Sự khác biệt giữa khôn ngoan và trí tuệ

Người ta thường nói, trên đời này có rất nhiều kẻ khôn ngoan, nhưng lại rất ít người trí tuệ. Vậy sự khác biệt giữa “khôn ngoan” và “trí tuệ” là gì?
 
“Khôn ngoan” là năng lực sinh tồn, “trí tuệ” là cảnh giới sống.
 
Có rất nhiều người thông minh lanh lợi, chỉ cần học một chút là biết, vô cùng nhạy bén. Ví dụ, Lưu Băng trong “Thiên Đạo” biết nói tiếng người khi gặp người, gặp ma biết giao tiếp với ma. Ví dụ, Vương Ngọc Phượng trong “Hồng Lâu Mộng” là một nhà tâm lý học hạng nhất trong nhà họ Giả. Hay như, Dương Tu trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa” có thể gọi là IQ cực đỉnh. Nhưng xét về trí tuệ, bọn họ còn cần tu dưỡng thêm rất nhiều, nếu không cũng sẽ không có kết cục buồn như vậy.
 
Trí tuệ yêu cầu con người phải lĩnh ngộ cuộc sống, thấu hiểu bản chất con người, nó cần đến sự lĩnh hội, tâm hồn, năng lực tư duy và tín ngưỡng cuộc sống của một người, hay nói một cách đơn giản là cảnh giới đời người.
 
Giống như Phạm Lãi thời Xuân Thu, sống như thế mới là trí tuệ chân chính. Ông xuất thân bần hàn nhưng thông minh trí tuệ, lại có tài thao lược. Trên quan trường, Phạm Lãi xoay chuyển càn khôn, cứu quốc gia thoát khỏi bị nguy cơ bị nhấn chìm bởi con sóng dữ. Ở tình trường, ông chiếm được trái tim của tuyệt thế giai nhân đương thời, cùng bách niên giai lão. Trên thương trường, ông được người đời xưng là Thương Thánh, Tài Thần.
 
Kẻ khôn ngoan chi li tính toán, mang trong mình nhiều ham muốn ích kỷ; người trí tuệ luôn nghĩ cho toàn cục, giúp người cũng là giúp chính mình.
 
Nhiều người biết đến câu chuyện này: Có người gặp được một người đàn ông từ địa ngục, khi thấy anh ta gầy gò, liền tò mò hỏi anh ta lý do. Người kia lập tức phàn nàn đó là vì ở địa ngục phải nhịn đói cả ngày, không có cơm ăn. Anh ta chạy đến địa ngục, nhìn thấy mọi người đang chụm lại với nhau dùng muôi lớn ăn cơm.
 
Tất cả mọi người đều tranh giành lẫn nhau, sợ người khác ăn hết phần của mình. Nhưng do cán muôi quá dài, mọi người đều rất khó đưa cơm lên miệng. Dù có miễn cưỡng ăn được thì cũng chỉ là duy trì để không chết đói, cơ thể tất nhiên sẽ gầy rộc đi.
 
Sau đó, người đàn ông này chạy lên thiên đường. Ở đó cũng có rất nhiều người vây lại quanh một chiếc nồi ăn cơm, tay cầm muôi của họ cũng rất dài. Nhưng người trên thiên đường lại là bạn đút tôi ăn, tôi đút bạn ăn, mọi người giúp đỡ lẫn nhau, vì vậy ai nấy đều được no bụng, lại hòa thuận vui vẻ.
 
Đây chính là trí tuệ.
 
Kẻ khôn ngoan chỉ quan tâm hiện tại, đặt lợi ích của bản thân lên hàng đầu; người trí tuệ biết nhìn xa trông rộng, thành toàn người khác cũng là thành toàn chính mình.
 
Vào thời Xuân Thu, nước Lỗ đã ban hành một đạo luật: Nếu như có người Lỗ phải làm nô lệ ở nước ngoài, nếu ai đó sẵn sàng trả tiền để chuộc người nô lệ này về thì có thể mang những bằng chứng có liên quan đến nước Lỗ nhận mức bồi thường ngang bằng hay thậm chí là hậu hĩnh hơn thế.
 
Điều luật này được ban hành đã thúc đẩy mạnh mẽ hành động chuộc người ở nước Lỗ, tạo nên ảnh hưởng xã hội vô cùng tốt.
 
Tử Cống, một đệ tử của Khổng Tử, là một thương nhân giàu có. Trong khi giao dịch với các nước chư hầu lúc bấy giờ, ông gặp phải nhiều nô lệ nước Lỗ nên đã trả tiền để chuộc lại những nô lệ này, hơn nữa, để thể hiện phẩm chất cao thượng của mình, ông không nhận bồi thường của nước nhà, lấy vậy làm vinh.
 
Nhưng hành vi của ông không những không được Khổng Tử khen ngợi, mà còn bị phê bình nghiêm khắc. Khổng Tử cho rằng mục đích của nước Lỗ là để giải cứu người dân nước mình nên mới sẵn sàng trả một khoản thù lao nhất định cho người thực hiện nó, báo đáp và bồi thường là để khuyến khích nhiều người hơn thực hiện hành động này.
 
Hành vi của Tử Cống – bỏ tiền túi chuộc người nhưng không nhận bất kỳ phần thưởng nào, đã lập nên một tiêu chuẩn đạo đức mà phần lớn mọi người không làm được. Nếu như có người chuộc lại nô lệ của nước Lỗ, họ sẽ phải đối mặt với hai vẫn đề nan giải:
 
Nếu họ đến nước Lỗ nhận thưởng thì so với Tử Cống, họ sẽ trở thành loại người chỉ biết trục lợi;
 
Nếu họ không nhận, họ sẽ phải chịu tổn thất cả về tiền bạc và công sức để chuộc những người nô lệ đó.
 
Hầu hết mọi người đều là những người bình thường, họ không giàu có như Tử Cống. Họ không có đủ tiềm lực tài chính để chịu những tổn thất đó, thậm chí không gánh vác nổi. Khi đó, phần lớn mọi người gặp tình trạng đồng hương của mình trở thành nô lệ của các quốc gia khác sẽ không có bất cứ hành động gì.
 
Tử Cống muốn nhận được sự ca ngợi của xã hội thông qua hành động của mình, bề ngoài thì là làm việc thiện, nhưng thực chất lại là đang giở mánh khóe, muốn nâng cao danh tiếng cá nhân và mưu cầu danh lợi. Hành vi này chỉ là đang thỏa mãn hư vinh của bản thân, không hề có lợi với việc chuộc lại nô lệ nước Lỗ.
 
Ngược lại, Khổng Tử mới là bậc trí tuệ thực sự.
 
Lòng tốt thực sự không có nghĩa là dùng hành vi cá nhân nhận được nhiều tán đồng của người khác, mà là ảnh hưởng và thúc đẩy mỗi một người trong xã hội làm việc thiện này, đây mới là cái thiện chân chính.
 
Vậy sự khác biệt giữa khôn ngoan và trí tuệ là gì?
 
Kẻ khôn ngoan sống rất mệt, người trí tuệ sống tự do tự tại;
 
Kẻ khôn ngoan bề ngoài là khôn khéo nhưng thực tế là hoang mang mơ hồ;
 
Người trí tuệ bề ngoài thì mơ hồ, nhưng thực tế là người thông minh đại trí;
 
Kẻ khôn ngoan suy tính danh vọng cá nhân, người trí tuệ suy xét đến toàn cục;
 
Một người chú trọng đến năng lực sinh tồn, một người đề cao cảnh giới sinh sống.
 
Trong cuộc đời con người, rèn luyện năng lực thì dễ, nhưng tu dưỡng trí tuệ lại rất khó.
 
Mong cho mọi người trong thế gian có nhiều hơn những tấm lòng nhân ái, bớt đi những hành vi hại người lợi mình, đây cũng chính là một biểu hiện của là trí tuệ.
 
– Theo Lạc Kỳ –
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *