Quy luật 5 phút giúp cuộc sống trở nên ung dung

Thời đại ngày nay được gắn mác thời đại “nhanh”, phát triển nhanh, tư duy nhanh, hành động nhanh, ai ai cũng tranh thủ từng giây từng phút đặt mình vào đúng vị trí thích hợp với những công việc thích hợp.
 
Có câu nói: “Làm việc có dự trù thì sẽ vững, không dự trù ắt sẽ thất bại”.
 
“Dự trù” ở đây có nghĩa là chuẩn bị. Hãy chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ, dù chỉ là sớm hơn 5 phút, cuộc sống của bạn sẽ trở nên ung dung hơn rất nhiều.
 
1. Luôn đến sớm hơn 5 phút là một loại thái độ
 
Có bạn đọc đã chia sẻ kinh nghiệm trong một buổi xem mắt của bạn ấy như thế này: Điều kiện của bên nữ rất tốt, bạn ấy rất coi trọng buổi gặp này nên đã ở nhà chăm chút hình tượng một chút và đi mua thêm một bó hoa tươi. Hai người hẹn gặp nhau ở quán cà phê lúc 11 giờ, nhưng bạn ấy đến muộn năm phút. Bạn nữ lạnh lùng hỏi: “Vì sao anh lại đến muộn?” Bạn ấy giải thích: “Hôm nay tắc đường quá. Bình thường anh đi giờ này không tắc đường đâu”.
 
Bạn nữ nhấp một ngụm cà phê, trầm ngâm gật đầu: “Cà phê hôm nay em mời. Cảm ơn anh bận rộn như thế nhưng vẫn dành thời gian đến gặp em”. Bạn ấy cảm thấy như mình vừa bị ăn một cái bạt tai, vừa xấu hổ vừa chán nản hỏi: “Có phải do anh đến muộn không?” Bạn nữ trả lời: “Còn em đến từ một giờ trước”.
 
Có người nói, chỉ đến muộn vài phút, có cần hành xử đến mức vậy không?
 
Cần!
 
Bên nữ rất coi trọng buổi hẹn này nên đến sớm hơn hẳn một tiếng, nhưng đằng trai không đến sớm được dù chỉ là 5 phút. Sai một ly đi một dặm.
 
Năm phút chỉ là một giọt nước trong bể thời gian cuộc đời bạn, nhưng năm phút này có thể quyết định tầm cao của cuộc đời bạn. Nếu nắm bắt được năm phút hoàng kim này, mỗi bước bạn đi có thể trở nên vững vàng và kiên định hơn. Thay vì để người khác đợi bạn năm phút, hãy đến sớm hơn họ năm phút.
 
2. Luôn đến sớm hơn 5 phút là một sự đảm bảo
 
Đã trải qua vô số kỳ thi lớn nhỏ, nhưng có bao giờ bạn tự hỏi: Tại sao mỗi lần phát đề lại phải phát trước 5 phút không? Thầy cô vừa phát giấy thi, vừa nhấn mạnh rằng “không được làm trước cho đến khi có trống thông báo làm bài.”
 
Có một số người mạo hiểm quy phạm quy tắc, chỉ muốn nôn nóng làm bài, vì họ nghĩ rằng như vậy là thông minh. Tuy nhiên, một giáo viên lâu năm từng chia sẻ: “Theo kinh nghiệm nhiều năm trông thi của tôi, việc vội vã làm trước một số câu hỏi không mang lại cho thí sinh lợi thế trong kỳ thi là bao”.
 
Vậy câu hỏi đặt ra là tại sao phải phát đề thi trước, và 5 phút đó có thể làm được gì?
 
“Có rất nhiều việc phải làm trong 5 phút này: Kiểm tra lại giấy kiểm tra và phiếu trả lời có bị in thiếu hay mờ không, dụng cụ làm bài có đầy đủ hay không. Nếu giữa chừng làm bài mới phát hiện ra thì công sức trước đó có thể sẽ phải bỏ đi hết” – Thầy nhấn mạnh.
 
Năm phút là hạt muối bỏ biển, năm phút cũng là tầm nhìn xa trông rộng. Những người không biết tính toán chu toàn và tham lam nhất thời thường là những người làm hỏng việc lớn.
 
Có một nhà văn từng nói: “Những khoảng trống vụn vặt nếu biết sử dụng một cách thông minh thì có thể trở thành thời gian hoàn chỉnh.” Cái gọi là “tích tiểu thành đại” cũng vậy, bỏ lỡ một ngày rất dễ, nhưng muốn tìm lại thì là điều không thể.
 
3. Luôn đến sớm hơn 5 phút hình thành nên thói quen
 
Người ta nói rằng tập đoàn Vạn Đạt có một luật bất thành văn: Trong tất cả các cuộc họp, cấp dưới phải đến sớm hơn cấp trên 5 phút. Có lần, một phó chủ tịch Vạn Đạt tham gia cuộc họp hội đồng quản trị, ông đến phòng họp đúng giờ, nhưng tất cả các cổ đông đều nhìn ông với ánh mắt khác thường, khiến ông nổi da gà. Lần thứ hai, ông đến phòng họp sớm hơn vài phút, nhưng vẫn bị mọi người “theo dõi”.
 
Sau đó, một đồng nghiệp đã nói với ông về “quy tắc ngầm” này: Bất kể cuộc họp lớn hay nhỏ, cấp dưới phải tới sớm hơn cấp trên 5 phút.
 
Một phóng viên từng mô tả trải nghiệm của anh ấy khi gặp Bill Gates: “Lịch trình của Gates giống như lịch trình của Tổng thống Mỹ vậy, nhiều việc được quyết định chỉ trong vòng 5 phút, còn một số cuộc họp ngắn, hệt như bắt tay mọi người, chỉ được tính bằng giây”.
 
Cuộc sống thường ngày của chúng ta có thể không cần quá chính xác, nhưng chuẩn bị sớm luôn chỉ có lợi mà không có hại. Bởi vì “Trong 30 năm đầu đời, bạn hình thành thói quen; trong 30 năm cuối đời, thói quen quyết định cuộc đời bạn”.
 
– Theo Lạc Kỳ –

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *