NẾU KHÔNG KHÔN NGOAN, THÌ THÀNH ĐẠT LÀ MỘT ĐIỀU QUÁ SỨC ĐỐI VỚI BẤT CỨ AI
Để đi qua Vạn Lý Trường Thành của đời sống, phải rèn luyện sự tinh tế thấu biết nơi mình
.
Không chỉ các vấn đề về thân thể có ý nghĩa với bạn, mà cả các vấn đề tâm lý bình thường. Có thể bạn chỉ biết đến mình. Lấy ví dụ đơn giản, bạn sẽ rất khó biết được rốt cục bố mình là người thế nào. Bạn có thể đưa ra một vài định nghĩa, có thể bình luận về ông một cách rất trầm ngâm, nhưng rốt cục bạn hiểu được bao nhiêu thành tố tính cách trong bố mình? Theo cách của các nhà tâm lý học, mỗi con người có khoảng 20 tính cách khác nhau phổ biến. Bạn biết được bao nhiêu tính cách của bố mình, bạn có liệt kê nổi 20 tính cách không? Bạn thậm chí còn không biết thế nào là “tính cách.” Và như vậy, bạn không có khả năng nhận thức thế giới một cách kỹ càng
Ví dụ, trong ngành quản trị kinh doanh, nếu không có hệ thống khái niệm về quản trị kinh doanh, nếu không hề biết gì về nó mà chỉ đơn giản là vào và bắt đầu làm việc, bạn sẽ không thể làm việc được. Điều đó gần như là chắc chắn. Nếu đi học về ngành này, bạn sẽ biết rằng những kỹ năng, bài học, những công việc về quản lý, quản trị, những cơ sở từ quản trị doanh nghiệp đến quản trị khách sạn… – tất cả đều có một hệ để nhận thức, và không có hệ đó thì người ta không thể nhận thức được. Cũng như vậy, nếu không có một hệ nhận thức về tâm lý thì bạn làm sao đối xử được với vấn đề tâm lý, đa phần bạn sẽ lệch lạc
Trong tiếng Việt có một từ rất độc địa và cũng rất trìu mến: “khôn ngoan.” Từ “khôn ngoan” nghĩa gốc là để chỉ những người dễ nhận ra được ý người khác và chiều ý người khác. Dễ nhận ra được ý người khác gọi là khôn, chiều ý người khác gọi là ngoan. Ví dụ, bố bạn An nói rằng An là con ngoan nếu An làm đúng ý bố. Từ khôn ngoan này vừa để chỉ người dưới biết nhận định người trên, lại vừa có một ý rất cay độc – chỉ những người nịnh bợ. Nhưng những người đó có sức mạnh hơn hẳn những người không biết nịnh bợ, thật ra là không khôn ngoan. Có một từ đối nghĩa hẳn với “khôn ngoan,” đó là “dại dột” hay thậm chí là “ngu xuẩn,” “dốt nát” – tất cả những từ xấu. “Khôn ngoan” giống như chiếm hẳn một phía của ánh sáng, còn tất cả những từ ngược với nó chiếm hẳn một phía của bóng tối, bạn có cảm nhận được không?
Như vậy, nếu không khôn ngoan, bạn sẽ rất khó để có một cuộc sống bình thường, chưa nói đến một cuộc sống thành đạt. Và chắc chắn, nếu không có khôn ngoan thì thành đạt là một điều quá sức đối với bất cứ ai, bạn hãy nhớ kỹ điều này
Ví dụ, công ty nọ có một luật rất đơn giản: Muốn tăng lương phải được sếp đề bạt – tức là sếp sẽ nhận thức quá trình làm việc của nhân viên sau đó đề bạt, đề xuất tăng lương. Bạn có thể tự đề bạt được, nhưng không giá trị bằng việc người trên đề bạt. Bạn sẽ làm gì nếu như người ta không thấy bạn khôn ngoan, nếu họ cho rằng “Nó có năng lực nhưng không biết sống,” hay thậm chí người ta còn không nhận thấy bạn có năng lực? Bởi vì, trong công việc bình thường, làm sao để họ biết là bạn có năng lực? Nếu bạn làm về nghệ thuật, tác phẩm đẹp hay xấu có thể được người ta thừa nhận hoặc không, nhưng nếu làm những công việc mang tính chất xử lý các sự vụ tức thời thì năng lực được thừa nhận như thế nào? Bạn An có thể nhờ ngành quản trị của mình mà sáng tạo một mô hình mới rồi vận hành mô hình đó và trở thành ông chủ lớn không? Gần như không thể, hoặc rất khó rơi vào trong loại người đó
Những điều đó cho thấy chúng ta đối diện với một vấn đề rất lớn, bạn sẽ phải nắm bắt thế giới (đầu tiên, bạn sẽ nhận ra rằng cả ba nhân tố [trong đời sống]: y học, tâm lý học và triết học – bao gồm cả hai con đường là minh triết và triết học phân tích – bạn đều gần như không nắm được điều gì). Nếu không, thì việc bạn làm chủ chính mình cũng rất khó khăn, chưa nói đến làm chủ tình huống quan hệ
Giả thử ta có một cuộc đối thoại với bạn An thế này:
Hỏi: Bạn An thấy bạn Bình có quen không? Trông bạn Cường có quen không?
– An: Hai người này tôi mới gặp lần đầu
Nhưng bạn trông họ có quen không, có thấy cảm giác quen không?
– An: (nghĩ một lát) Không
“Không”? Câu trả lời của bạn chỉ nhằm vào cái sự thực có-không, chứ không làm dấy lên các cảm giác trong bạn. Một người nhạy cảm hơn ít nhất sẽ nói rằng “Tôi không thấy quen lắm,” thậm chí phải là “Tôi thấy xa lạ,” “Tôi cố nhìn mà không thấy quen nổi”
Cách trả lời của An rất quan trọng, bởi vì nó chứng tỏ rằng bình thường An không nhận thức tốt về cảm giác. Nếu may mắn, An sẽ sống trong hoàn cảnh gặp được những người tốt, hoặc ít nhất là những người yêu thương hay bao bọc An theo một nghĩa nào đó. Nếu sa vào cuộc sống của người ngoài, họ sẽ từ chối An theo đủ mọi cách, hoặc sẽ coi An như một nhân vật phụ đi theo họ trong mọi hoàn cảnh, cho dù An rất có khả năng. Dù sao thì An cũng sẽ có một cuộc đời khá khó khăn. Trước câu hỏi về cảm giác quen, thời gian để An trả lời nó chứng tỏ đó không phải là điều An cân nhắc trong lòng
Một người khôn ngoan bình thường thì trong một cuộc nói chuyện hoặc trong việc gặp gỡ, nhìn thấy người khác, họ sẽ có một đánh giá cực nhanh. Đánh giá này có thể không xuất hiện trong ý thức của họ mà xuất hiện trong cảm giác. Khi hỏi đến, họ sẽ bật ra khá nhanh vì những gì họ phải đối mặt trực tiếp và giải quyết đã nằm sẵn trong họ
Ví dụ, trong khi đi mua một căn nhà, Dương nghĩ đi nghĩ lại và nói rằng “Người này không thật. Cái nhà này có vấn đề,” Dương đã có một kết luận về người đó, về hoàn cảnh đó. Đó là một dạng phân tích tổng thể. Nếu không có bản phân tích tổng thể trong đầu, tức là không có khả năng đánh giá lượng định tình hình một cách bình thường, bạn sẽ rất khó sống trong mọi hoàn cảnh. Thậm chí, rất khó để làm việc một cách bình thường, vì khi làm việc người ta phải lượng định rất nhanh những vấn đề và bắt đầu xử lý các vấn đề đó. Đây là một nguyên tắc của mọi lý trí bình thường
Ví dụ, An được đưa cho một bản báo cáo tài chính và được yêu cầu đánh giá nhanh và làm bản báo cáo khoảng một trang, xử lý các số liệu để xem thất thoát bao nhiêu. An phải thấy ngay vấn đề ở đây là thất thoát và cố gắng tập trung vào phân tích vấn đề thất thoát. Nhưng nếu như An không hiểu được ý đó và chỉ làm một bản phân tích, An nhìn vào biểu đồ, con số để đánh giá xem từng tháng một có vấn đề gì, thì bản thân người giao việc cho An cũng thấy An vô năng lực và đọc xong bản đánh giá của An, trong lòng họ không thỏa mãn. Không phải người đó không thỏa mãn với An, có thể họ chẳng giỏi gì hơn An và cũng chỉ làm được như thế, nhưng rõ ràng họ không thỏa mãn về điều mà họ quan tâm
Ví dụ, một người nói một chuyện đơn giản là hôm nay người đó thấy khá mệt, bạn phải biết họ mệt vì cái gì
Hỏi: Ví dụ, tôi hỏi bạn Cường là “Hôm nay bạn có mệt không?” Cường trả lời, “Tôi hơi mệt.” Giờ bạn An hãy nhìn Cường và thử đoán xem Cường mệt về Thân, về Tâm hay về Ý?
– An: Tôi nghĩ là về Ý
Vậy là trong đầu An thường trực có một câu trả lời, người ta mệt là do những suy nghĩ, phải không? Câu trả lời đó chứng tỏ An rất tốt về mặt thể chất, tức là ít nhất, An có một thể chất tốt hơn những bạn đồng lứa, hoặc những người An thường gặp, hoặc ít nhất là cho dù có nhiều bệnh tật trong người nhưng An thường có một sức vận động bền bỉ hơn người khác. An thiếu quan tâm đến thân thể của chính mình, thì An sẽ rất khó đánh giá đúng
An nghĩ là về Ý nhưng rõ ràng vấn đề này có thể nằm ở trong Thân Tâm Ý, và bạn phải biết là nó liên quan đến nhau hết. Khi một người phiền muộn, thì nhịp tim của người đó không còn ổn như cũ. Khi một người khác có chút gì đó nghi ngờ, lẫn đẫn, thì trong toàn bộ Tâm Thân Ý, trong lục phủ ngũ tạng đều đang đảo lộn, ăn cơm không thấy ngon – bạn phải biết rằng người đó đang ở trong một hoàn cảnh như thế, ngay cả ngồi trên một cái ghế êm, người ta cũng không thấy thoải mái. Việc uống một cốc nước có thể làm xoa dịu tình cảnh đó
Nếu biết được tất cả những chuyện đó, bạn sẽ có một cuộc sống khác hẳn, bạn sẽ có sự tinh tế thấu biết đời sống này. Lấy ví dụ đơn giản, một người có khiếu về nghệ thuật, nhưng nếu không khai triển sự tinh tế thì cảm nhận nghệ thuật của người đó vĩnh viễn hời hợt; cảm nhận về mọi thứ của họ vĩnh viễn dừng ở mức khá nông, không đi sâu được, không thấu hiểu được. Họ đứng trước thế giới của mình giống như đứng trước một Vạn Lý Trường Thành, họ cứ lần tìm cổng vào nhưng đi mãi không thấy, chỉ thấy toàn núi đá. Để đi qua Vạn Lý Trường Thành đó, họ cần một phép thuật như của David Copperfield
An có một xuất phát là ít khi hiểu cho người khác. 90% những người ít hiểu cho người khác là do chỉ hiểu về bản thân mình hoặc chỉ muốn hiểu về bản thân mình – tức là họ sẽ khá ích kỷ; 10% còn lại rơi vào trạng thái gần như tâm thần – gọi là “rối loạn chức năng nhận thức,” do các dây thần kinh, hoặc lý do tâm lý là do họ không quen với các biểu hiện cảm xúc và văn hóa của người khác, đây cũng là “rối loạn chức năng xã hội”…
———
– Trích sách SỰ KIẾN TẠO LÝ TRÍ – Thuật thôi miên của đời sống thường nhật – Tác giả Hạo Thái –