Ai cũng có 2 mối bận tâm quan trọng ngang nhau là kiếm tiền và tiêu tiền. Dựa trên mức sống và nhu cầu tiêu dùng hàng tháng, mỗi người sẽ có cách kiếm và tiêu tiền riêng, song theo các chuyên gia, đa số chúng ta chỉ đơn thuần sử dụng tiền mà không để ý tới những nguyên tắc tài chính thông minh khác.
Vậy làm thế nào để trở thành người tiêu dùng thông thái? Lời khuyên từ chuyên gia là bạn hãy học cách quản lý những khoản chi nhỏ nhất, xây dựng thói quen và kỹ năng nắm giữ số tiền bạn đang có. Phương pháp 6 chiếc lọ dưới đây sẽ giúp bạn làm điều đó.
Phương pháp 6 chiếc lọ (JARS system) được tạo ra bởi Harv Eker, tác giả của những tựa sách bán chạy toàn cầu như “Bí mật tư duy triệu phú” và “Làm giàu nhanh”. Ông cũng là nhà sáng lập công ty Peak Potential Trainning chuyên đào tạo, nghiên cứu tư duy phát triển và làm giàu.
Theo Harv Eker, bất cứ ai, kể cả những người tưởng rằng mình không có nhiều tiền để quản lý, cũng có thể sử dụng phương pháp 6 chiếc lọ. Điều quan trọng nhất là bạn phải biết cách vận dụng và biến chúng trở thành thói quen.
6 chiếc lọ trong phương pháp JARS tượng trưng cho 6 phần thu nhập hàng tháng. Mỗi lọ đều có tên riêng và chức năng nhất định. Theo đó, lương, thưởng hay bất kể nguồn thu nhập nào đều cần được bạn chia và phân bổ ngay vào 6 chiếc lọ trên.
Như vậy, nếu coi tổng thu nhập hàng tháng của bạn là 100%, mỗi chiếc lọ sẽ chiếm một % nhất định và phục vụ cho những mục đích riêng biệt.
Lọ 1: Chi tiêu cần thiết: 55%
Lọ đầu tiên phục vụ cho nhu cầu thiết yếu, chẳng hạn như ăn uống, xăng xe, điện thoại, tiền học… Đây sẽ là lọ chiếm tỷ lệ cao nhất để đáp ứng các nhu cầu không thể thiếu mỗi tháng. Nó giúp bạn biết số tiền tối thiểu cần kiếm được, từ đó điều chỉnh giới hạn chi tiêu và thay đổi mức sống cho phù hợp.
Lọ 2: Tài khoản tiết kiệm dài hạn: 10%
Đây là khoản tiết kiệm phục vụ cho mục đích dài hạn trong tương lai, ví dụ như mua xe, mua nhà, du lịch nước ngoài, cưới hỏi hay sinh con… Bạn cần tiếp tục chia 10% này thành những khoản nhỏ hơn theo thứ tự ưu tiên, cân nhắc xem việc nào cần tiêu tiền trước tiên và thời gian để thực hiện kế hoạch đó. Chính vì vậy, chiếc lọ sẽ giúp bạn xác định rõ hơn mục đích của bản thân và cố gắng theo đuổi chúng.
Lọ 3: Tài khoản tự do tài chính: 10%
Tự do tài chính có lẽ là cụm từ được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây. Đây là trạng thái khi con người có đủ tiền để trang trải cuộc sống hay tự đưa ra những quyết định và lựa chọn mà không phải đắn đo về tài chính. Khái niệm này không phụ thuộc vào thời gian, độ tuổi hay trí tuệ, mà phụ thuộc vào năng lực làm chủ và kiểm soát tài chính. Hiểu đơn giản hơn, tự do tài chính là khi bạn thoát khỏi nỗi lo cơm áo gạo tiền.
Dựa trên quy luật 4% trong một nghiên cứu hồi năm 1998 của 3 giáo sư thuộc đại học Trinity Texas, để có thể tự do tài chính, bạn cần số tiền gấp 25 lần chi phí sinh hoạt hàng năm tối thiểu. Ví dụ, nếu bạn cần chi tiêu ít nhất 20 triệu mỗi tháng, trong 1 năm bạn sẽ cần 240 triệu. Vậy để cơ bản tự do tài chính, bạn cần ít nhất 6 tỷ.
Gia tăng tài sản sao cho chúng x25 lần là điều không hề dễ dàng, tuy nhiên, chiếc lọ số 3 này có thể giúp bạn. Đây sẽ là khoản vốn giúp bạn tham gia đầu tư (chứng khoán, trái phiếu, bất động sản…) hoặc góp vốn làm ăn với bạn bè. Khi đó, giả dụ có mất hoàn toàn thu nhập mỗi tháng, bạn vẫn luôn còn 10% này để sinh lời.
Lọ 4: Tài khoản giáo dục: 5%
Chiếc lọ này được dùng vào các mục đích giáo dục, cho cả bạn và gia đình. Chẳng hạn, khi bạn cần tiền tham gia một khoá học, mua sách vở hoặc đăng kí lớp ngoại khóa cho con, tài khoản giáo dục 5% này sẽ giúp bạn. Chiếc lọ sẽ không được phép để trống vì bạn luôn cần dành một khoản tiền đầu tư vào chính bản thân mình và con cái. Càng nhiều kiến thức tích luỹ, bản thân bạn sẽ càng sinh lời.
Lọ 5: Tài khoản hưởng thụ 10%
Chiếc lọ số 5 phục vụ cho mục đích hưởng thụ, chăm sóc và yêu thương bản thân. Bộ quần áo mới, laptop mới, hay bữa tối trong 1 nhà hàng đắt tiền sẽ là đích đến của tài khoản hưởng thụ. Tự thưởng cho bản thân cũng chính là cách giúp bạn có thêm động lực làm việc và cân bằng cuộc sống.
Lọ 6: Tài khoản từ thiện: 10%
Tài khoản từ thiện được dùng để giúp đỡ người khác hoặc đóng góp vào lợi ích cộng đồng. Nếu có quá nhiều thứ phải chi trả, bạn có thể giảm bớt % của chiếc lọ tài chính này, tuy nhiên không nên cắt giảm hoàn toàn.
– Theo Financial Wellness Center/Huệ Anh –