Một người bà dặn dò cháu của mình như sau: “Làm người, khiếm khuyết điều gì cũng có thể bỏ qua nhưng không được phép lười biếng. Cháu muốn ăn ngon, cháu phải biết nấu nướng. Cháu muốn mặc đẹp, ít nhất tủ quần áo của cháu phải biết sắp xếp sao cho thật gọn gàng, tươm tất. Muốn ăn ngon mặc đẹp, cháu phải thật chăm chỉ. Sự chăm chỉ này không chỉ thể hiện ở việc cháu đang làm ngoài xã hội, mà còn ở trong sinh hoạt ngày thường của cháu ở nhà. Đừng mang sự mệt mỏi gom được từ ngoài xã hội về chất lên ngôi nhà cháu ở, rồi lấy cớ mệt mỏi để nằm uể oải và không làm gì trong khoảng thời gian còn lại của ngày. Cháu rèn được thói quen như vậy, bà chắc chắn cháu sẽ không bao giờ cảm thấy cuộc sống tẻ nhạt nữa.”
Nếu chúng ta dành toàn bộ năng lượng của bản thân để cống hiến cho công việc của mình, rồi sau đó trở về nhà trong kiệt sức, bải hoải, chúng ta quả thật là những người bất hạnh. Trớ trêu ở chỗ, ngày nay gần như tất cả chúng ta đều gặp phải bi kịch như vậy.
Thử nghĩ mà xem, đã bao giờ sau một ngày làm việc đầy năng suất, bạn lết đôi chân về nhà, ăn một bữa cơm qua loa đại khái. Ăn xong, bạn tắm rửa và lia trang phục trong ngảy của mình lên chồng quần áo bẩn chất thành từng đống mà chẳng buồn giặt. Tôi tin rằng những cảnh tượng ấy đã trở thành một chuẩn mực trong lối sống của người trẻ hiện đại.
Ai cũng muốn hoàn thành tốt công việc của mình, ai cũng muốn bản thân kiếm được thật nhiều tiền, nhưng đáng buồn là trong quá trình đó, họ đã đánh mất tất cả nguồn năng lượng sống của bản thân. Họ trở thành những cỗ máy vật vờ, không biết làm gì với cuộc sống của mình sau khi tan giờ làm việc.
Muốn cuộc sống không chỉ ý nghĩa trong 8 tiếng làm việc, bạn phải rèn được thói quen chăm chỉ. Đừng biến ngôi nhà trở thành nơi bạn đốt thời gian cho những sự chây ì vô nghĩa. Học cách chăm sóc tốt bản thân, luyện tập những kĩ năng mới, hay đơn giản chỉ là làm việc nhà, bạn sẽ thấy không phút giây nào của cuộc đời mình bị uổng phí.
– Theo Đình Trọng –