1 – Hướng Nghiệp Trong Thời Đại 4.0 – Randall Stross
Trong cơn bão công nghệ, dường như mọi phụ huynh đều mong muốn con em mình theo đuổi các ngành học “hái ra tiền” như khoa học máy tính, công nghệ thông tin, lập trình, cơ khí chế tạo… Nhưng liệu các khóa học chuẩn chuyên ngành công nghệ có là con đường thành công duy nhất? Liệu có khả thi khi cho rằng hệ thống giáo dục khai phóng (liberal arts), với phong cách cung cấp tri thức tự do, tổng quát và tập trung vào những kiến thức xã hội vẫn có thể tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cho kỷ nguyên 4.0?
Trong tác phẩm “Hướng nghiệp trong thời đại 4.0”, Randall Stross cung cấp cho độc giả một hướng tư duy mới lạ trong việc lựa chọn phong cách học tập và phát triển. Từ trước đến nay, các chuyên ngành giáo dục khai phóng thường bị đánh giá là “thiếu thực tế”, “thiếu kỹ năng”, không cung cấp đủ tri thức để học viên theo đuổi một nghề nghiệp cụ thể. Nhưng định kiến này không chính xác. Khác với kiểu giáo dục định hướng nghề nghiệp cụ thể, nền giáo dục khai phóng hướng tới trang bị cho sinh viên những kiến thức và kỹ năng thỏa mãn mọi ngành nghề. Thực tế đã cho thấy nền giáo dục khai phóng đem tới lợi ích cho các sinh viên theo đuổi chuyên ngành phi công nghệ, cho những bậc phụ huynh lo lắng, và cho cả những nhà tuyển dụng hàng đầu.
“Hướng nghiệp trong thời đại 4.0” chứng minh rằng mọi sinh viên đều có thể phát triển tối đa tiềm năng và phát triển mạnh mẽ nếu được trao cơ hội, bất kể họ có theo đuổi một chuyên ngành “cao cấp” hay không. Qua những trải nghiệm thực tế của các sinh viên ngành nhân văn, nhất là công cuộc tìm kiếm việc làm và kinh nghiệm làm việc những ngày đầu của họ, cuốn sách đem tới những minh chứng sống động về sự đa tài của sinh viên được đào tạo theo giáo dục khai phóng. Giữa cuộc cách mạng về việc làm và nhân sự, với sự ra đời của hàng loạt phương pháp hướng nghiệp, làm thế nào để trang bị cho sinh viên kiến thức và kỹ năng đầy đủ nhất để họ bước vào tương lai một cách chuyên nghiệp và bản lĩnh? Tác phẩm độc đáo của Randall Stross sẽ trả lời câu hỏi này, và truyền cảm hứng để bạn có thể tối ưu hóa những tháng năm đại học hết sức ý nghĩa của mình.
2 – Lập Bản Đồ Tư Duy Siêu Tốc – Tony Buzan
Công cụ bản đồ tư duy (mind map) đã có những bước phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, để thích ứng với bối cảnh xã hội 4.0 hiện đại, nơi đòi hỏi con người cần tư duy nhanh nhạy và sáng tạo hơn bao giờ hết. Đích thân cha đẻ của phương pháp bản đồ tư duy – nhà tư vấn giáo dục Tony Buzan đã viết tác phẩm “Lập bản đồ tư duy siêu tốc” để cập nhật tới độc giả những cải tiến mới nhất của công cụ xuất sắc này.
Trong tác phẩm, chúng ta sẽ đào sâu hơn vào lợi ích của bản đồ tư duy. Nó không chỉ đáp ứng được các nhu cầu sử dụng cá nhân mà còn có tiềm năng mở rộng để giải quyết những thách thức ở tầm vĩ mô. Đặc biệt, trong kỷ nguyên kỹ thuật số, bản đồ tư duy cũng phản ánh trình độ khoa học phát triển không ngừng của nhân loại. Bản đồ tư duy có thể được lập bằng tay, bằng chương trình máy tính; chúng có sẵn trên mạng, chúng được tìm thấy nơi Bắc cực lạnh giá, chúng tô điểm các sườn núi và thậm chí, chúng có thể được họa nên bằng máy bay trên bầu trời xanh.
Hãy chuẩn bị tinh thần để lật giở “Lập bản đồ tư duy siêu tốc” – tác phẩm mở ra cuộc phiêu lưu kỳ diệu của trí óc! Chính Tony Buzan sẽ đồng hành với bạn để làm chủ công cụ tư duy không ngừng cách tân này!
3 – Kỹ Năng Đọc Sách Hiệu Quả – Yuji Akaba
Mỗi cuốn sách hay là một cuộc đời, một kho kinh nghiệm, được viết không chỉ một lần mà còn được viết đi viết lại hàng trăm lần trong nhiều năm. Bạn có thể dễ dàng đọc xong một cuốn sách hay chỉ trong vài tiếng đồng hồ, nhưng để nắm bắt hết giá trị của nó có thể mất đến vài năm.
Việc đọc sách hiệu quả, sẽ đưa đến cho bạn một kho tri thức khổng lồ, giúp bạn khám phá thế giới. Để tận dụng được điều đó, bạn cần có những kỹ năng đọc sách hiệu quả dưới đây:
– Xác định mục tiêu đọc sách
– Tăng khả năng tập trung
– Cải thiện khả năng ghi nhớ
– Tăng cường tư duy logic
– Kích thích tư duy sáng tạo
– Nâng cao kỹ năng giao tiếp
Cẩm nang “Kỹ năng đọc sách hiệu quả” cung cấp những giải pháp tốt nhất khi đưa ra những kỹ năng cực kỳ đơn giản giúp bạn nâng cao khả năng đọc và phân tích tài liệu, qua đó bạn không chỉ học được thêm nhiều kiến thức, mà còn làm chủ được chúng để làm giàu cho cuộc sống cá nhân.
4 – Đại Học Hay Học “Đại” – Martin Krengel
Học đại học thế nào cho hiệu quả? Rất nhiều tân sinh viên nghĩ họ chỉ cần áp dụng y nguyên cách học từ thời phổ thông là đã đủ. Nhưng khối lượng kiến thức ở cấp đại học hoàn toàn vượt trội so với những gì bạn từng trải qua. Học đại học không chỉ là ôm sách vở đối phó với các bài kiểm tra, mà bạn còn phải dành nhiều thời gian để tham gia các hoạt động ngoài giờ học (tham gia câu lạc bộ, các hoạt động ngoại khóa, dự các buổi hội thảo, huấn luyện…). Quá nhiều điều bạn muốn làm, nhưng quĩ thời gian chỉ có hạn. Để giữ cho bản thân không bị rơi vào trạng thái mệt mỏi, giảm ý chí, chúng ta phải làm gì?
Tác giả, chuyên gia giáo dục người Đức Martin Krengel quan niệm: “Hãy học tập và nghiên cứu hết mình nhưng vẫn không quên những cuộc vui!”. Ông viết cuốn “Đại học hay học ‘đại’”, đúc kết lại những trải nghiệm thực tế chân thực, để gợi ý cho các bạn cách học tập hiệu quả và đầy hứng thú. Xuyên suốt 10 chương sách, bạn sẽ nhận diện được các vấn đề quan trọng, xác định rõ những điều cần làm, và bắt tay vào hành động. Đặc biệt, những bí kíp trong sách không giới hạn trong lĩnh vực học tập, mà còn là “kỹ năng sinh tồn” để bạn thay đổi nếp sống, quản lý thời gian khôn khéo hơn và sắp xếp các hoạt động ngoại khóa thật phù hợp. Nói tóm lại, đời sống đại học của bạn sẽ trở nên tươi mới và đầy ắp niềm vui, không có chỗ cho sự nhàm chán và những áp lực không cần có – với sự trợ giúp thiết thực đến từ cuốn sách của Martin Krengel.