Schopenhauer tin rằng hầu hết khổ não của nhân loại đều là do họ quá chú ý đến con mắt của người đời. Hầu hết mọi người đều chăm chăm để ý đến ý kiến của người khác, mà bỏ qua cảm xúc thật của mình.
Còn Schopenhauer cho rằng, phần lớn mọi người đều quá thiển cận, bất kể là mọi người khen ngợi hay chê bai chúng ta, về mặt bản chất thì nó cũng chẳng liên quan tới chúng ta. Nếu chuyện gì cũng nhìn sắc mặt, nhìn ánh mắt của người khác trước, vậy thì chúng ta sẽ rơi xuống cái hố tự ti mãi không thể thoát ra được.
Schopenhauer chủ trương con người, nên sống cho chính mình. Bạn là ai, không phải do người khác định nghĩa, mà nên do chính bạn định nghĩa. Điều đáng buồn nhất trên thế giới là chứng minh giá trị của chính bạn thông qua sự chấp thuận của người khác.
Tuy nhiên, có rất nhiều người không hiểu điều này và họ vẫn bị ám ảnh bởi những danh hiệu, danh dự, sự giàu có, địa vị… họ nghĩ rằng mình càng có nhiều “thứ bên ngoài”, thì mình càng thành công và mọi người sẽ càng tôn trọng mình.
Trên thực tế, giá trị của chúng ta không được quyết định bởi các yếu tố bên ngoài, mà nó được quyết định bởi chính chúng ta. Quan tâm đến cái nhìn thế tục, đó chính xác là biểu hiện của sự không tự tin. Nếu muốn hạnh phúc, đừng quan tâm đến ánh nhìn của người khác. Một người không quan tâm đến ánh nhìn của thế giới bên ngoài là một người có trái tim tự do và chín chắn. Và bản chất của hạnh phúc là sự tự do và yên tĩnh của tâm hồn.
Trong “Trí tuệ trong cuộc sống”, Schopenhauer đã đưa ra một ví dụ để cho thấy thật đáng buồn khi quá quan tâm tới cái nhìn của thế giới bên ngoài.
Khi một buổi hòa nhạc kết thúc, khán giả đứng dậy và vỗ tay mạnh mẽ, người nhạc sĩ vô cùng hạnh phúc và tự hào. Nhưng sau đó, một người nào đó đã nói với anh rằng những khán giả vỗ tay phía dưới đều là người điếc, họ vỗ tay lớn như vậy là để che đi khuyết điểm thể chất của mình. Lúc này, người nhạc sĩ đột nhiên cảm thấy rất thất vọng và nghi ngờ về khả năng của chính mình
Schopenhauer tin rằng chúng ta ai cũng giống như người nhạc sĩ kia, còn cái nhìn của thế giới bên ngoài chính là tiếng vỗ tay của người điếc, cái sau không thể quyết định cuộc sống của cái trước. Mọi người đều là chủ nhân của chính cuộc đời mình. Nếu anh ta thay đổi bản thân chỉ để làm hài lòng người khác, anh ta sẽ trở thành con rối của cuộc sống. Người như vậy cũng đáng thương giống như người nhạc sĩ kia vậy.
– Theo Arthur Schopenhauer/Như Quỳnh –