại khiến chúng ta khốn đốn.
Nếu có người từ bé không được bố mẹ quan tâm và chiều chuộng, phải tự lập làm nhiều việc một mình, thì họ nghe thấy tiếng nói sâu trong mình là: “Mình không cần ai hết. Mình tự làm một mình.” Ý tưởng này làm đứa trẻ thấy an toàn và tự lập khi còn bé, nhưng khi lớn lên lại làm nó khó tin tưởng người khác, thiếu hợp tác và đẩy bất cứ ai ra khỏi vòng tròn an toàn của họ.
Tiếng nói này còn nguy hiểm ở chỗ, nó còn giả giọng nói của người ảnh hưởng đến chúng ta, có thể là sợ hãi hay ghét bỏ, hay yêu thương. Nếu bạn muốn hẹn hò ai đó, nó sẽ nói là: “Chẳng ai muốn đi chơi với mày đâu”. (Đây có thể là tiếng nói của đứa bạn cấp 3 lúc nào cũng quen phán xét và can dự chuyện người khác).Tràn ngâp đầu họ sẽ là những lời tự chỉ trích và làm tổn thương lòng tự tin của họ.
Nếu bạn thi tuyển vào một nhóm dự án với một loạt những tên tuổi xuất sắc và kiệt xuất, tiếng nói đó có thể giả giọng của đứa nhỏ hợm hĩnh luôn cho mình học giỏi hơn người. Nó sẽ nói: “Sẽ chẳng có ai thuê cậu đâu. Nhìn đối thủ của cậu mà xem, toàn người giỏi giang.” Nếu nghe theo điều này, nó sẽ làm bạn lo lắng bên trong bạn, khiến bạn khó tin tưởng vào khả năng của mình, cho dù có thể bạn có năng lực thật sự.
Giống như bóng tối bên trong mình, loại âm thanh dằn vặt này lái chúng ta đi xa khỏi các mục tiêu dự định mà chúng ta mong muốn. Bất kể bạn cảm thấy buồn phiền về quá khứ không tốt đẹp của mình như thế nào thì vô thức chúng ta hoạt động theo cơ chế đó.
Vì sao cần nhận biết được các âm thanh sâu thẳm này?
Phát hiện ra những tiếng dằn vặt từ sâu thẳm và cách chúng ta ứng xử với nó sẽ giúp chúng ta tách mình khỏi chúng và trở thành người chúng ta thực sự là. Nhận ra được bóng tối của mình giúp chúng ta hiểu được hành vi của chúng ta và hiểu rõ những lựa chọn xấu, đồng thời hiểu rõ nguồn gốc của các vụ bộc phát và phản ứng.
Tiếp theo, chúng ta có thể học để phân biệt khi nào những tiếng nói đó đó nổi lên, để tìm cách chống lại những cám dỗ. Chúng ta có thể khắc phục bằng các hành động lành mạnh hơn, nơi miền ánh sáng và điều thiện lương ngự trị, như xin lỗi người thân của mình nếu bạn trót nổi nóng với họ, tiến đến một mối quan hệ tử tế và chân thành, tin tưởng vào khả năng của mình trước mỗi kế hoạch quan trọng. Các hành động này sẽ làm tăng ý thức về bản thân và làm suy yếu bóng tối bên trong chính mình. Cuối cùng chúng ta sẽ cảm thấy thoải mái hơn với những hành vi mới này.
Khi hiểu được mình, chúng ta có thể đưa ra các quyết định kiên quyết. Bằng việc hành động để tránh những suy nghĩ dẫn dụ chúng ta vào các thói quen xấu, mối quan hệ vô bổ, hay các tương tác tiêu cực. Chúng ta có thể định hình lại sự tự nhận thức bản thân và hiểu chúng ta là ai và chúng ta thực sự muốn gì trong cuộc sống. Khi ý thức mạnh mẽ được đâu thật-là-mình, bạn bắt đầu có thế giới quan tích cực và mới mẻ hơn, có mối quan hệ bạn có thể làm chủ và nắm bắt được nó.
—
Tham khảo sách SÁT THỦ DẰN VẶT – Thương Tâm Bích (Corvi)