Người sống ở đời, hầu như ai cũng luôn chú ý đến cảm xúc của chính mình, nhưng thói quen này lại vô tình khiến chúng ta không thể quan sát được toàn bộ bức tranh thế giới.
Đôi khi, hãy thử quan sát hành động, lời nói và cảm xúc của người khác. Cảm nhận, đặt vào vị trí của đối phương để suy nghĩ.
“Quan sát” ở đây không phải là tọc mạch, tham gia vào cuộc sống không liên quan đến mình, mà là lắng nghe, trải nghiệm và đồng cảm.
Khi có một sự đồng cảm nhất định, bạn sẽ thấy rằng mọi người đều có những rắc rối riêng. Thật sự trong xã hội ngoài kia chẳng có ai hạnh phúc hơn ai, mà cũng không người nào nghèo khổ hơn người nào. Chung quy chỉ là cách nhìn nhận cuộc đời của mỗi cá nhân mà thôi. Bạn thấy nó khổ, nhưng tôi lại thấy nó sung sướng, âu cũng là chuyện thường tình.
Kiểu quan sát này có thể ngăn chúng ta chỉ luôn nhìn chằm chằm vào những rắc rối của chính mình, thay vào đó, trở nên bao dung và thấu hiểu người khác, để thấy rằng đôi khi những vướng mắc của bản thân chỉ nhỏ bé mà thôi, tạo nên động lực để làm nhiều thứ hơn.
– Theo Trung Hạ –