Làm việc chăm chỉ và làm việc hiệu quả khác nhau như thế nào?
Hầu hết các doanh nghiệp hiện nay đều áp dụng chế độ làm việc 8 tiếng/ngày. Nhưng điều đó có đảm bảo năng suất làm việc cao nhất không?
Có một sự thật là, hầu hết các quốc gia có năng suất làm việc cao nhất lại có số giờ làm việc trong ngày ngắn nhất. Điển hình như ở Luxembourg, người ta chỉ làm việc khoảng 30 giờ mỗi tuần (tương đương 6 giờ mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần) nhưng có thể kiếm được nhiều tiền hơn hẳn so với trung bình.
Điều này là một phần chứng tỏ, thời gian làm việc 8 tiếng/ngày không quyết định năng suất và chất lượng công việc của bạn. Một ngày làm việc của số đông hiện nay là sự pha trộn giữa công việc và những giờ phút giải lao, mất tập trung liên tục. Chúng ta không thường xuyên làm việc ở chế độ tập trung cao nhất, đồng thời lại bị những yếu tố gây nhiễu như email, mạng xã hội làm phiền. Mặc dù điều đó khiến cho bạn có một tâm lý thoải mái hơn nhưng nó lại vô tình khiến cho bạn kéo dài thời gian hoàn thành công việc hơn.
Nghiên cứu đã chỉ ra, để có được kết quả tốt nhất về thể lực thì bạn phải áp dụng những bài tập thể dục ngắn nhưng hiệu quả thay vì những bài tập dài nhưng “à ơi”. Điều tương tự cũng xảy ra với công việc của bạn, khi chất lượng và hiệu suất chỉ tăng lên khi bạn đưa nó vào các đợt tăng cường ngắn hạn. Loại bỏ tất cả những phiền nhiễu và tập trung hết chuyên môn cho công việc dang dở. Hãy tách bạch 20% năng lượng cho công việc và 80% để phục hồi. Nhưng vì sao lại là tận 80%?
Nhưng ý tưởng sáng tạo độc đáo thường không bao giờ đến từ màn hình máy tính mà lại xuất hiện những lúc không ngờ tới. Lý do cho điều này rất đơn giản: Khi bạn làm việc trực tiếp với một nhiệm vụ, tâm trí của bạn tập trung chặt chẽ vào vấn đề đó (phản ánh trực tiếp). Ngược lại, khi bạn không làm việc, tâm trí của bạn sẽ đi lang thang (tức là phản xạ gián tiếp).
Sự lang thang này không phải là không có chủ đích. Nó sẽ quay về với nhiều ngữ cảnh, nhiều thời điểm, nhiều mối quan hệ để tạo ra những kết nối xa xôi, độc đáo nhưng lại liên quan đến vấn đề mà bạn đang cố gắng giải quyết. Và thế là những ý tưởng hữu ích thực sự mới được bật ra theo kiểu Archimesdes tìm ra định luật vật lý trong lúc đang tắm.
Vì thế: Khi đang làm việc thì hãy tập trung toàn bộ trí lực cho công việc. Nhưng nếu đã đến giờ nghĩ thì hãy nghỉ ngơi thực sự. Bằng cách để cho tâm trí được thư giãn và hồi phục, bạn có thể bắt gặp những đột phá sáng tạo liên quan đến công việc.
Ba giờ đầu tiên trong ngày quyết định năng suất làm việc của bạn
Theo nhà tâm lý học Ron Friedman, ba giờ đầu tiên trong ngày của bạn sẽ là chìa khóa cho một năng suất làm việc tối đa.
Ba tiếng này là lúc não bộ hoạt động mạnh mẽ nhất sau một giấc ngủ khi tiềm thức đi lang thang và tạo ra các kết nối cần thiết. Đầu tiên, hãy gạch đầu dòng ra những việc cần làm trong ngày, vẽ ra một bức tranh cụ thể rồi mới đến những thứ đột nhiên xuất hiện trong tâm trí. Sau đó chính là tập trung hết sức lực vào những việc đã gạch ra, cố gắng không để những yếu tố nhiễu làm gián đoạn quá trình làm việc.
Đến khoảng 11 giờ là lúc phù hợp để tâm trí nghỉ ngơi, bạn có thể đứng lên ngồi xuống làm những bài tập nhỏ để lưu thông khí huyết hoặc ngó qua những công việc bên lề, đơn giản và không mất quá nhiều sức lực.
Tất nhiên không phải ai cũng dễ dàng áp dụng lịch trình này. Có những ông bố bà mẹ đã phải vật lộn hàng tiếng đồng hồ buổi sáng với lũ trẻ và khi đến văn phòng thì đã cạn kiệt năng lượng. Tuy nhiên, nếu bạn đã quyết tâm có một ngày làm việc năng suất thì buộc phải có cách để bảo vệ lịch trình đó.
Bạn có thể ngủ sớm hơn, lùi các lịch họp buổi sáng xuống buổi chiều, không mở các ứng dụng mạng xã hội trong 3 giờ đầu tiên… Chính bạn chứ không phải ai khác phải kiên quyết bảo vệ buổi sáng của mình.
Kết nối tâm trí – cơ thể
Bên cạnh việc thiết lập một khung giờ vàng cho việc tập trung thì bạn cũng cần chú ý đến sức khỏe của tinh thần và thể chất. Cơ thể con người là một bộ máy với các bộ phận liên kết chặt chẽ, vì thế cơ thể khỏe mạnh thì bộ não mới minh mẫn.
Do đó, bạn cần phải chú ý thêm những thói quen ngoài lề của bản thân. Ví dụ như kiểm soát những thứ mà mình ăn vào, giờ giấc ngủ nghỉ, các hoạt động ngoại khóa mà bạn tham gia… Hơn cả việc quản lý thời gian, bạn nên tập trung vào việc quản lý năng lượng của mình. Công việc cần được làm khi cả tâm trí và cơ thể ở trong trạng thái khỏe mạnh nhất chứ không phải vì sức ép của xã hội.
Luôn có thời gian để nghỉ ngơi
Nghỉ ngơi là cách duy nhất để phục hồi năng lượng từ công việc. Nhưng bạn phải nhớ, nghỉ ngơi chỉ thực sự hiệu quả khi bạn tách rời tâm trí hoàn toàn khỏi công việc, tức là nghỉ là nghỉ, tuyệt đối không làm việc. Nhưng thực tế rất ít người làm được điều đó. Hầu hết chúng ta luôn trong trạng thái sẵn sàng làm việc khi nhận được điện thoại, email… bởi vì chúng ta coi đó là một phần trách nhiệm và danh dự. Nhưng tuyệt đối không phải vậy!
Nghiên cứu đã chỉ ra, những người biết tách bạch công việc và cuộc sống thường có chất lượng cuộc sống tốt hơn, hôn nhân hạnh phúc hơn, khả năng cống hiến cho công việc cao hơn… Ngược lại, nếu bạn lúc nào cũng dính lấy công việc thì thời gian dành cho gia đình sẽ ít hơn, căng thẳng nhiều hơn, các mối quan hệ dần biến mất, cuộc sống bớt đi hạnh phúc.
Một trong những hoạt động rời xa công việc hữu hiệu nhất là các trò chơi. Không có gì kích thích não bộ như những trò chơi, bao gồm tác động đến cả nhận thức, trí nhớ, ngôn ngữ, khả năng sáng tạo, làm việc nhóm…
– Theo Hà Lê –