Ôm lấy nhân quả của người khác chẳng khác nào làm tiêu hao bản thân

Bạn đã bao giờ gặp phải tình huống tương tự hay chưa: Cha mẹ luôn nhân danh tình yêu mà can thiệp vào cuộc sống và công việc của bạn; Nhân danh tình bạn, bạn bè thường nhờ bạn giúp đỡ, nhưng nếu bạn không giúp được, họ sẽ cảm thấy bực bội; Nhân danh tình yêu, người yêu đòi hỏi từ bạn mà không hề đắn đo, khiến bạn kiệt sức. Rất nhiều nỗi đau đều bắt nguồn từ việc thiếu đi ranh giới. Một mối quan hệ dù thân thiết tới mấy cũng nên duy trì khoảng cách thích hợp. Nếu vượt quá giới hạn, bạn sẽ gánh chịu nhân quả của người khác và kết quả thường là tự làm khổ bản thân.

Tác giả Tsuneko đã kể câu chuyện của mình và chồng trong cuốn sách có tên “Nhân gian đáng giá”. Năm 27 tuổi, bà gặp chồng mình và họ yêu nhau từ cái nhìn đầu tiên. Khi tình cảm ngày càng mãnh liệt, họ tiến tới hôn nhân mà không biết nhiều về thói quen sinh hoạt của nhau.

Sau khi kết hôn, Tsuneko phát hiện ra chồng mình là người nghiện rượu nặng. Ông đi uống rượu mỗi ngày sau khi tan làm và trở về trong tình trạng say khướt. Chồng của bà cũng tiêu tiền xa hoa và hào phóng với bạn bè nhưng lại thờ ơ với chi tiêu của gia đình. Tsuneko phàn nàn rất nhiều về điều này và cố gắng thuyết phục chồng thay đổi những thói quen xấu, thậm chí còn dọa ly hôn nhưng chồng bà vẫn không thể thay đổi được thói quen đó.

Có người từng nói, nỗ lực kém hiệu quả nhất trên đời là giảng đạo lý với người khác. Bạn càng nói nhiều đạo lý, người khác sẽ càng chán ghét và họ sẽ càng ít sẵn sàng giao tiếp với bạn hơn. Suy cho cùng, chồng bà đã quen với việc được tự do, bà càng muốn chồng thay đổi, ông sẽ càng nổi loạn. Vì thói quen sinh hoạt khác nhau nên họ thường xuyên cãi nhau, trạng thái tinh thần của bà Tsuneko ngày càng trở nên tồi tệ.

Tâm trạng không tốt khiến bà làm việc kém hiệu quả, mất động lực sống, biến mình thành một người phụ nữ luôn trực chờ để giận dữ, oán hận.

Một ngày nọ, bà tỉnh dậy và cảm thấy nếu cứ tiếp tục như vậy, bà không những sẽ không thể thay đổi được chồng mình mà còn khiến mối quan hệ vợ chồng trở nên tồi tệ hơn. Thay vì tốn sức lực để thay đổi người khác, tốt hơn là nên tiết kiệm năng lượng cho chính mình.

Sau khi không còn bị ám ảnh bởi việc thay đổi chồng, Tsuneko phát hiện ra chồng của bà cũng có những ưu điểm của mình.

Mặc dù thích uống rượu nhưng kỹ năng xã hội của ông khá tốt và bạn bè xung quanh cũng rất quý mến ông.

Mặc dù thích tiêu tiền nhưng ông rất tốt bụng và thường giúp đỡ người khác mà không mong nhận lại bất cứ điều gì. Và gia đình nhỏ của họ cũng nhận được sự giúp đỡ từ người khác nhờ sự tương tác xã hội rất tốt của chồng.

Tsuneko hiểu rằng: Thay vì dùng mọi cách có thể để thay đổi người khác và tự chuốc lấy rắc rối, tốt hơn nên tập trung vào điểm mạnh của người khác, cho họ một khoảng trống, và cũng cho bản thân mình một khoảng trống.

Một triết gia đã từng nói: “Hãy chấp nhận sự tồn tại của bất kỳ linh hồn độc lập nào. Ngay cả khi bạn không đồng tình với một phần nào đó trong đó, hãy cố gắng hiểu nó càng nhiều càng tốt”. Mỗi người đều có quyền lựa chọn hướng đi cho riêng mình.

Khi can thiệp vào nhân quả của người khác, bạn sẽ làm xáo trộn từ trường của chính mình và gánh chịu số phận của người khác.

Người thông suốt là người hiểu được rằng mỗi người đều có những vấn đề riêng của mình, thay vì can thiệp vào cuộc sống của người khác, chi bằng sống cho tốt cuộc sống của chính mình.

Đây là sự bảo vệ tốt nhất cho bản thân và là bí quyết quan trọng để duy trì các mối quan hệ tốt đẹp.

– Theo Diệu Đan – 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *